Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những lần tan làm, tôi hay ngẩn ngơ đứng nhìn theo những gánh thanh trà vàng ươm giữa dòng người ngược xuôi, thấy lòng mình bình yên đến kỳ lạ. Thoáng trong gió, mùi hương dịu nhẹ của thanh trà khiến biết bao hồi ức về những năm tháng tuổi thơ thoáng chốc lại quay về.
Chẳng rõ cây thanh trà xuất hiện từ khi nào chỉ biết giữa loài thực vật này và mảnh đất phù sa quanh năm tươi tốt luôn có một mối duyên rất khó lý giải. Đất nuôi cây lớn lên và ngược lại, cây cũng tỏa bóng mát xanh tươi điểm tô cho những khu vườn ven sông thêm phần sum suê.
Cây thanh trà thoạt nhìn trông giống như cây xoài, thân thẳng và nhiều cành chi chít. Trái thanh trà có hình dáng tương tự quả chanh, khi còn sống vỏ màu xanh, lúc chín sẽ cho màu vàng cam bóng láng, cơm mềm vị chua dịu hòa lẫn chút ngòn ngọt, rất hấp dẫn mọi người. Quả thanh trà không chỉ đẹp lại còn thơm, khiến bọn trẻ con chúng tôi mỗi khi có dịp đi ngang qua lại phải dừng chân đứng nghiêng đầu ngắm nghía rồi chặc lưỡi xuýt xoa mong chờ, phải đặt trong lòng tay để nhìn cho đã vẻ đẹp và sự duyên dáng của một hay một chùm thanh trà.
Hoa thanh trà như thế nào chẳng mấy người để ý, chỉ khi từng chùm thanh trà trong vườn nở rộ thon tròn, tỏa sắc cam vàng óng dưới nắng, mọi người mới ngỡ ngàng nhắc nhau tới mùa. Háo hức nhất vẫn là bọn trẻ con khi được xoa xoa quả chín trong lòng bàn tay mềm mịn, háo hức thưởng thức vị chua nhẹ ngay đầu lưỡi rồi ngọt dần lan tỏa thật hấp dẫn. Theo lời bà tôi kể lại thì thanh trà thông thường sẽ có hai loại: chua và ngọt. Cây thanh trà chua sẽ cho trái tròn, vỏ mỏng, khi chín có màu vàng sậm. Còn thanh trà ngọt sẽ kết trái dài, vỏ dày, cứng, có lớp phấn trắng phủ bên ngoài, trái chín có màu vàng nhạt.
Cách thưởng thức thanh trà cũng cực kỳ đơn giản. Quả khi chín hái trên cây xuống, người ta thường sẽ vo nhẹ trái cho mềm rồi bóc lớp vỏ ra và thưởng thức. Háo hức nhất khi thanh trà chín có lẽ là bọn trẻ con. Mỗi khi được người lớn cho vài quả chín, chúng tôi lại nâng niu, hít hà hương thơm chua chua ngòn ngọt trước khi hí hửng ngồi ăn với nhau. Lạ lắm, không hiểu sao, quả thanh trà chín khiến chúng tôi cứ liên tưởng đến quả xoài tí hon. Năm tháng trôi, hương thơm của quả thanh trà chín năm nào mãi vấn vương trong tâm trí của tôi.
Ngoài ăn tươi, người dân quê tôi còn tận dụng thanh trà để làm mứt với hương vị đặc biệt. Thông thường, những quả thanh trà chín sẽ được mẹ tôi rửa sạch, gọt bỏ vỏ ngoài. Sau khoảng thời gian ngâm với nước muối cho hơi mềm, mẹ tôi sẽ vớt những quả thanh trà ráo nước ra tỉ mỉ tách hạt để lấy phần thịt. Khi mọi nguyên liệu đã sẵn sàng, mẹ tôi sẽ bắc chảo lên bếp, khéo léo cho thanh trà vào sên. Khi thanh trà thật sôi cũng là thời điểm mẹ bắt đầu cho đường vào và sên cho đến lúc cô đặc lại thì nhấc xuống rồi vào lọ thủy tinh. Món mứt thanh trà, tùy theo khẩu vị của từng gia đình, có thể cho thêm đậu phộng và vừng vào để tạo độ dẻo và cảm giác thơm ngon. Dẫu được chế biến khá đơn giản nhưng món mứt thanh trà vừa giữ được vị chua ngọt thanh tao lại có độ dai và dẻo vừa phải. Những buổi sớm mai, thong thả ngồi giữa vườn cây trong lành, nhâm nhi một tách trà ấm nóng với mứt thanh trà, hàn huyên biết bao câu chuyện thì còn gì tuyệt vời bằng.
Hoặc thi thoảng, vào những chiều hạ ngập nắng, bọn trẻ con thường dầm thêm đá và đường vào mứt thanh trà để tạo ra một loại thức uống vô cùng thanh mát, xua tan oi ả trưa hè. Bản thân tôi thầm nghĩ đó cũng là một cách hay để giữ hương thanh trà ở lại lâu hơn với người yêu thích thức quả này khi đã qua mùa chín rộ. Ngoài dùng để chế biến món ngọt, thức uống giải nhiệt, các bà các chị ở quê tôi cũng kết hợp sử dụng thanh trà trong các món ăn tạo nên hương vị rất độc đáo.
Vào những mùa thanh trà bắt đầu nở rộ đầy vườn, mẹ tôi thường tận dụng trái thanh trà xanh để nấu canh chua cá lóc, cá ngát... tạo nên vị chua thanh, nhẹ dịu và hương thơm hấp dẫn. Canh chua thanh trà nấu cá ăn với cơm hay bún đều hợp vị. Bát canh thanh trà như một bức tranh đầy ắp sắc màu. Màu vàng của thanh trà chín bên cạnh màu đỏ của cà chua, màu trắng ngà của thịt nạc, điểm thêm hành ngò, rau om xanh ngắt. Nếm một muỗng canh, ta từ từ cảm nhận thịt cá chín mềm quyện cùng vị chua của thanh trà man mát thật dễ chịu làm sao.
Hoặc để đổi vị, mẹ lại dùng quả thanh trà để kho cá ăn cùng cơm trắng. Những ngày hè oi ả của phương Nam, cha con tôi đi làm đồng về mệt chỉ cần có nồi cá kho với hương vị chua nhẹ của thanh trà xanh kết hợp cùng vị ngọt, chắc thịt của cá lóc, cá rô đồng…nhấm nháp cùng chén cơm trắng nấu bằng lá dừa là đủ no nê cái bụng đói.
Mùa thanh trà thường rất ngắn, thoắt đến thoắt đi như nhắc nhớ những người con xa quê biết bao ký ức đẹp chốn quê nhà. Mỗi dịp về quê, đi ngang những gốc thanh trà say quả, hít hà hương thơm thanh dịu của thức quà đặc biệt của tuổi thơ, lòng tôi không khỏi xuyến xao. Mùa hạ năm nay lại đến, nhìn những gánh thanh trà nhỏ xinh, bất giác thấy môi mình chua nhẹ vị nhớ thương…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.