Kể chuyện làng: Bãi bồi bên sông, ký ức về quê hương thương nhớ
Kể chuyện làng: Bãi bồi bên sông, ký ức về quê hương thương nhớ
Thiên An
Thứ tư, ngày 13/12/2023 06:30 AM (GMT+7)
Một ngày nắng vàng óng ánh ở phương Nam xa xôi, tôi "check mail" như thường lệ thì nhận được một bức ảnh chụp bãi bồi bên dòng sông cũ ở quê nhà khiến lòng tôi nôn nao đến kỳ lạ. Ký ức về những năm tháng tuổi thơ ở quê nhà, phút chốc quay trở lại chầm chậm trong trí nhớ tôi.
Những ngày còn thơ, tôi rất sợ mùa đông, e ngại cái lạnh tê tái ngoài trời khi trên mình chỉ có duy nhất một manh áo mỏng. Ở quê tôi, bầu trời mùa đông thường ủ dột và lạnh lẽo cùng những đám mây đen báo hiệu từng cơn mưa dài bất tận. Trong cái lạnh se sắt nơi thôn quê xa xôi khi ấy, chỉ duy nhất có một nơi khiến đứa trẻ là tôi khi ấy cảm thấy ấm áp và háo hức hơn chính là bãi bồi bên sông, khi mùa hoa màu bắt đầu nở rộ.
Bãi bồi vốn là tên gọi khu đất nổi nằm nhô lên giữa dòng sông mênh mông nước. Khu vực này được đắp bồi rất nhiều phù sa thiên nhiên sau những mùa lũ tràn, nước từ rừng thượng nguồn đổ về đỏ ối rồi ngưng đọng lại. Điều đặc biệt là những bãi bồi thường không cố định một chỗ mà thay đổi theo năm tháng, vị trí có thể thay đổi khi năm này nằm bên này sông nhưng năm sau có thể chuyển dời sang bên kia sông.
Khi bãi bồi dần vững chãi như một hòn đảo nhỏ với đất đai màu mỡ, người nông dân cũng sẽ bắt đầu canh tác. Cũng bởi, trong tâm thức của người dân quê tôi thì thấy đất là tìm thấy khởi nguồn cho biết nguồn sống và của cải. Hơn như thế, đất ở bãi bồi đa phần là đất phù sa nên rất phù hợp cho việc trồng cây xanh và hoa màu. Chắc cũng vì lẽ đó nên những người dân sống gần bãi bồi đều tranh thủ trồng vài luống su hào và rau cải để dành ăn. Đến mùa hoa cải, bãi bồi phủ kín một màu vàng tuyệt đẹp.
Những năm tháng tuổi thơ, gia cảnh của nhà tôi tương đối khó khăn, lại đông con, nên bố mẹ tôi luôn cố gắng tận dụng phần đất bãi bồi để canh tác. Đứa trẻ là tôi khi ấy chỉ mới học lớp 4 đã theo bố cưỡi trâu bơi sang sông gieo hạt. Cũng vì vậy mà bãi bồi trở nên thân thuộc trong những tháng năm làng quê còn nghèo khó.
Đất bãi bồi vốn là đất phù sa nên tương đối thích hợp gieo trồng các loại đậu đỗ và khoai lang. Bố mẹ tôi thường chọn gieo trồng nhiều đỗ đen trên bãi bồi. Cũng bởi loại đỗ này cho ra năng suất cao, khả năng bán cho các thương lái khá lớn. Tôi đặc biệt thích đỗ đen còn vì một lẽ, khi thu hoạch, chúng ta có thể hái rất nhanh và gọn. Mỗi khi bắt đầu một dự định trồng trọt mới, bố mẹ tôi thường chia đôi đất, dành một nửa diện tích cho việc trồng khoai lang xen lẫn với ngô.
Gia đình tôi thường trồng khoai và ngô, với mục đích chính là nhằm chuẩn bị nguồn thức ăn chính cho việc chăn nuôi lợn gà. Việc khéo léo kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi mang đến rất nhiều hiệu quả, giúp bố mẹ tôi tiết kiệm được một khoản chi tiêu trong gia đình.
Lại nhớ cả những mùa đỗ chuẩn bị ra hoa, gia đình tôi, cũng như nhiều nhà hàng xóm chung quanh, phải tập trung ngắt ngọn để cây trút nhánh, có như thế mới mong sum suê, được một mùa sai trái, đầy hạt. Mỗi lần như thế, bọn trẻ con quê tôi lại háo hức vì được ăn thêm ngọn đỗ non. Cách chế biến đơn giản của các bà các cô quê tôi là luộc qua rồi trộn gỏi kết hợp với tỏi ớt hoặc lạc rang. Thi thoảng, để đổi vị mẹ tôi lại xào ngọn lạc cùng với mỡ lợn, thêm vài nhánh tỏi đập dập là đủ đưa cơm. Những trưa mùa đông se sắt lạnh, chỉ cần bát cơm nóng với món rau vừa giòn thơm lại ngọt bùi ấy thì chẳng còn gì tuyệt vời bằng.
Cũng từ bãi bồi ven sông ấy, tôi nhìn thấy biết bao tảo tần, bươn chải vì cuộc sống của bố mẹ tôi. Thấp thoáng tôi thường ngẩn ngơ nhìn theo bóng dáng gầy gò của mẹ đang nhặt cỏ, bắt sâu. Những ngày xa xưa ấy, bà con làm nông ở quê tôi thường không dùng phân thuốc hóa học nên rau và hoa màu thường bị sâu đến ăn lá. Đó cũng là lý do khi trời còn mờ hơi sương, vừa thức giấc khỏi lưng chừng giấc mơ, mẹ tôi đã ra bãi bồi vạch tìm trong lá cải những con sâu ẩn mình. Bố tôi sẽ đi theo, vác thêm một chiếc xẻng nhỏ để nhổ cỏ, vun trồng thêm các luống rau. Chiếc khăn vuông buộc che kín đầu, màu áo nâu sòng của bố mẹ cứ thế thong thả đi trong mênh mông hoa cải vàng, cần mẫn góp nhặt từng chút một cho vụ mùa.
Thi thoảng, có dịp chầm chậm ngắm nhìn gương mặt mẹ, tôi bất ngờ khi nhận thấy khuôn mặt phúc hậu in hằn dấu những vết chân chim khắc khổ. Bất chợt, cảm thấy thời gian thật sự rất tàn nhẫn. Suốt cả một cuộc đời, bố mẹ tôi cứ thế lặng lẽ trồng trọt bên các bãi bồi bên sông. Chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ thở than về bất cứ điều gì, cứ như thể bố mẹ biết được tất cả về số mệnh của mình và chấp nhận như một điều tất yếu.
Ở quê tôi khi xưa, rau được người dân gieo trồng khắp nơi. rau không mấy ai mang ra chợ bán. Gia đình nào hết rau ăn thì chỉ cần qua hàng xóm xin một tiếng là có rau mang về. Tình người nơi miền quê cứ thế mà đong đầy. Mùa đông là mùa của rau cải chín rộ khắp cả cánh đồng quê. Đến chính vụ, có đôi khi được mùa, rau ăn mãi không hết, bán thì chẳng ai mua. Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ khác trong làng, cần mẫn mang rau về nhà làm dưa. Giống cải mẹ tôi trồng vốn là cải cay lá nhỏ. Mẹ thường tranh thủ những lúc có nắng, đem phơi cho cây cải héo. Cải vừa héo thì mẹ đem vào cắt khúc vừa ăn và mang đi rửa, chờ ráo nước thì mới muối. Ở quê tôi khi xưa, nhà nào cũng có một cái khạp sành dùng để muối dưa, muối cà, để được cả năm mà không sợ hư.
Khi gần cuối vụ rau cải, hoa màu, mẹ tôi lại tỉ mẩn để dành lại những cây cải to lớn hoặc hạt giống tốt để làm gieo trồng cho mùa sau. Những cây cải cứ thế mà to lớn, khi trổ hoa ngồng hoa rất cao. Xen kẽ vào đó là những mảnh vườn nhỏ trồng các loại hoa màu như củ cải, su hào… tươi xanh mơn mởn.
Nhiều năm qua đi, cuộc sống tất bật chốn thành thị khiến tôi rời xa bãi bồi. Nhưng bố mẹ tôi vẫn lặng lẽ ở lại đó, nơi bãi bồi ven sông, tỉ mẩn trồng từng luống hoa màu như ngày tôi còn thơ. Thi thoảng, có dịp quay trở về quê, nhìn những bãi bồi bên sông năm nào, lòng tôi nôn nao biết bao kỷ niệm xa xôi. Đâu đó trong tâm hồn tôi là cả một khung trời hồi ức với dòng sông bến nước con đò. Nơi có bố mẹ, có những món ăn bình dị nuôi tôi khôn lớn và có mùa hoa màu ven sông nơi bãi bồi xa nhớ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.