Kể chuyện làng: Mùa xoài lưng chừng núi

Đoàn Đại Trí Thứ bảy, ngày 27/04/2024 10:31 AM (GMT+7)
Tôi đã ở đó, con dốc nhỏ dẫn từ đường lộ tới lưng chừng núi với quán cà phê cóc, những người đàn bà làng biển, em bé lem luốc và những gốc xoài trĩu quả cũng chẳng làm ai quan tâm. Tôi ở đó chỉ 2 năm nhưng những mùa xoài chín rụng lộp bộp xuống mái tôn phòng trọ còn thơm thơm tận bây giờ.
Bình luận 0

Cuối tuần, cùng mọi người trong cơ quan đi du lịch tới vùng rừng núi biên giới, bắt gặp những trái xoài chín bán ven đường làm bao nhiêu ký ức thời trẻ của tôi sống lại. Đó là những mùa xoài ngọt ngào nơi lưng chừng núi của làng biển miền Trung hơn 20 năm trước. Khi đó, nơi tôi ở là một dãy nhà trọ thấp gần mười phòng, nằm trong con hẻm như chiếc xương cá gắn vào con dốc dẫn từ dưới đường nhựa lên lưng chừng núi. 

Tôi chưa bao giờ đi hết con dốc đầy đá hộc nhẵn bóng dù nghe nói từ đây, men theo đường núi có thể ra tới nhà máy sợi, đèo Rù Rì. Hai bên đường và bất cứ khoảng đất trống nào, tôi đều thấy những cây xoài rất lớn, gốc to xù xì. Những chú kiến càng màu đỏ bò lên bò xuống báo hiệu mùa xoài đã về. Điều lạ lùng là chẳng ai ở đây chú ý tới những trái xoài, dù tôi thấy chúng ăn rất ngon. Sau này tôi mới biết, do xoài quá nhiều, mùa tới ăn cũng xuể mà hồi đó, bán cũng rất khó khăn.

Kể chuyện làng: Mùa xoài lưng chừng núi- Ảnh 1.

Cây xoài trên núi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Mặc dù ở lưng chừng núi nhưng hầu hết cư dân nơi đây lại làm nghề biển. Bởi biển chỉ phía bên kia đường lộ, cách chừng nửa cây số. Đứng trên lưng chừng dốc vẫn có thể nhìn thấy biển xanh qua tán lá xoài, cảm nhận rõ vị mặn trong gió, trong ánh nắng chang chang. Những đêm biển động còn nghe rõ tiếng sóng dồn dập vọng vào phía bờ kè đang xây dang dở. Mấy người phụ nữ trong xóm bảo nơi đây toàn dân biển nghèo, dù trên bản đồ địa chính đã là tổ dân phố của phường, của thành phố. Nhưng với cư dân ở con dốc này, thành phố chỉ bắt đầu từ phía cầu xóm Bóng mà thôi. 

Nơi này mới được mở rộng và chính bản thân cư dân vẫn chưa quen với tên gọi thành phố. Có lẽ họ thấy cuộc sống của mình vẫn chưa có gì thay đổi, vẫn nghèo xơ xác. Đàn ông thì làm nghề biển còn phụ nữ thì ở nhà. Sáng sớm, họ ra bãi biển gần Ba Làng đợi những người đàn ông của gia đình đi ghe về. Buổi giáp trưa họ tập trung ở mấy quán cà phê nhưng không uống cà phê. Họ chơi bài tứ sắc và ăn ốc len hấp nước dừa. Họ chơi bài nhưng không ăn tiền mà lâu lâu lại cười rú lên như để cả xóm biết hôm nay họ lại chơi bài. Cư dân nơi xóm nhỏ này chủ yếu là người quen biết nhau, cho tới khi có những người sinh viên từ ngoài Bắc vào ở trọ như chúng tôi.

Mùa xoài đầu tiên là khi tôi tới xóm núi chừng nửa năm. Ở phía ngã ba ngay trước nơi tôi trọ chừng một trăm mét là mấy gốc xoài sai trĩu trịt trái. Những cây xoài ở đây rất lớn nhưng khá thấp. Hôm đó đi học về giữa trưa, tôi thấy cô bé hàng xóm đang hái xoài trước nhà. Cô vừa học bài, vừa ăn xoài xanh chấm muối ớt. Tôi được cô bé cho mấy trái xoài chín sau khi giúp cô hái thêm những trái trên cao. Xoài đầu mùa quả xanh chen lẫn quả chín ửng vàng nhìn rất đẹp. Và cũng lần đầu tiên tôi biết cách ăn xoài là bóc vỏ, thay vì dùng dao gọt cẩn thận như lâu nay mình vẫn làm. 

Kể chuyện làng: Mùa xoài lưng chừng núi- Ảnh 2.

Trái xoài núi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Những trái xoài thanh thanh chua, ngọt ngào trong bóng mát trưa hè ấy làm tôi nhớ tận bây giờ. Những buổi học sau này, khi nào về tôi cũng thấy cô bé ngồi học trước nhà, dưới gốc xoài. Cô bé đang học lớp 9 nhưng có mơ ước được thi đại học vào trường y để sau này có thể chăm sóc những chú mèo mà cô thích. Hồi đó, học đại học vẫn còn là mơ ước với nhiều người. Sau những ngày đầu hái các trái ở dưới thấp, tôi bắt đầu làm một dụng cụ hái xoài chuyên dụng hơn bằng thanh tre dài tới bốn mét, có gắn một đoạn thép uốn cẩn thận như chiếc túi ở một đầu. 

Cây tre này giúp tôi hái xoài dễ dàng hơn cho cô bé hàng xóm. Có buổi trưa, dù đã ăn chán chê những trái xoài nhưng chúng tôi vẫn đứng dưới gốc cây để tìm các trái giấu mình trong tán lá. Xoài là loài cây khá đặc biệt, ngoài những trùm, trái ở đầu lá thì rất nhiều trái xoài biết cách ẩn mình trong tán lá. Và có những trái chín mà tôi đã không bao giờ tìm thấy. Rồi xoài đầu tiên cũng qua rất nhanh, nhưng dư vị ngọt ngào thì đọng lại khá lâu.

Kể chuyện làng: Mùa xoài lưng chừng núi- Ảnh 3.

Xoài núi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Mùa mưa tới là lúc xoài rụng lá. Đây là mùa buồn nhất của xóm lưng chừng núi vì biển động. Những người đàn ông không đi ghe biển, những người đàn bà không dậy sớm ra biển chia cá. Nhưng giáp trưa họ vẫn tụ tập đánh bài tứ sắc và ăn ốc len xào dừa. Những buổi sáng, nước mưa theo lối mòn từ trên sườn núi cao chảy xuống, làm trơ những hốc đá mòn vẹt của con dốc. Rồi cũng tới mùa xoài trổ bông, thay lá. Cô bé hàng xóm đã thi tốt nghiệp xong, khoác lên mình bộ áo dài nữ sinh màu trắng, ngày ngày dắt xe đạp lên xuống con dốc lưng chừng núi để tới trường.

Sau này, tôi đã có cơ hội đi rất nhiều nơi, tới nhiều vùng đất và ăn rất nhiều loại xoài khác nhau nhưng không hiểu sao những trái xoài núi chua chua ngọt ngọt trưa hè năm ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Bây giờ, nghe nói xóm biển lưng chừng núi ấy đã thay đổi rất nhiều vì có con đường nhựa vắt ngang qua núi. Người ta làm đường dễ dẫn vào phía sau núi xây thêm khu du lịch, khu dân cư khi thành phố liên tục được mở rộng thêm nữa. Không biết những cây xoài cổ thụ thấp lè tè năm xưa có còn hay không. Và cô bé ngồi dưới gốc xoài học bài ngày nào có thi đậu vào trường đại học y để chữa bệnh cho những chú mèo thân thương của mình hay không.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem