Hợp tác xã “kiểu ông Ân”

Trần Văn Việt Thứ năm, ngày 23/04/2015 07:16 AM (GMT+7)
Nếu Kim Ngọc được gọi là “ông khoán hộ”, thì Phan Quốc Ân có thể được coi là “ông hợp tác xã”. Dẫu biết rằng “mọi sự so sánh đều là khập khiễng”, song bài viết này chỉ muốn đi tìm sự lý thú trong câu chuyện về ông Phan Quốc Ân, người sáng lập và chăm sóc Hợp tác xã (HTX) Quý Hiền, ở thôn Tả Hà, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai...
Bình luận 0

Giỏi cả làm và lý luận

Lào Cai, với những điển hình cả về thiên nhiên và con người, dường như đã tạo nên Phan Quốc Ân – con người “trong gian khó cất nên lời ca” làm kinh tế HTX.

img
Ông Phan Quốc Ân say sưa nói về hợp tác xã. Ảnh: Trần Văn Việt 

Câu chuyện được bắt đầu từ dẫn chứng về một hộ gia đình trong thôn Tả Hà, xã Sơn Hà (nơi ông sinh ra, lớn lên) cứ xin vào - xin ra HTX Quý Hiền xoành xoạch. Ông Ân kể: “Cách đây 2 năm, 1 hộ xã viên do không chấp hành quy ước bị xã viên kiểm điểm nên đã xin ra và tự tổ chức chăn nuôi. Tuy có cơ sở chuồng trại tốt, kỹ thuật chăn nuôi tốt nhưng do không quy hoạch cân đối với thị trường, khi xuất bán trùng với HTX, thị trường lại mới nên phải bán rẻ hơn, khách hàng nợ tiền. Kết quả hộ đó lỗ 200 triệu đồng nên phải xin trở lại HTX”.

Từ thực tiễn và nghiên cứu, ông đã chỉ ra 7 nhóm nguyên nhân khiến sản phẩm chăn nuôi của bà con xã Sơn Hà thất bại, và đáng chú ý là đều xoay quanh hai chữ “nhỏ lẻ”.

Từ đấy, ông đã cùng 22 hộ chăn nuôi trong xã thống nhất rằng: Phải liên kết, đoàn kết hay nói cách khác là làm kinh tế tập thể. HTX Quý Hiền ra đời. Nghe nói thì tưởng đơn giản, nhưng nhìn lại thống kê trên 10.000 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ 10% hoạt động hiệu quả, 20% dừng hoạt động, còn lại thì “ngắc ngoải”, mới thấy có được mô hình như Quý Hiền là cả một nỗ lực.

Từ kinh nghiệm của câu chuyện “ra – vào” HTX xoành xoạch, ông Ân rút ra 4 điểm cơ bản về HTX, liên quan đến xã viên, bộ máy, vốn liếng, và phương thức hoạt động, mà chúng tôi gọi nôm là “HTX kiểu ông Ân”.

Nói về xã viên, ông Ân chỉ nêu ngắn gọn: Các hộ xã viên phải là những hộ sản xuất; phải nằm rải đều trên diện rộng và đặc biệt là phải có trình độ sản xuất càng cao càng tốt. Còn về bản chất dịch vụ HTX, ông Ân cho rằng: Các hộ phải tham gia sản xuất, còn nếu hộ thành viên mà không sản xuất thì sẽ trở thành cổ đông, HTX sẽ trở thành doanh nghiệp cổ phần (hoạt động vì lợi nhuận) – điều trái với bản chất HTX”.

Về bộ máy HTX, ông Ân kế thừa một cách triệt để HTX kiểu “cổ điển” – mô hình mà trên thế giới cũng như Việt Nam sử dụng hàng bao đời nay, bao gồm Ban quản trị và Ban kiểm soát. Nhưng điều đặc biệt trong HTX của ông là sự phân công cụ thể và sát thực các Ban này. Trong khi Ban quản trị, ông quy định Phó Chủ nhiệm lo mảng vốn và thị trường, Ủy viên lo mảng phúc lợi xã hội và đời sống xã viên thì Ban kiểm soát chịu trách nhiệm về hoạt động mua bán sản phẩm của HTX với thị trường.

Sự phân định rạch ròi của ông Ân đưa đến sự liên tưởng của TS Võ Thị Kim Sa (Điều phối viên Chương trình Socodevi tại Việt Nam) với mô hình ở Canada, một nước có nền kinh tế HTX phát triển hàng đầu thế giới. TS Kim Sa dẫn chứng: “Thông qua việc tham gia vào liên hiệp (liên kết theo ngành), các HTX có cơ hội phát triển kinh doanh, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn…”.

Một khâu rất quan trọng để duy trì hoạt động của HTX là nguồn vốn, ông Ân cũng có cách làm riêng. Ông cho rằng: “Các xã viên góp tất cả những gì mình có “chứ không chỉ góp tiền”. Theo đó, các hộ thành viên tự nguyện tham gia và góp đất sản xuất, cơ sở sản xuất (chuồng trại, công cụ lao động), tiền. Còn về hoạt động của HTX, ông Ân đã đúc rút ra những ý rất đời thường, như: Việc sản xuất phải được các xã viên thảo luận, bởi đây là việc của các hộ xã viên, không ai được can thiệp; Ban quản trị và Ban kiểm soát làm những việc xã viên không làm được hoặc làm được nhưng không hiệu quả.

Thu nhập của xã viên “đều như vắt chanh”

Không chỉ biết làm, ông Ân còn là người nói rất dễ hiểu với những lời mộc mạc, với nhiều điểm nhấn thú vị. Khi nói về sự thành công của sản phẩm trứng gà từ HTX Quý Hiền, Ông hứng khởi nói như đinh đóng cột: “Một điều chúng tôi rất hài lòng là mặt hàng trứng gà của HTX đã đè bẹp trứng gà Trung Quốc. Lào Cai hiện không có trứng gà Trung Quốc”.

img

Vui vẻ và hạnh phúc khi nói về thu nhập một cách bền vững cho 38 xã viên trong HTX Quý Hiền, ông dùng từ “đều như vắt chanh” - làm cho người nghe dễ thấm và cũng rất “hài hước”. Cũng là tính “bền vững”, nhưng ở góc độ về vốn, ông nói: “HTX Quý Hiền không thiếu vốn, cứ quay vòng khoảng hơn 10 tỷ đồng với bạn hàng ổn định – không bị nợ như buôn, bán lẻ”. Thành công này quả là chỉ có ở “HTX kiểu ông Ân” khi mà lâu nay không tổ chức kinh tế nào, không cơ quan hay cá thể nào không ca mãi “bài ca muôn thủa – thiếu vốn”.

Khi nói về hoạt động HTX, một lý luận kinh điển hàng trăm năm trên thế giới, một phạm trù mà hàng chục năm nay ở Việt Nam làm đau đầu các nhà khoa học, quản lý… nhưng ông Ân lại diễn đạt chuyện đó rất đơn giản mà xúc tích, sâu sắc mà vẫn đầy đủ.

“HTX làm những việc mà cá thể các hộ xã viên không làm được hoặc làm được nhưng không hiệu quả”, ông dẫn chứng rồi liệt kê ra đến 3 nhóm (với hàng chục vấn đề cụ thể) việc “không làm được” và 7 nhóm dịch vụ (lại với hàng trăm tiểu việc) mà xã viên “làm sẽ không hiệu quả”.

Bởi theo ông, đến bây giờ vẫn còn quá sớm để khẳng định sự thành công bền vững của HTX. Đơn giản, bởi mọi khó khăn thử thách còn ở phía trước…

Dù đã có thành công nhất định, nhưng theo ông, nếu bằng lòng với hiện tại thì sẽ coi như dậm chân tại chỗ.

“Hiện HTX chúng tôi không gặp khó khăn gì lớn lắm; nhưng để phát triển và ổn định bền vững thì HTX đang còn rất nhiều trăn trở. Rồi đây khi đất nước ta hội nhập sâu hơn. Khi ký kết xong Hiệp định TPP, thuế nhập khẩu thịt vào nước ta bằng 0%, ngành chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, một đối thủ mà họ có nhiều lợi thế hơn ta”- ông Ân tỏ ra đăm chiêu và vạch ra những kế hoạch mới.

Vậy đó, qua những kiểu triết lý “mộc mạc đơn sơ”, nhưng mang tính đúc kết cao của ông Ân; qua câu chuyện thực tiễn về một HTX nhỏ bé về số lượng như HTX Quý Hiền do ông và các xã viên gây dựng nên, nơi mà hình hài về “HTX kiểu mới” người ta vẫn tìm kiếm trong mấy mươi năm qua, dường như đã hiện ra đầy đủ và rõ nét nhất.

Và với “HTX kiểu ông Ân” này, ước mong của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Phạm Văn An, rằng: “Cầm vàng thì sợ vàng rơi/Vào Hợp tác xã đời đời ấm no” sẽ sớm trở thành hiện thực ở nước ta trong một tương lai không xa nữa.

 Tư tưởng đơn giản về HTX của ông Ân cũng được triển khai ở Hà Giang. Qua hàng chục năm chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể toàn tỉnh, đương kim Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang – Triệu Tài Vinh đúc rút ra phương châm “4 có - 5 cùng” cũng có nhiều tương đồng với “đúc kết” của ông Ân. 
Theo đó, “4 có” là: Có chỉ đạo - đầu tư có thu hồi – có quỹ phát triển thôn - có nhóm sở thích và “5 cùng” gồm: Cùng chỉ đạo - cùng giống - cùng thời vụ - cùng chăm sóc - cùng thu hoạch. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem