Huyền tích trò đẩy gậy: Không dám chơi ngày thường

Thứ năm, ngày 26/04/2012 18:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đẩy gậy là trò phổ biến, không thể thiếu trong mỗi dịp hội hè, lễ tết của người Thái ở Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu).
Bình luận 0

Tuy nhiên, trong ngày thường nếu không có sự kiện đặc biệt thì dân bản sẽ không bao giờ tự ý bày ra chơi vì bà con cho rằng làm như vậy là động đến các đấng thần linh, đánh thức các loại ma khiến đời sống bị đảo lộn, bất ổn.

Huyền tích của người Thái truyền rằng, thuở xưa ở Mường So có cặp vợ chồng nghèo sinh được một cô con gái rất kháu khỉnh. Cô gái lớn lên không chỉ hát hay, cấy giỏi, khéo léo thêu thùa, mà còn giỏi võ nghệ nên được nhiều người ngợi khen. Năm ấy, giặc Cờ Vàng bất ngờ kéo đến nơi đây, cướp bóc, giết người, phá phách bản làng. Nhìn quê hương lâm nguy không đành, cô gái đã xin phép cha mẹ đến gặp trưởng bản đăng ký đầu quân giết giặc.

img
Sới chơi đẩy gậy bao giờ cũng thu hút đông đảo người cổ vũ.

Trước thái độ có vẻ coi thường, bán tín bán nghi của mọi người, cô gái đã thể hiện khả năng của mình bằng cách cầm một đầu chiếc gậy dài và thách các đấng nam nhi đẩy thắng. Một người, hai người rồi lần lượt tất cả các chàng trai khỏe nhất trong vùng đều không ai đẩy gậy thắng được và cô gái đã trở thành nữ tướng chỉ huy đội quân ra trận đánh đuổi kẻ thù.

Ngày ca khúc khải hoàn cũng là ngày cô gái được đám mây trên đỉnh núi đón về trời. Kể từ đó, trò chơi đẩy gậy được bà con khắp nơi lưu giữ, bảo tồn như một cách để tưởng nhớ công ơn của người nữ tướng đã quả cảm xả thân để bảo vệ bản mường.

Tham gia trò chơi đẩy gậy không chỉ có những sơn nam, sơn nữ cường tráng, khỏe mạnh mà ngay cả các bậc cao niên, trưởng lão cũng hào hứng nhập cuộc. Cây gậy đẩy thường làm bằng tre đực thẳng hoặc thân gỗ tốt dài chừng 2m, đường kính từ 4 - 5cm, hai nửa thân gậy được sơn hai màu khác nhau. Sân chơi thường ở giữa bản, người ta vẽ một vòng tròn bán kính khoảng 2m; cứ hai người làm thành một cặp đấu, đứng đối diện nhau trong vòng tròn, mỗi người cầm chắc một đầu gậy, chờ khi có hiệu lệnh của người chủ trò thì dùng sức, dùng mẹo, căng ra mà đẩy. Luật đẩy gậy cũng rất đơn giản, cấm người chơi tỳ tay lên đùi hay tỳ đầu gậy vào bụng, cấm chửi mắng đối phương, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc.

Các bậc cao niên ở bản Thái vẫn dạy con cháu rằng, để thắng được trong trò đẩy gậy, sức khỏe chỉ có ý nghĩa một phần, yếu tố quyết định phải là ở chiến thuật, kỹ thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem