HTX kiểu mới làm cầu nối giúp doanh nghiệp, nông dân tăng lợi nhuận

Trần Đáng Thứ ba, ngày 18/06/2024 11:14 AM (GMT+7)
Nắm bắt nhu cầu của người mua, kẻ bán tại TP.HCM, hình thành những HTX chuyên làm cầu nối kết nối hàng hóa, nguyên liệu sản xuất giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp.
Bình luận 0

Đầu tiên phải kể đến mô hình HTX Nông sản sạch TP.HCM. Đây là HTX chuyên phân phối sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của các HTX, hộ sản xuất nông nghiệp ở TP.

HTX kiểu mới làm cầu nối giúp doanh nghiệp, nông dân tăng lợi nhuận- Ảnh 1.

Sản phẩm nông nghiệp ở TP.HCM đang rất cần giải phóng đầu ra, tạo động lực để HTX, nông dân, doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: T.Đ

HTX đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng

Theo bà Phạm Thị Minh Dung, Giám đốc HTX Nông sản sạch TP.HCM, phần lớn các HTX tập trung vào sản xuất, nên việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp nhiều khó khăn.

"Vì vậy, HTX Nông sản sạch TP.HCM là một điểm gởi sản phẩm, là kênh kết nối và phân phối sản phẩm cho các HTX. Việc tiêu thụ sản phẩm của HTX hiện nay khá tốt", bà Dung chia sẻ.

Cũng theo bà Dung, ngoài kênh bán hàng tại cửa hàng, HTX Nông sản sạch TP.HCM còn tạo kênh tiêu thụ thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài TP.HCM. Đây là cơ hội để giới thiệu nông sản, đặc sản của TP.

Hiện, HTX Nông sản sạch TP.HCM có một cửa hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp tại huyện Hóc Môn. Cửa hàng này là kết quả của sự hợp tác giữa nhiều HTX và đơn vị sản xuất nông nghiệp, mang đến sự kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp sạch và chất lượng trong thành phố.

Tại đây quy tụ hàng loạt nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của các HTX, nông dân TP. Đó là những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, như chanh hữu cơ của HTX Nông nghiệp Trường Thịnh Phát (huyện Củ Chi); khô cá sặc lạt của HTX Thủy sản tương lai (huyện Củ Chi); dưa lưới, dưa hấu công nghệ cao của Công ty Sinh hóa Nông nghiệp VNAS (huyện Hóc Môn); các loại nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi của các cơ sở trồng và sản xuất…

Bên cạnh đó, là các mặt hàng sản phẩm OCOP, như mật ong Xuân Nguyên, mật dừa nước Vietnipa, rau má Quảng Thanh… Bà Dung cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục kết nối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp khác, đưa nông sản sạch phục vụ người dân TP.

HTX kiểu mới làm cầu nối giúp doanh nghiệp, nông dân tăng lợi nhuận- Ảnh 3.

Một gian hàng của HTX Nông sản sạch TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

HTX bao tiêu nguyên liệu của nông dân cung cấp cho doanh nghiệp

Lần đầu tiên một chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cua lột, cua cốm được thành lập ở TP.HCM. Đơn vị khởi xướng là HTX Vina Nhà Bè (huyện Nhà Bè). Điều đặc biệt, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ "vỗ béo cua" này không chỉ hoạt động gói gọn ở TP.HCM mà còn vươn ra tận tỉnh Sóc Trăng.

Theo ông Trần Quang Vinh, đại diện HTX Vina Nhà Bè, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ "vỗ béo cua" này được thành lập vào năm 2021.

Theo đó, Hội Nông dân xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) phối hợp Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu, UBND huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức cho nông dân, HTX địa phương và HTX Vina Nhà Bè triển khai ký kết hợp đồng tiêu thụ cua nguyên liệu. Đại diện các bên cam kết cung ứng cua nguyên liệu cho HTX Vina Nhà Bè để sản xuất cua lột, cua cốm cung cấp cho các thị trường trong và ngoài nước.

Ông Vinh đánh giá, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ này được hình thành giúp DN có nguồn nguyên liệu ổn định, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thu mua, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, nhất là kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất…

Nông dân tham gia chuỗi sẽ được bao tiêu đầu ra, giảm rủi ro về giá cả, thu nhập ổn định. Ngoài ra, họ còn được đào tạo, tập huấn, tiếp cận những tiến bộ khoa học, công nghệ để tạo ra những sản phẩm cua có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm…

HTX kiểu mới làm cầu nối giúp doanh nghiệp, nông dân tăng lợi nhuận- Ảnh 4.

Sản phẩm cua đông lạnh đóng hộp của DN ST Farm xuất phát từ cua nguyên liệu của HTX Vina Nhà Bè. Ảnh: T.Đ

Hiện, tại 2 khu vực nuôi cua nguyên liệu ở tỉnh Sóc Trăng có khoảng 100 hộ nuôi cua nguyên liệu cho doanh nghiệp với sản lượng cung cấp cho doanh nghiệp 200-500kg cua/ngày. Còn 15 hộ hộ nuôi cua nguyên liệu tại huyện Nhà Bè cung cấp cho doanh nghiệp 200kg cua/tuần.

Theo ông Vinh, HTX Vina Nhà Bè thu mua cua nguyên liệu với giá cố định. Cụ thể, giá cua nguyên liệu 168.000 đồng/kg (trọng lượng 150-170g/con), giá 170.000 đồng/kg (trọng lượng 180-200g/con), giá 180.000 đồng/kg (trọng lượng 210-220g/con). Đồng thời, HTX cam kết bao tiêu, thu mua toàn bộ cua nguyên liệu của nông dân tham gia chuỗi.

Theo ông Vinh, thời gian tới, HTX Vina Nhà Bè tiếp tục mở rộng vùng nuôi cua nguyên liệu để tăng sản lượng cua nguyên liệu cho doanh nghiệp và tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem