Huyền thoại về “Vua gió”

Thứ bảy, ngày 15/02/2014 06:47 AM (GMT+7)
Đại Nam liệt truyện - sử quán triều Nguyễn có 2 chương chép khá chi tiết về Thủy xá và Hỏa xá (Vua nước và Vua lửa) nhưng không có dòng nào nhắc đến Vua gió. Các tài liệu ghi chép trước đây về cao nguyên cũng không thấy đề cập đến vị “vua” này.
Bình luận 0
Tuy nhiên trong tiềm thức của người Tây Nguyên xưa, Vua gió (Pơtao Angin) vẫn là một vị vua thần quyền được trọng vọng không khác gì Vua lửa và Vua nước…

Trong ký ức xa mờ

Vị Vua gió cuối cùng – Siu Bam đã mất từ năm 1988 nên mọi tư liệu về vị “vua” độc đáo này chúng tôi chỉ có thể tìm hiểu qua bà Ksor H’Nhriu. Bà năm nay đã hơn 60 tuổi, là con gái của Siu Bam, hiện đang sống tại làng Măng (Plei Măng) xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Đây cũng là quê hương của các vị Vua gió truyền đời…

Bà Ksor H’Nhriu  và 2 chiếc ghè cổ của các Vua gió truyền lại.
Bà Ksor H’Nhriu và 2 chiếc ghè cổ của các Vua gió truyền lại.

Hiện tượng tín ngưỡng vua gió có từ bao giờ? Theo bà H’Nhriu thì đã có 5 đời Vua gió kế tục nhau. Nếu đúng như vậy thì hiện tượng tín ngưỡng này có cách nay chí ít cũng đã trên dưới 300 năm… Người Tây Nguyên quan niệm ngoài 2 yếu tố quyết định sự sống của con người là nước và lửa thì phải nhờ đến yếu tố thứ ba là gió. Ở vùng đất cao nguyên bốn mùa lộng gió này, không có gió mang mây đến thì cũng không thể có mưa – và như vậy cũng có nghĩa là không có nước

Pơtao Angin – Vua gió, là cách nói theo nghĩa “người đứng đầu” (Pơtao). “Vua” ở đây chỉ thuần túy mang tính thần quyền, có vai trò như một vị phù thủy. Trời nắng hạn thì cầu gió gọi mưa. Gió to, mưa lớn quá thì cúng cầu cho tạnh. Suốt đời “vua” không dính dáng gì đến chuyện cai trị mang tính hành chính thế tục. “Vua” cũng đi làm rẫy để kiếm sống, cũng giáp mặt bình dị với mọi người trong làng… Đây là điều độc đáo, khác biệt hoàn toàn với Vua lửa và Vua nước. Hai vị “vua” này mỗi lần đi thăm làng thường cưỡi voi; chỉ đàn ông và người già được tiếp vua, phụ nữ và trẻ em phải ở trong nhà, cấm được nhìn mặt vua…

Làm vua của gió nên không chỉ kiêng cưỡi voi, suốt đời “vua” không được dùng đến một phương tiện đi lại nào khác, nếu không sẽ bị... gió gọi đi. Bà H’Nhriu kể rằng đã có một lần Vua gió Siu Bam được mời đi làm lễ cầu mưa cho làng Brok. Do đường xa, trời sắp tối nên đứa cháu trai bảo ông lên xe đạp để đi cho kịp. Chiếc xe vừa lăn bánh thì bầu trời quang đãng đột nhiên tối sầm. Một trận cuồng phong nổi lên cuốn hai người văng vào vệ đường; chiếc xe bị gió bẻ làm đôi… Từ đó “vua” không bao giờ dám dùng một phương tiện nào ngoài đôi chân mỗi khi ra khỏi nhà (!)

Và có lẽ bởi quan niệm nước, lửa và gió không thể dung hòa nên dù cùng sống gần nhau, cùng làm một việc là cầu trời cho mưa, Vua gió phải kiêng không được giáp mặt Vua nước và Vua lửa… Các già làng kể rằng dạo năm 1980, Vua gió Siu Bam được mời đi dự lễ bỏ mả ở làng Tơ Nul. Vừa vào cuộc, chợt thấy Vua lửa Siu A Luyn (Pơtao Puih đời thứ 14, nay đã mất) đi ngang qua liền mời vào cùng uống rượu… Khi hai “vua” vừa giáp mặt nhau, một cơn gió lốc bỗng đâu kéo đến khiến trời đất tối tăm, bụi cát mịt mù cuốn tung cả mái nhà họ đang ngồi khiến mọi người khiếp đảm (!)

Những kỷ vật truyền lại

Như đã nói thì tuy suốt đời làm “vua” nhưng Pơtao Angin cũng chỉ sống một cuộc đời bình thường như với mọi người dân trong làng; chẳng có chút lợi lộc gì nên cũng rất nghèo. Kỷ vật “vua” để lại hiện chỉ còn những vật dụng vẫn dùng trong các nghi lễ gồm 1 chiếc bát và 1 đĩa lớn bằng đồng; 3 chiếc chiêng, 1 bộ lục lạc đồng và 2 ghè cổ. Cũng như Vua nước và Vua lửa, xưa Vua gió còn một thanh kiếm thiêng (dùng để cầu mưa) nhưng hiện đã bị thất lạc. Bà H’Nhriu cũng không rõ thanh kiếm này đã thất truyền như thế nào và cũng rất ngại kể - bởi theo bà, phụ nữ nếu kể về vật thiêng này sẽ bị Yang phạt tội “loạn thần”...

Pơtao Angin - Vua gió, là cách nói theo nghĩa “người đứng đầu” (Pơtao). “Vua” ở đây chỉ thuần túy mang tính thần quyền, có vai trò như một vị phù thủy. Trời nắng hạn thì cầu gió gọi mưa. Gió to, mưa lớn quá thì cúng cầu cho tạnh. Suốt đời “vua” không dính dáng gì đến chuyện cai trị mang tính hành chính thế tục. “Vua” cũng đi làm rẫy để kiếm sống, cũng giáp mặt bình dị với mọi người trong làng…

Nhưng dù suốt đời chỉ đóng vai trò là một ông vua thần quyền thì Pơtao Angin vẫn được người dân các làng rất trọng vọng. Ảnh hưởng của Vua gió ngày xưa bao gồm các huyện A Yun Pa, Phú Thiện, lan đến cả Chư Sê, Krông Pa bây giờ… Trong ký ức các già làng, lễ gọi gió cầu mưa của Pơtao Angin xưa là một tín ngưỡng gần như tuyệt đối với các làng.

Trước hôm diễn ra nghi lễ ở làng nào, dân làng đó phải nghỉ việc để tắm rửa, dọn vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ. Gò đất cao nhất làng thường là nơi được chọn để làm lễ. Lễ vật chỉ giản dị là một con gà, thịt heo và rượu cần, được đựng trong các vật dụng dùng để hành lễ của Vua gió… Vào lễ, vua trong bộ trang phục màu trắng cùng 2 người phụ, 5 người già nhất làng sẽ bước lên đàn.

Sau lời khấn, vua đưa thanh kiếm thiêng chỉ lên trời niệm chú. Cùng lúc chiêng trống khắp làng nổi lên dồn dập, trợ oai cho vua gọi gió đẩy mưa về… Những người già Plei Măng kể rằng đã không dưới một lần họ được chứng kiến sự linh nghiệm này - và cho đến bây giờ ký ức những lần vua gọi gió cầu mưa trong họ vẫn chưa phai nhạt...

Sau khi Vua gió qua đời, theo nghi thức dành cho một vị Pơtao, lẽ ra vua phải được chôn riêng và không làm lễ bỏ mả. Thế nhưng chẳng hiểu sao “vua” lại yêu cầu được chôn chung cùng vợ trong nhà mả của làng. Dân làng Măng đã làm theo ý nguyện, và bởi vậy bây giờ mộ vua cũng chìm trong cát bụi thời gian như với mọi “thập loại chúng sinh”…

Một phần tư thế kỷ đã qua kể từ khi “vua” qua đời, nhưng dân làng Măng cũng không chọn ai “kế vị”. Lý do là họ thấy không có ai xứng đáng… Hậu duệ của “vua”, dưới bà Ksor H’Nhriu, bây giờ người làm công an xã, người đang học đại học… Trong quan niệm của họ, Vua gió chỉ là hiện tượng tín ngưỡng vào cái thời mà người ta vẫn tin rằng mọi việc đều có thể cầu xin được ở nhà trời…

Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem