Kể chuyện làng: Nét đẹp văn hóa đồng bào Tày

Lưu Thị Hoài Thứ tư, ngày 01/06/2022 07:00 AM (GMT+7)
Hát Then, đàn tính trong cuộc sống thường nhật, văn hóa nghệ thuật, tâm linh của đồng bào Tày từ lâu đã cùng hòa nhịp, gắn bó với bản sắc của bản làng.
Bình luận 0

Hát Then, đàn tính – nghệ thuật diễn xướng giữ trọn bản sắc của đồng bào Tày

Ở đó, những nghệ sĩ, người con quê hương thả giai điệu, hương liệu truyền thống truyền lửa từ tổ tiên đến lớp lớp trẻ về sau. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn náu và biểu diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc nơi đây.

Là nét văn hóa chiếm giữ vai trò quan trọng trong phong tục, tín ngưỡng của người Tày, từ xa xưa cha ông đã để lại những quan niệm về lối văn hóa "hát Then, đàn tính". Then có nghĩa là "Trời", hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành.

Kể chuyện làng: Nét đẹp văn hóa đồng bào Tày - Ảnh 1.

Những nụ cười tươi hòa cùng hát Then, đàn tính. Ảnh: Lưu Thị Hoài

Ở vùng Tây Bắc, làn điệu Then của người Thái có nguồn từ cuộc sống lao động thường ngày. Vì thế thời gian đúc kết giá trị văn hóa bảo tồn lâu đời mang nhiều dấu ấn đặc sắc. Với người Nùng, hát Then thể hiện ở nét văn hóa gắn liền với hình ảnh cây đàn tính, trở thành bản sắc văn hóa của cộng đồng. Cũng là cái nôi trong vùng Tây Bắc, dân tộc Tày lại giữ trọn trong mình bản sắc riêng, nơi đây hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi. Những "tinh túy" riêng đã tạo không gian văn hóa gần gũi, tâm linh có chút bí ẩn với du khách khi đến thăm quan, tìm hiểu truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Kể chuyện làng: Nét đẹp văn hóa đồng bào Tày - Ảnh 2.

Những người con quê hương dân tộc Tày "kế lửa", truyền nối hát Then, đàn tính. Ảnh: Lưu Thị Hoài

Đến với mảnh đất vùng cao bản làng Tày, du khách còn được hòa mình, tiếp cận sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trang phục với hát Then, đàn tính. Họ biểu diễn những tiết mục văn nghệ đan xen nhạc cụ mang "hồn" dân tộc. Du khách sẽ được thưởng thức qua các nghi lễ, tín ngưỡng cúng bái cầu mưa thuận gió hòa, vụ lúa được mùa… Ngày nay, hát Then, đàn tính được thổi thêm vào không gian văn hóa nghệ thuật - giữ trọn và kế truyền bản sắc của đồng bào Tày.

Nhà sàn Tày – họa xưa chạm kiến trúc độc đáo

Địa hình hiểm trở, nguy hiểm và thích nghi với lối sống hoang dã gần với thiên nhiên đã góp phần tạo nên những ngôi nhà sàn bền vững, mang nét độc đáo riêng trong từng kiến trúc của dân tộc Tày. Quanh năm, họ gắn bó lao động, sống và trưởng thành chất phác bằng nghề nông là chủ yếu. Chính vì lối xây dựng không gian nhà sàn chung đã cho mọi người cảm nhận được con người nơi đây đoàn kết, thân thiện.

Một trong những yếu tố chủ chốt trong kiến trúc nhà sàn Tày là vị trí địa lý khu vực người dân sinh sống, lối xưa, khi núi rừng vùng cao nhiều nguy hiểm, thú rừng dữ, cấu trúc xây dựng an toàn cho gia đình được tôn lên hàng đầu. Đến nay, mục đích sống, sinh hoạt cao hơn, người dân tộc Tày giữ nét xưa kết hợp cùng lối kiến trúc hiện đại. Tạo không gian vừa ấm cúng, vừa phù hợp với canh tác nông nghiệp, chăn nuôi của từng hộ, bản làng.

Kể chuyện làng: Nét đẹp văn hóa đồng bào Tày - Ảnh 3.

Một thoáng gốc nhà sàn của người Tày. Ảnh: Lưu Thị Hoài

Ngày thường mắt của chúng ta sẽ bắt gặp những ngôi nhà sàn cao, thoáng, có nhiều ô cửa sổ, vật liệu chính là gỗ. Dưới đôi bàn tay tỉ mỉ, lựa gỗ và nhiều công đoạn của người xây dựng thiết kế, nhà sàn trở thành nơi che chở vững chắc, ấm cúng và không thể không nhắc đến những nét riêng hiện đại mà chủ nhà muốn bứt phá thêm, trang trí ngôi nhà của mình. 

Trụ cột nhà sàn có lẽ là nguyên vật liệu được nhắc đến đầu tiên, kĩ nhất trong công đoạn gây dựng với mục đích tạo độ chắc và giữ được thời gian lâu, vì vậy những loại gỗ bền được ưu tiên sử dụng, tiếp sau là ván, sàn, cọ... Thường thường nhà sàn của người Tày có 4 đến 7 gian; có 2 mái và được lợp bằng lá cọ, cột nhà phải là số chẵn từ 24 - 38. Không gian nhà chung được thiết kế thành 2 không gian, phía trong là nơi sinh hoạt của gia đình và bên ngoài là phòng khách. Bàn thờ Tổ tiên được đặt ở gian giữa. Bên cạnh đó, để tô điểm thêm cho nhà sàn, màu sơn cũng được lựa kĩ đánh bóng loáng gỗ; chi tiết từng khung, ô cửa chú trọng hình dáng, kiểu cách, điểm vài góc treo rèm vải, vừa giữ phong cách xưa của cha ông vừa nhấn nhá kiến trúc độc đáo của thời nay.

Kể chuyện làng: Nét đẹp văn hóa đồng bào Tày - Ảnh 4.

Nhà sàn Tày – họa xưa chạm kiến trúc sáng tạo. Ảnh: Lưu Thị Hoài

Kiến trúc nhà sàn cũng thể hiện bản sắc riêng trong cuộc sống, yếu tố văn hóa, phong tục của người Tày. Gian bếp thoát nên sự trọn vẹn chu toàn, tinh tế người dân nơi đây, 3 bếp, 3 khoảng riêng khác nhau: bếp dựng giữa nhà là khoảng sưởi ấm cho gia đình, tiếp khách từ xa đến chơi; gian bếp thứ hai đặt góc giường người già, giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh và gian bếp cuối cùng để nấu ăn cho cả gia đình.

Mỗi chi tiết nhỏ, những cử chỉ riêng của bản làng Tày trong kiến trúc nhà sàn thấm nhuần sự chu đáo, cẩn trọng cũng như sáng tạo. Ở vùng cao đó, họ quyện mình vào thiên nhiên, trân quý và kế thừa truyền thống sắc son, lâu đời của thế hệ gạo cội…

Tôn vinh nét đẹp riêng của phụ nữ qua trang phục Tày

Nhịp sống xô bồ hiện đại dần dần khẳng định tầm quan trọng hơn trong việc kế thừa, bảo tồn và tôn vinh trang phục truyền thống, nét đẹp riêng của từng dân tộc. Mang trong mình sắc thái riêng, những cô gái Tày đã thanh thoát giới thiệu trang phục bản làng mình đến với mọi người, đặc biệt du khách từ nơi xa về thăm, hướng đến sự giao thoa, đoàn kết các dân tộc, vùng miền.

Người phụ nữ khoác lên mình trang phục Tày ấn tượng đi từ vẻ đẹp bình dị, không cầu kỳ đến duyên dáng, nhẹ nhàng, chân thật. Chất liệu vải thường bằng bông hoặc lụa với màu sắc chủ đạo là màu chàm, đen, không rực rỡ, không thêu thùa hay ghép vải, nhưng có điểm nhấn bằng những phụ kiện đi kèm như vòng cổ bằng bạc, thắt lưng đính xà tích.

Kể chuyện làng: Nét đẹp văn hóa đồng bào Tày - Ảnh 5.

Vẻ đẹp bình dị của phụ nữ qua trang phục Tày. Ảnh: Lưu Thị Hoài

Phụ nữ Tày mặc áo cánh ngắn với váy, may theo kiểu áo xẻ ngực, cổ tròn, chiết eo có hai túi nhỏ ở hai vạt trước. Những người trẻ tuổi thường mặc váy dài gần mắt cá chân, người già mặc váy lửng đến đầu gối. Váy gồm có 3 phần: cạp, thân, gấu. Phần cạp rộng khoảng 3cm, làm bằng các loại vải khác nhau, thường là vải hoa, may theo hình thức luồn chun hoặc dây rút.

Áo dài may theo kiểu 5 thân, cài cúc ở nách, tà dài đến lưng, bắp chân có chiết eo gần giống áo dài của người kinh; quần ống rộng, dài đến mắt cá chân. Khi mặc áo dài, phụ nữ Tày dùng thắt lưng bằng lụa tơ tằm quấn quanh eo, buộc và thả ra sau lưng thành dải dài đến kheo chân, các cô gái trẻ thường cuốn thắt lưng màu xanh, đỏ; người lớn tuổi dùng màu chàm, đen.

Đồ trang sức cũng là điểm nhấn quan trọng trong trang phục truyền thống của người Tày. Nó đều được làm bằng bạc, thường có hoa tai, nhẫn, vòng tay, vòng cổ, những người khá giả thường có thêm bộ xà tích đeo bên sườn phải. Đặc biệt là chiếc vòng cổ của phụ nữ Tày được làm rộng hơn vòng cổ của một số dân tộc khác, vòng màu trắng nổi bật trên chiếc áo chàm đen làm tăng thêm sự đằm thắm của bộ trang phục.

Kể chuyện làng: Nét đẹp văn hóa đồng bào Tày - Ảnh 6.

Giao thoa nét đẹp trang phục giữa các dân tộc. Ảnh: Lưu Thị Hoài

Nét đẹp của phụ nữ trong trang phục dân tộc Tày không chỉ thể hiện qua những buổi văn hóa, văn nghệ, các lễ hội lớn, nó còn chứa đựng sự gắn bó mật thiết trong cuộc sống bình dị thường ngày của người dân. Tôn vinh và trân quý nét đẹp lao động cần cù, chịu thương chịu khó người con vùng cao Tây Bắc. 

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem