Huyện miền núi Nam Giang đang rút ngắn khoảng cách phát triển với miền xuôi của Quảng Nam
Huyện miền núi Nam Giang đang rút ngắn khoảng cách phát triển với miền xuôi của Quảng Nam
Tăng Hậu - Trương Hồng
Thứ ba, ngày 20/02/2024 13:00 PM (GMT+7)
Với địa hình núi cao, dân cư phân tán, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông – lâm nghiệp..., xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ cách làm sáng tạo, phù hợp, diện mạo làng quê nơi đây đã có nhiều khởi sắc, từng bước tiệm cận với miền xuôi.
Ông A Viết Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: "Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà. Song, với tinh thần vượt khó khăn, thách thức để chung sức xây dựng quê hương, địa phương đã đạt được nhiều kết quả trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, kinh tế tăng trưởng khá.
Tổng thu ngân sách Nhà nước toàn huyện đến hết ngày 31/12/2023 đạt 345,488 tỷ đồng, đạt 105% dự toán được giao, vượt 5% và số tiền thu vượt là 16,488 tỷ đồng".
Năm 2023, huyện Nam Giang có tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng đạt 3.337 tỷ đồng, đạt 102,05% kế hoạch và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 316,2 tỷ đồng, đạt 100,51% so với kế hoạch và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 6.030,6ha, đạt 100,3% so với kế hoạch; sản lượng lương thực có hạt đạt 7,112.32 tấn, đạt 104,09% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thương mại – dịch vụ, giá trị sản xuất đạt 608 tỷ đồng, đạt 101,15% kế hoạch và tăng 12,4% so với năm 2022. Giá cả các mặt hàng thiết yếu, an toàn thực phẩm, hàng hóa cung ứng trên thị trường luôn đảm bảo chất lượng và phong phú, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong các dịp cao điểm và các hoạt động thường ngày.
Ông Sơn cho hay: "Thời gian qua, địa phương tiếp tục sản xuất nông – lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, chính sách của trung ương, tỉnh và huyện. Ưu tiên cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội; tăng cường các biện pháp về quản lý tài nguyên đất đai, lâm, khoáng sản gắn với thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trên địa bàn huyện nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh...".
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách với miền xuôi
Nam Giang là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, có đường biên giới giáp với nước Lào, hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông – lâm nghiệp nên đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Năm 2023, huyện đã kịp thời triển khai các chế độ, chính sách, an sinh, xã hội đến người dân trên địa bàn. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023 giảm 553 hộ so với năm 2022, vượt 163 hộ so với tỉnh giao (tỷ lệ 141,8%), so với chỉ tiêu huyện giao vượt 90 hộ (tỷ lệ 119,43%).
Cùng với đó, huyện Nam Giang đã xây dựng, bàn giao 238 nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo, đào tạo nghề cho 291 lao động. Công tác chính sách cho người có công cách mạng, chăm lo đời sống nhân dân, hỗ trợ, cứu trợ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm, theo dõi, thực hiện đầy đủ kịp thời và có hiệu quả.
Các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác quốc phòng, quân sự địa phương thực hiện đảm bảo và hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch.
UBND huyện đã bám sát, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Năm 2024, Nam Giang đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư phát triển nông – lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, trồng rừng gỗ lớn làm cơ sở áp dụng nhân ra diện rộng; triển khai thực hiện chương trình OCOP; chỉ đạo triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí xã nông thôn mới và thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
"Được sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp trên, huyện Nam Giang có nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn và có những chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để hoàn thành chương trình, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà cần nỗ lực hơn nữa để chung sức tạo diện mạo mới cho thôn làng, cải thiện đời sống cho người dân...", ông A Viết Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.