Huyện Vân Đồn Quảng Ninh đã bàn giao 5.500ha khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho người dân
"Vựa" nuôi trồng thuỷ sản từng trù phú nhất nhì tỉnh Quảng Ninh đang "tươi tỉnh" lên sau siêu bão Yagi
Thu Lê
Chủ nhật, ngày 13/10/2024 05:40 AM (GMT+7)
Là địa phương thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Quảng Ninh về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 (siêu bão Yagi) gây ra, huyện Vân Đồn đã đặt mục tiêu sớm khôi phục lại nghề nuôi biển với hàng loạt giải pháp về chính sách và sự chung tay của các doanh nghiệp.
Đã bàn giao 5.500ha khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho người dân
Bão số 3 đã khiến các hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn thiệt hại nặng nề, với trên 1.200 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị phá hủy; trên 130 tàu bị đắm, vỡ, mất tích; thiệt hại trên 32.000 tấn thủy sản đến kỳ thu hoạch, tổng giá trị trên 2.280 tỷ đồng.
Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, hợp tác xã, hộ nuôi trồng thủy sản nhanh chóng tái sản xuất, huyện Vân Đồn đã căn cứ vào Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được phê duyệt để thực hiện bàn giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho người dân.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Văn Ninh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn cho biết, trên cơ sở những thủ tục pháp lý đang có, 100% các xã, thị trấn có biển của huyện Vân Đồn đều tổ chức họp dân, bốc ô lốt, đánh dấu mốc và giao ngay trên biển. Quá trình giao nhận mặt nước biển và tổ chức sản xuất sau này sẽ được điều chỉnh về diện tích, vị trí sao cho phù hợp với quy hoạch và đặc thù sản xuất thực tế.
"Đến thời điểm này, huyện Vân Đồn đã tạm giao cho 57 hợp tác xã, tổng số 912 thành viên, với tổng diện tích 5.500ha khu vực biển nuôi trồng, tăng 42% so với trước bão. Các hộ dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 1.000ha, xuống giống mới được 200ha. Đối với nuôi cá, đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá, đạt 50% so với trước bão", ông Ninh thông tin.
Theo Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn, dự kiến trong năm 2024, huyện sẽ giao mốc giới khu vực biển khoảng 7.000ha mặt nước biển cho 85 hợp tác xã với hơn 1.000 hộ dân để khôi phục nuôi trồng thủy sản.
Việc giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn góp phần nhanh chóng khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.
Là một trong những hộ nuôi trồng thủy sản mới được nhận bàn bàn giao mặt nước biển, bà Đặng Thị Nhạn cho hay: "Hết tháng 9 vừa qua, khoảng 100 hecta mặt biển đã được UBND huyện Vân Đồn đo đạc và giao cho các hộ nuôi trồng ở Ngọc Vừng. Cũng như nhiều hộ khác, nhận "phần đất" của mình, chúng tôi đã nhanh chóng thả phao, cắm giàn mới, bước đầu thả giống để nuôi biển trở lại".
Những món quà nghĩa tình
Sáng 12/10, trực tiếp Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng với đại diện của Công ty Đăng Phong, Đắk Lắk đã có mặt tại Cảng Cái Rồng để trao 900 phao cho người dân. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cũng đã có mặt và trao tặng 15 con thuyền "Hạnh phúc" cho các ngư dân.
Trong chương trình, Tập đoàn Grobest trao tặng 6 suất quà có tổng trị giá 120 triệu đồng cho 6 ngư dân của huyện Tiên Yên và TP.Cẩm Phả, mỗi suất quà trị giá 20 triệu đồng.
Hội Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam trao tặng 30 suất quà cho 30 hộ dân của huyện Vân Đồn và TP.Hạ Long với mức 10 triệu đồng/suất cho ngư dân bị thiệt hại và 20 triệu đồng/suất cho ngư dân có thân nhân bị thiệt mạng do bão số 3.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh nhấn mạnh: "Đây chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động hỗ trợ bà con, các hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn để vùng nuôi biển lớn nhất của Quảng Ninh sớm phục hồi".
Ông Minh cho biết thêm, ngày 11/10 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 2929/UBND-NLN1, với các giải pháp mới được đưa ra để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực nuôi trồng nhuyễn thể, nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão số 3 và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định dự án khai thác, thu gom, vận chuyển, cung cấp cát xốp (mảnh vụn vỏ nhuyễn thể) làm nguyên liệu phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 27/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Công ty STP Group trao tặng 1.000 quả phao HDPE, 1 triệu rong giống cùng 30 chiếc thuyền HDPE mang tên "Hạnh phúc" nhằm hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới. Những phần quà tuy chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ những mất mát nhưng đã mang lại niềm tin, động lực để ngư dân khôi phục thiệt hại và tái sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.