Hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho chuyển đổiTheo UBND quận Long Biên, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, quận đã phê duyệt vùng sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 của 10 phường, với tổng diện tích 1.404ha, trong đó vùng bãi 805ha; xây dựng kế hoạch 137 ngày 25.3 để thực hiện phát triển vùng hoa, cây cảnh tại vùng bãi phường Long Biên giai đoạn 2013 – 2016, với diện tích 68ha; kêu gọi doanh nghiệp tham gia sản xuất, với diện tích đề nghị thành phố mở rộng lên 97ha.
Bà Vũ Thị Thân-Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên cho biết: Diện tích đất nông nghiệp trong đồng của quận hiện không còn nhiều, tương lai cũng sẽ chuyển hết thành các dự án đô thị, do vậy với một số diện tích, quận không chủ trương đầu tư lâu dài. Đây cũng chính là khó khăn của quận trước bài toán nâng cao thu nhập cho lao động nông nghiệp.
Theo bà Thân, để sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp còn lại, giải pháp trọng tâm của quận là đẩy mạnh sản xuất theo hướng đô thị sinh thái. Theo đó, UBND quận đã ban hành và tổ chức phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, chủ yếu là chuyển từ trồng ngô, rau màu, vườn tạp sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh chất lượng cao.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, quận đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để trực tiếp hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng (gồm hỗ trợ giống, giếng khoan, tập huấn KHKT). Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội quận còn cho 746 hội viên vay 16,15 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 1.539 hộ vay 7,75 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ.
Bà Đào Thị Việt Nga-Phó Trưởng phòng Kinh tế quận cho biết: Sau gần 3 năm, quận đã chuyển đổi được 233ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả, hoa cây cảnh toàn quận lên gần 480ha. Thực tế cho thấy, việc định hướng cho bà con chuyển sang trồng chuối, ổi, đu đủ, cam Canh, táo Đài Loan, hoa đào, quất cảnh... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh như vùng quả an toàn Cự Khối; ổi - táo Đài Loan Phúc Lợi; chuối tiêu hồng Giang Biên, Ngọc Thụy; vùng hoa đào Long Biên; duy trì 15,5ha rau an toàn ở các phường Giang Biên, Cự Khối, Thượng Thanh. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha trồng cây ăn quả, rau an toàn đạt từ 180 – 200 triệu đồng/năm, gấp 3-4 lần làm màu truyền thống.
Chú trọng rau, quả an toànBà Thân cho biết thêm, ngoài hỗ trợ về chính sách, vốn, từ năm 2011 đến nay quận đã triển khai thực hiện 7 dự án đầu tư đường giao thông, điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng bãi sông Hồng, sông Đuống, với tổng số vốn hơn 23 tỷ đồng (hiện đã đưa vào sử dụng 3 dự án). Đồng thời, vận động người dân trồng cây ăn quả, rau, hoa cây cảnh chất lượng cao theo hướng tập trung, chuyên canh, an toàn.
Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội: Hiện nay cây lúa ở quận Long Biên đã bị xóa sổ, nhường đất cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Quận cần xây dựng các vùng quả an toàn gắn với phát triển du lịch sinh thái, trong đó có việc xây dựng các khu vui chơi giải trí kết hợp tham quan.
|
“Hiện, quận đang tích cực hỗ trợ bà con xây dựng nhãn hiệu tập thể cho vùng quả an toàn Phúc Lợi; duy trì vùng quả an toàn Cự Khối và đã xây dựng thành công thương hiệu ổi găng an toàn Cự Khối. Hiện, sản phẩm ổi găng của HTX không đủ đáp ứng nhu cầu, giá bán năm sau luôn cao hơn năm trước” – bà Thân cho biết.
Ông Trần Tuyết Hưng-chủ trang trại trồng cây ăn quả tại tổ 7, phường Phúc Lợi cho biết: Năm 2005, tôi đã vận động khoảng 60 hộ để dồn điền đổi thửa, lập thành trang trại với diện tích 2,5ha để trồng cây ăn quả, ươm cây giống.
Nhưng đến năm 2010, Công ty Vincom lập dự án, giải phóng mặt bằng và toàn bộ diện tích đất trên của gia đình tôi bị thu hồi. Với đam mê làm trang trại, năm 2011, tôi tiếp tục thuê 2ha đất bãi của bà con để làm nhà kính ươm cây giống đu đủ F1 và trồng cây ăn quả an toàn. Sau 1 năm, trang trại đã phủ kín màu xanh, thu hồi đủ vốn. Hiện tôi đang rất tâm huyết với cây ổi lê Đài Loan, một loại cây ăn quả rất ngon, năng suất cao. Năm 2012, với 1ha ổi lê tôi thu trên 450 triệu đồng.
Minh Huệ (Minh Huệ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.