Hyundai - Vinashin quá coi thường pháp luật Việt Nam

Thứ sáu, ngày 08/04/2011 10:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - PC49 Công an Khánh Hòa vừa bắt quả tang và lập biên bản Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin xả chất thải lỏng chưa qua hệ thống xử lý ra vịnh Vân Phong.
Bình luận 0

Hệ thống xử lý chất thải... sắp xây

Thượng tá Võ Đức Thân - Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) cho biết, khi xin xây dựng nhà máy (năm 1997), Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS) đã trình Bộ KH - CNMT phê duyệt hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo báo cáo này, HVS cam kết xây dựng đúng tiêu chuẩn các hạng mục xử lý chất thải công nghiệp và sinh hoạt cho tất cả các bộ phận sản xuất và sinh hoạt của nhà máy, trước khi thải ra môi trường...

img
Miệng cống xả chất thải bẩn ra bờ cảng số 3 của HVS trên vịnh Vân Phong.

Tuy nhiên, ngày 6.4, trong quá trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại nhà máy HVS, lực lượng của PC49 phát hiện tại khu vực nhà ăn số 4 (sử dụng cho khoảng 1.000 công nhân), không có hệ thống xử lý chất thải.

Kiểm tra kỹ hơn, PC49 phát hiện toàn bộ chất thải từ nhà ăn, kể cả của nhà vệ sinh (hầm cầu) đều xả thẳng ra biển tại bờ cảng số 3. Theo tính toán của PC49, lượng chất thải bẩn thải ra biển lên tới 25m3/ngày đêm.

Làm việc với PC49, ông Cao Tuấn Dũng - Phó tổng Giám đốc HVS, cho biết: HVS có kế hoạch xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho nhà ăn số 4 trong năm 2011... Lập tức đại diện PC49 đề nghị ông Dũng minh chứng bằng hồ sơ tài liệu (kế hoạch, dự trù kinh phí, bản vẽ thiết kế...) thì ông Dũng "bó tay"(!).

Nại lý do cho việc chất thải nhà ăn số 4 không được xử lý, ông Dũng nói nếu thi công đường ống đấu nối nước thải của nhà ăn số 4 với hệ thống xử lý nước thải chung của nhà máy thì quá xa và sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, vì liên quan đến các hệ thống ngầm (điện, nước...).

PC49 đã lấy mẫu chất thải từ nhà ăn số 4 của HVS để gửi cơ quan chức năng phân tích, làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật. Đại diện HVS, Phó Tổng Giám đốc Cao Tuấn Dũng thừa nhận doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo về môi trường và ký vào biên bản.

Địa phương không biết

Sáng 7.4, sau khi nghe tin vụ việc HVS xả thải bẩn ra biển, nhà thơ Giang Nam - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, quê ở huyện Ninh Hòa - nơi HVS đặt nhà máy, đã gọi điện cho NTNN bày tỏ: Tôi vô cùng bức xúc và rất buồn về việc làm này của HVS. Một công ty lớn như HVS, đã làm ăn lâu năm ở Khánh Hòa, được chính quyền và nhân dân ủng hộ mà lại để chuyện này xảy ra. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc, không buông trôi như nhiều vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trước đây đã được báo chí và nhân dân phản ánh.

Chiều 7.4, bà Đỗ Thị Dù - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước (huyện Ninh Hòa), cho NTNN biết: UBND xã mới chỉ biết tình hình HVS xả nước sinh hoạt tại khu nhà ăn ra biển qua báo chí. Từ trước đến nay, chính quyền xã cũng không nhận được bất cứ phản ảnh nào từ người dân về vấn đề này. Các đoàn kiểm tra về môi trường đến làm việc với HVS chưa bao giờ phối hợp hoặc mời đại diện của xã tham gia...

Trong khi đó, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa Lê Mộng Điệp cho biết, ông rất bất bình về hành vi xả trộm chất thải bẩn của HVS. Ngay sáng 7.4, ông gọi điện cho Phó tổng Giám đốc HVS Cao Tuấn Dũng phản đối quyết liệt hành vi này và yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường của Sở ngay chiều 7.4 phải phối hợp với PC49 đến HVS kiểm tra, báo cáo lãnh đạo Sở để có biện pháp xử lý. Cũng theo ông Điệp, ngày 8.4, đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đến làm việc với HVS.

Sinh vật biển chết hàng loạt

Những năm qua, việc HVS sử dụng hạt nix để sửa chữa tàu biển, sau đó không xử lý mà chất đống như núi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh nhà máy đã được báo chí nhiều lần phản ánh.

Hôm qua, khi phóng viên NTNN lật lại vấn đề này, nhiều hộ dân sống cạnh nhà máy HVS xác nhận, từ đầu tháng 4 này không còn bụi nix phát tán trong không khí nữa, nhưng tiếng ồn lớn cả ngày lẫn đêm thì vẫn còn.

Trong khi đó, chất thải lỏng của nhà máy gây hôi thối nặng nề một vùng biển, làm cá và các sinh vật biển khác chết hàng loạt. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động và phun bắn hạt nix, loài ruốc biển biến mất, ngư dân mất luôn nghề đánh bắt truyền thống.

Theo báo cáo khảo sát gần đây của Bộ TNMT, kim loại nặng, phế thải nix, các mảnh kim loại và gỗ, thùng kim loại... của quá trình sửa chữa tàu biển đã làm đáy biển quanh nhà máy bị ô nhiễm rất nặng.

Cũng cần nhắc lại, hồi năm 2008 HVS đã bị PC49 bắt quả tang đổ trộm hàng trăm tấn bùn thải công nghiệp ra môi trường ở xã Ninh Diêm.

Theo ông Lê Mộng Điệp, vấn đề hạt nix qua sử dụng có tính lịch sử và để khắc phục triệt để, khó giải quyết trong một sớm một chiều, nên Sở TNMT có "du di" một số việc cho HVS. Nhưng việc HVS mới xây dựng nhà ăn số 4 hồi năm 2009, đưa vào sử dụng từ 2010, mà không có hệ thống xử lý nước thải hợp chuẩn trước khi thải ra môi trường, là kiểu làm ăn ẩu tả, coi thường pháp luật về bảo vệ môi trường, không thể chấp nhận được.

Theo biên bản do PC49 lập, chất thải nhà vệ sinh ở nhà ăn số 4 được cho vào bể tự hoại, khi tràn sẽ tự chảy theo đường ống đổ ra bờ cảng số 3. Tuy nhiên, chiều 7.4, lãnh đạo HVS trong cuộc gặp đại diện một số cơ quan báo chí đã nói rằng nhà vệ sinh của nhà ăn số 4 có hệ thống hầm tự hoại và hút hầm định kỳ nên không thể có chuyện nước thải tràn chảy ra hệ thống cống và đổ ra môi trường biển.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem