Ngày 30.3.2007, huyện Phú Thiện được thành lập theo NĐ/50 CP của Thủ tướng Chính phủ. Huyện gồm 9 xã và 1 thị trấn được tách ra từ huyện A Yun Pa. Dù chỉ với khoảng thời gian ngắn nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng bộ huyện, sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Phú Thiện đã đoàn kết, chung sức từng bước vượt qua khó khăn thử thách, giành được những thành tích toàn diện trên hầu khắp các lĩnh vực… 5 năm qua, huyện Phú Thiện luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%.
|
Cơ giới hoá sản xuất được áp dụng rộng rãi ở Phú Thiện. |
Với thế mạnh của hơn 6.000ha lúa nước hai vụ, hàng năm, Phú Thiện đã sản xuất một lượng lúa hàng hóa trên 70.000 tấn. Năng suất lúa đông – xuân cá biệt đã đạt tới 10 – 11 tấn/ha. Với tổng sản lượng quy thóc đạt gần 90.000 tấn, Phú Thiện đã khẳng định ví trí là vựa lương thực lớn của tỉnh và khu vực.
Không chỉ độc canh cây lúa nước, để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng chuyên canh một số cây trồng có giá trị kinh tế như mía, điều, thuốc lá; khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản…
Để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn trước mắt và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, huyện luôn quan tâm đến phát triển công nghiệp – TTCN, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản bằng việc khuyến khích các nguồn lực tại chỗ, kêu gọi đầu tư.
Tính đến cuối năm 2011, giá trị sản xuất mà ngành này mang lại đã đạt trên 65 tỷ đồng… Sự chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế của huyện những năm qua đã góp phần thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa – giáo dục, an sinh xã hội phát triển. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn ngày càng được mở rộng và kiên cố hóa; 100% xã, thôn đều có điện lưới Quốc gia.
Phổ cập THCS hiện đã đạt 10/10 xã, thị trấn. Hơn 60% số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”. An ninh nông thôn, trật tự xã hội được giữ vững. Thị trấn Phú Thiện – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện, từ một cụm dân cư bề bộn nay đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại với việc hoàn chỉnh cơ bản trung tâm hành chính, các trục đường giao thông lớn.
Hệ thống ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ vui chơi giải trí đã hình thành và đang trên đà phát triển, đồng nhịp với sức lớn của một đô thị trẻ. Chỉ với khoảng thời gian vừa tròn 5 năm, vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa cao nguyên” đã nhanh chóng chuyển mình, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế khu vực Đông – Nam tỉnh Gia Lai…
Ngọc Tấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.