Ký ức về những ngày ở Việt Nam, lang thang dọc những con đường làng mọc đầy hoa xuyến chi từ nhà đến lớp, phút chốc quay trở lại trong tâm trí tôi đến nôn nao.
Thi thoảng, giữa đời sống tất bật, tôi hay thẫn thờ vì một sắc hoa bắt gặp giữa phố. Điển hình như buổi trưa hôm nay, khi đang rảo bước trên những con đường đầy nắng Florida (Mỹ), bản thân bất giác ngẩn ngơ vì một nhánh hoa xuyến chi trắng ngần mọc ven đường.
Những ngày đầu xuân ở miền Trung quê hương tôi, khi mưa xuân vẫn lất phất bay, tôi thường đi ngẩn ngơ đi giữa những cánh đồng hoa chấp chới như hàng triệu cánh bướm trắng rập rờn trong sương mờ ảo. Thi thoảng, nhìn những cung đường làng vắt mình qua cánh đồng, hai bên miên man màu trắng tinh khôi của hoa xuyến chi năm cánh, lòng tôi không khỏi xuyến xao vì nụ hoa mỏng manh như ôm vào lòng hạt nắng đầu xuân vàng mật.
Xuyến chi quê tôi vốn là loại hoa không nở theo mùa, cũng không mang dáng vẻ cao quý, hoặc kiêu sa như lan, hồng, mai, đào… Dù thế, khi đối diện với loài hoa dân dã này, bất kỳ ai cũng không nén được sự trầm trồ vì vẻ ngoài dịu dàng và trong sáng của hoa. Vốn thuộc nhóm hoa cúc, hoa xuyến chi bừng nở gần như quanh năm, đặc biệt khi mùa xuân nắng vàng dịu nhẹ càng khiến sắc hoa thêm trắng muốt, tinh khôi. Và các loài ong bướm cũng nhân dịp đó mà thi nhau bay về ngắm nghía và hút mật nhụy hoa khiến không gian xung quanh càng thêm phần lãng mạn và dịu dàng.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần theo chân các anh chị đi chăn trâu, cắt cỏ, bọn trẻ con chúng tôi thường tranh thủ ngắt từng bông hoa xuyến chi để cài lên tóc hoặc cắt từng nắm rồi cột thành bó nhỏ tặng nhau. Chúng tôi cứ thế vô tư với sắc hoa trắng tinh khôi như màu áo học trò hồn nhiên, dẫu chẳng mấy quan tâm đến tác dụng cũng như ý nghĩa của loài hoa này. Mỗi bông hoa xuyến chi đều có năm cánh với màu trắng tinh, nhìn rất mỏng manh nhưng lại rất đỗi thuần khiết.
Sở hữu vẻ ngoài mộc mạc, chẳng mấy rực rỡ như các loài hoa khác nhưng hoa xuyến chi luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt và rất đỗi kiên cường. Có lẽ do biết phận mình chỉ là loài cỏ dại, không nhận được sự chăm bẵm, vun trồng nên hoa xuyến chi cứ mải miết mà xanh, vắt cạn sức mình mà vươn lên cùng ánh nắng, trổ ra bạt ngàn những bông hoa trăng trắng, xinh xắn. Hoa xuyến chi có thể sinh trưởng và tươi tốt ở bất cứ nơi đâu kể cả nơi đó là dọc đường làng, triền sông, bờ đê, ruộng lúa hay chỉ cần một vết nứt trên đá. Dù thời tiết có mưa dầm gió bấc hay nắng hạn khô cằn, hoa xuyến chi vẫn bình thản nở hoa rực rỡ một vùng trời.
Thi thoảng, có dịp đi cùng cha, ngắm những bông hoa với năm cánh mỏng manh, nhuỵ vàng tươi dịu dàng dưới ánh nắng chiều vàng vọt, tôi hay được nghe lời dạy của người: "Làm người phải như hoa xuyến chi kiên cường vượt qua bão giông, không cần ai nâng niu, chăm sóc, vẫn có thể giữ được vẻ đẹp sáng trong, dịu dàng với cuộc đời, con nhé!". Bài học cha dạy về cách sống ung dung, nhẫn nại vươn lên, bất chấp mọi nghịch cảnh trong đời của hoa, kỳ lạ thay, luôn khiến tôi khắc ghi suốt những năm tháng trưởng thành.
Lại chợt nhớ những buổi chiều mùa xuân khi có dịp quay trở về quê, bản thân hay tha thẩn đi dạo ngoài cánh đồng làng, nghe gió mùa xuân mơn man giữa cánh đồng làng yên ả, khiến một người trưởng thành như tôi trong phút chốc như quên đi hết mọi muộn phiền, xoa dịu biết bao nỗi lo toan trong đời. Tôi cứ thế ngồi lặng im bên cánh đồng nghe miên man tiếng lúa hát, nhìn theo bóng nắng ở hai bên đường làng, dọc theo các triền lúa là những vạt hoa xuyến chi rập rờn trong gió xuân. Những cánh hoa trắng thuần khiết như những cánh bướm nhỏ xinh gieo vào lòng tôi biết bao nỗi thương nhớ khôn nguôi.
Hoa xuyến chi không chỉ đơn thuần là một loài hoa xinh đẹp mà còn được sử dụng để chế biến các món ăn thơm ngon. Theo lời mẹ tôi kể lại thì từ xa xưa, người dân ở quê tôi đã thích dùng ngọn hoa xuyến chi để chế biến thức ăn, trong đó hai món ăn được yêu thích nhất đó là ngọn xuyến chi xào tỏi và canh xuyến chi. Cách chế biến hai món ăn này, theo mẹ tôi chia sẻ cũng vô cùng đơn giản. Do ngọn xuyến chi có vị hăng nên trước khi nấu, mẹ tôi thường có thói quen luộc qua nước sôi để giảm bớt bị hăng của nó. Để chế biến món ngọn hoa xuyến chi xào tỏi, mẹ tôi phi tỏi lên cho thơm, sau đó khẽ khàng cho ngọn xuyến chi đã luộc qua vào xào cùng, nêm nếm gia vị cho vừa rồi cứ thế nhanh tay đảo đến chín là được. Nếu muốn thơm ngon hơn thì chúng ta có thể xào cùng với thịt bò để món ăn thêm phần đậm đà.
Riêng với món canh xuyến chi thịt băm, mẹ tôi thường cho thịt băm vào xào qua để săn lại, sau đó đổ thêm ít nước vào đun sôi, kết hợp chút gia vị rồi nhanh tay cho ngọn xuyến chi đã luộc qua vào nấu cùng cho đến khi canh chín. Cả hai món ăn này, khi thưởng thức trong bữa cơm, đều mang đến dư vị bùi, hơi đắng và hăng, gây cảm giác hơi lạ nếu bạn là người lần đầu tiên thử chúng. Tuy nhiên, nếu quen thuộc dần với món này thì ta sẽ thấy chúng mang một hương vị ngon riêng biệt, gây thương nhớ cho những lần thưởng thức sau.
Ngoài việc có thể chế biến thành thức ăn, hoa xuyến chi sau khi được bà con quê tôi phơi khô sẽ được tận dụng như một thức uống giúp thanh mát, giải nhiệt cho cơ thể. Hoa xuyến chi sau khi phơi khô cũng có thể dùng để pha trà uống. Những ngày đẹp trời, chỉ cần cho một chút hoa xuyến chi đã phơi khô vào cốc, sau đó đổ nước sôi vào rồi tráng qua một lượt trà để loại bỏ bớt bụi và phần nhị hoa, rồi thong thả đổ nước vào lần hai, chờ khoảng 5 phút cho trà ngấm là có thể thưởng thức loại trà thơm ngon này. Tôi khá yêu thích trà hoa xuyến chi, do có vị thơm và khá dễ uống. Nhà tôi ở quê bao giờ cũng có sẵn hoa xuyến chi phơi khô dùng để dành cho những buổi trà chiều và mời những vị khách đến từ phương xa.
Để rồi nhiều năm trôi qua, tôi dần trưởng thành, rời xa quê nhà đi lập nghiệp nơi xứ người, nhưng lòng vẫn mong nhớ sắc trắng tinh khôi của hoa xuyến chi. Những ngày mùa xuân ở nước Mỹ xa xôi, thấy lòng chơi vơi như trẻ thơ, tôi hay ngồi lặng im giữa triền hoa trắng, rồi thẩn thơ ngắt một bông hoa xuyến chi cài lên tóc và nghêu ngao hai câu thơ mình từng tặng cho loài hoa yêu quý: "Xuyến chi ơi hỡi xuyến chi/ Mỏng manh cánh nhỏ, người đi sao đành". Ngoài cánh đồng xa, gió vẫn hát trên đồng và xuyến chi vẫn ngời lên màu nắng ấm.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.