Việc tăng thuế GTGT (VAT) từ 10% lên 12% sẽ tác động lớn tới đối tượng thu nhập thấp (Ảnh minh họa)
Kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách
Tại Hội nghị BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lần thứ II (khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra sáng 31.1, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, ngoài nhiệm vụ tích cực triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực kể từ 1.1.2018, trong năm 2018 Hiệp hội sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm như chủ động tham gia, xây dựng đóng góp ý kiến để sớm trình Chính phủ Đề án Giải pháp huy động nguồn lực trong dân để phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH; Đề án Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; Giải pháp gắn kết, thúc đẩy doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
“Ngân hàng hiện nay đang huy động ngoại tệ với lãi suất 0%, trong khi chúng ta vay nước ngoài ngoài hơn 6% thì tại sao chúng ta không vay dân? Hiện nay các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn rất tốt, và cũng rất đúng luật”, ông Nguyễn Văn Thân nói.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Tuân)
Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đặt ra một số kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ. Theo đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV để tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV về: tín dụng, tài chính, thuế, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, hỗ trợ tiếp cận công nghệ số...
Kiến nghị Chính phủ có giải pháp để chuyển giao một số dịch vụ công từ các bộ ngành, địa phương cho các hiệp hội. Qua đó, góp phần làm giảm chi phí của doanh nghiệp trong SXKD và cũng là cơ sở, điều kiện để các tổ chức đại diện của cộng đồng DNNVV từ Trung ương đến địa phương tự nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình, qua đó huy động được các nguồn lực xã hội, góp phần giảm chi phí từ NSNN;
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến cung cấp dịch vụ công, đôn đốc các cơ quan nhà nước đẩy mạnh ứng dụng CNTT để giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần của các Nghị quyết của Chính phủ;
Cuối cùng, Hiệp hội DNNVV đề nghị Chính phủ quan tâm tạo điều kiện để Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các Hội địa phương được tham gia vào các đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành trong các hoạt động ngoại giao, qua đó Hiệp hội được tiếp xúc, trao đổi, học tập và làm việc nhiều hơn với các tổ chức quốc tế và được tham gia triển khai thực hiện nhiều hơn vào các Chương trình, Dự án của Chính phủ cũng như của các Bộ, Ngành về những nội dung có liên quan đến phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
Lùi thời hạn tăng thuế VAT tới năm 2024
Xung quanh đề xuất tăng thuế VAT với nhiều mặt hàng từ 10% lên 12% từ năm 2019 của Bộ Tài chính, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV đề xuất, cầ sớm điều chỉnh Luật Thuế, trong đó có Luật Thuể Giá trị gia tăng (VAT) và Thuế Thu nhập DN, theo hướng giảm.
Lộ trình tăng thuế GTGT (VAT) Bộ Tài chính từng đưa ra (Ảnh: VTV)
“Theo dự kiến tại khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật này, thì thuế xuất thuế VAT tăng lên mức 6% (so với mức 5% được quy định tại khoản 2, Điều 8, Luật số 13/2008/QH12 ) và tại khoản 5 dự kiến tăng lên 12% (so với mức 10% được quy định tại khoản 3, Điều 8 Luật số 13/2008/QH12). Nhận thấy do thuế VAT tăng sẽ làm cho giá cả hàng hóa (nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm) cũng có xu hướng tăng theo.
Vậy nên, chúng tôi đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, nên giữ nguyên mức thuế xuất như cũ, không tăng trong 05 năm đầu (kể từ khi Luật này có hiệu lực). Thực hiện mức tăng như đề xuất trong dự thảo là 6% và 12%, kể từ năm thứ 6 trở đi bởi 2 lý do:
Thứ nhất, nếu thực hiện lộ trình tăng ngay, thì giá tiêu dùng tăng sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của đa số người lao động - Đặc biệt là lao động có thu nhập thấp, do vậy sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.
Thứ hai, trong những năm qua, hàng năm Chính phủ đều điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu, vì vậy ngoài việc đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, thì việc đảm bảo ý nghĩa của việc Chính phủ tăng lương tối thiểu hàng năm cho người lao động cũng cần phải được xem xét đến”, ông Nam nói.
Về thuế TNDN, ông Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét để điều chỉnh, bổ sung Khoản 5, Điều 3 dự thảo Luật trên, cụ thể như sau: “Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng áp dụng thuế suất 15%. Riêng đối với DNNVV, chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh sang, được áp dụng mức thuế suất 10% trong 05 năm đầu kể từ khi chuyển lên doanh nghiệp”, ông Nam phân tích.
Bên cạnh đó, cần xem xét để giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn bởi quy định mức đóng 34,5% trên tổng quỹ lương là cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.