|
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường (giữa) thăm xưởng sơ chế cà phê của hộ anh Nguyễn Văn Tiện, ở xã Hua La. |
Trời nắng chang chang liên tục cả tuần, cà phê ngoài nương, rẫy chín càng nhanh. Từng nhóm người hái cà phê thuê mặt trùm kín khăn, tay thoăn thoắt tuốt những chùm quả chín mọng vào bao. Từ 5 đến 6 giờ chiều, những con đường dẫn vào các bản của xã Hua La nhộn nhịp, huyên náo. Người bán, kẻ mua cà phê, ô tô tải nối đuôi nhau vào vận chuyển cà phê ra ngoài.
Bản... nhà lầu
Từ rẫy cà phê, anh Nguyễn Văn Tiện dẫn chúng tôi về nhà anh ở bản Hoàng Văn Thụ. Bản có nhiều ngôi nhà cao tầng xây theo kiểu biệt thự nổi bật lên giữa màu xanh bạt ngàn của cà phê.
Mấy năm nay, bên cạnh việc chăm sóc 1,8ha cà phê, anh Tiện còn mở xưởng sơ chế cà phê tại nhà. Ngôi nhà tầng đẹp vào bậc nhất trong bản của gia đình anh là nhờ trồng cà phê mà có. “Năm nay, cà phê ra hoa, đậu quả trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Nhà tôi chắc thu được hơn 16 tấn cà phê, trị giá hơn 120 triệu đồng” - anh Tiện thổ lộ.
Năm 2009, tổng nguồn thu từ trồng, sơ chế cà phê của xã Hua La đạt 41 tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng sản phẩm của toàn xã. Hiện toàn xã chỉ còn 68/1.448 hộ nghèo...
Bản Hoàng Văn Thụ có 52 hộ, hầu như hộ nào cũng trồng cà phê, ít là 1ha, nhiều thì 3ha. “Tổng diện tích trồng cà phê của bản hiện là 66ha, có thể mở rộng lên 100ha trong năm tới.
Nhiều hộ trong bản còn đi thuê đất ở các bản, xã khác trên địa bàn Tp. Sơn La, huyện Mai Sơn để trồng cà phê...”- trưởng bản Nguyễn Xuân Thuyết cho hay.
Ngoài bản Hoàng Văn Thụ, các bản Nam, Nẹ Nưa cũng có hộ trồng nhiều cà phê. Không chỉ người Kinh mà ngày càng có nhiều hộ đồng bào DTTS trong xã ăn nên làm ra từ cây cà phê. Điển hình như anh Lều Văn Yên, dân tộc Thái ở bản Sàng là ND SXKD giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền nhờ trồng cà phê.
Cây cà phê không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong xã mà còn thu hút hàng trăm lao động đến từ huyện Sông Mã, Yên Châu mỗi khi vào vụ thu hoạch. Bình quân mỗi lao động hái cà phê thuê kiếm 100.000 đồng/ngày, người hái giỏi tới 200.000 đồng...
Tiếp sức cho ND trồng cà phê
Cũng như nhiều địa phương khác, cà phê bén đất Hua La từ 20 năm nay, nhưng chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người trồng vài năm nay. ông Lèo Văn Toan - Chủ tịch Hội ND xã Hua La cho biết: Nhờ đưa các giống mới và đẩy mạnh công tác huấn luyện, tập huấn kỹ thuật cho ND nên năng suất, chất lượng cà phê mỗi ngày một tăng.
Hiện, diện tích cà phê cả xã Hua La là hơn 800ha, trong đó 106ha trồng mới trong năm 2010. Hội ND xã đang vận động ND cải tạo vườn tạp để trồng cà phê. Hộ nghèo, hộ thiếu vốn được Hội ND hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH”. Xã Hua La có tất cả 1.448 hộ, cư trú ở 15 thôn, bản, 95% dân số là đồng bào DTTS. Khả năng áp dụng các tiến bộ KHKT vào canh tác cà phê giữa các hộ không đồng đều.
Cấp uỷ, chính quyền và Hội ND xã Hua La đã vận động hội viên, ND giúp đỡ lẫn nhau, hộ giỏi, khá giúp hộ yếu, hộ người Kinh giúp hộ đồng bào DTTS kinh nghiệm, kiến thức trồng, chăm sóc cà phê. Hàng năm, Hội ND thành phố đều phối hợp với Trung tâm Khuyến nông của tỉnh tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê cho ND trong xã...
Theo ông Toan, tuy “có của ăn của để”, nhưng người trồng cà phê ở Hua La vẫn còn nhiều nỗi lo, lo nhất là ảnh hưởng thời tiết, bệnh dịch trên cây cà phê. Anh Nguyễn Văn Tiện cho biết: “Gặp năm sương muối nhiều, không những thất thu mà có khi còn có nguy cơ sạt nghiệp bởi cà phê chết hàng loạt. Triệu chứng rụng nụ, hoa bởi sương muối và bệnh đốm nâu trên lá non xuất hiện ở cà phê Sơn La nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có cơ quan khoa học nào giúp ND khắc phục...”.
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.