Kể chuyện làng: Chợt thèm hương vị Tết xưa

Lê Thiên Hảo Thứ bảy, ngày 10/02/2024 11:06 AM (GMT+7)
Một sớm mai, mở vội tờ lịch để sắp xếp công việc cho cơ quan, bản thân ngỡ ngàng khi nhận ra thời gian trôi nhanh đến kỳ lạ.
Bình luận 0

Thoáng cái, một năm dài tất bật đã trôi qua. Sực nhớ đến cuộc trò chuyện gần đây với mẹ, bản thân cứ chần chừ mãi trước câu hỏi: "Tết này, vợ chồng con có về nhà không?", vì chẳng biết phải trả lời sao cho cha mẹ khỏi buồn lòng. Như cũng đoán được tâm trạng của con, mẹ tôi khẽ khàng bảo: "Không sao đâu con. Cha mẹ ăn Tết một mình cũng được". Mấy lời giản đơn nhưng khiến lòng tôi buồn hiu hắt. Tết lại sắp đến trong biết bao nỗi niềm của những người đã trường thành, bị ràng buộc bởi vô vàn trách nhiệm của bản thân. Chợt chạnh lòng thương nhớ những cái Tết thật đẹp trong suốt khoảng đời tuổi thơ.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình còn nhiều khó khăn. Những năm 80, khi đời sống cơ bản của mọi nhà ở thôn quê còn nghèo đói, ngày tết là tất thảy mọi sự háo hức đợi chờ, là niềm vui sướng nhất của những đứa trẻ trong suốt một năm. Hoài niệm về những ngày Tết xưa trong tôi là mùi hương nồng nàn từ nồi nước lá mẹ nấu cho cả nhà tắm tất niên. Những chiều cuối năm, mẹ thường dành thời gian đi hái các loại thảo mộc như hương nhu, bồ kết kết hợp thêm ít lá sả, lá bưởi trong vườn nhà để nấu nước cho cả nhà "thanh tẩy" mọi điều xui rủi trong đời sống.

Kể chuyện làng: Chợt thèm hương vị Tết xưa- Ảnh 1.

Hoa đào chúm chúm chím. Ảnh: Tác giả cung cấp

Trong gian bếp đơn sơ, mẹ tôi ngồi nhóm bếp lửa hồng nấu nồi nước lá thơm phưng phức. Chờ cho nước sôi, mẹ sẽ pha với nước lạnh trong chậu to, để mọi người dễ tắm. Bọn trẻ con chúng tôi luôn được ưu tiên tắm trước. Sợ trẻ con ngại tắm, mẹ tôi thường cố gắng pha nước tắm thật khéo léo sao cho không quá nóng cũng chẳng quá lạnh, rồi khẽ khàng quay lại bảo tôi:

- Con gái ngoan, con tắm trước đi. Tắm bằng nước thảo mộc sẽ giúp con gột rửa sạch không chỉ bụi bẩn mà cả những khuyết điểm từng mắc trong năm cũ, để bản thân mới tinh, thơm sạch trong năm mới nhé.

Bao giờ cũng thế, đứa trẻ là tôi thường cúi mặt xuống hít lấy hít để mùi thơm của các loại thảo mộc, chợt mơ hồ cảm thấy biết bao chắt chiu, tận tụy me dành cho con cái. Mặc dù, khoảng thời gian sau này khi đã trưởng thành, tôi vẫn thường xuyên giữ thói quen tắm tất niên bằng nước lá thơm nhưng sao chẳng bao giờ còn gặp cảm giác rưng rưng như ngày xưa.

Ngoài nồi nước tắm thơm tho mùi thảo mộc, tôi còn nhung nhớ vị dẻo thơm, bùi ngùi của chiếc bánh chưng nhỏ cha gói từ nhúm gạo thừa để dành cho bọn trẻ háu ăn. Hạt gạo kết tinh từ phù sa ruộng đồng kết hợp thêm ít đậu xanh lòng từ mấy luống sau nhà, thêm vào vài miếng thịt mỡ làm nhân, chỉ đơn thuần thế mà như gói cả mùa xuân vào một chiếc bánh.

Theo thông lệ, nhà tôi luôn có thói quen gói bánh chưng vào chiều 30 Tết. Đó là thời khắc hiếm hoi cả nhà cùng quây quần bên nhau, vừa gói bánh vừa chuyện trò rôm rả. Và cả những đêm khuya, chị em tôi trải chiếc chiếu mỏng, hồn nhiên ngồi chờ đợi bếp lửa đun bánh chưng hồng rực, như thắp lên biết bao hi vọng giữa đêm đông. Mãi cho đến khi mấy đứa trẻ hít hà được mùi thơm ngậy quyện hòa với hương gạo nếp và lá dong, thì cả bọn nhất loạt reo hò để người lớn chuẩn bị vớt bánh. Mặc dù, khi nhìn thấy ánh mắt ngời ngời của trẻ thơ, cha mẹ vẫn yêu cầu chúng tôi cố đợi đến khi rỡ bánh chưng ra, ngâm với nước lạnh, rồi khẽ khàng xếp ra một tấm gỗ và ép bằng cối đá.

Kể chuyện làng: Chợt thèm hương vị Tết xưa- Ảnh 2.

Pháo Tết xưa. Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhiều năm trôi qua, khi đã trở thành một người trưởng thành, tôi vẫn chẳng thể quên được hình ảnh mấy chị em chúng tôi ngồi gật gù nhìn bếp lửa, dẫu mắt đã díp lại nhưng vẫn kiên cường chờ đợi, mãi cho đến khi được cha mẹ chia cho những cái bánh chưng nhỏ xíu làm quà cho mỗi đứa. Đoạn kí ức tươi đẹp nhắc nhở bản thân tôi về sự đoàn viên cũng tựa như bếp lửa hồng tươi kia, mỗi thành viên trong gia đình có thể góp vào một thanh củi yêu thương, để rồi tất cả chụm vào nhau tạo nên cảm giác ấm áp, cùng nhen nhóm cháy ngọn lửa hạnh phúc trong đêm Giao thừa thiêng liêng, một thời khắc mà tất cả người Việt Nam dù đi xa đến đâu cũng khát khao trở về, tận hưởng những phút giây đầm ấm bên gia đình.

Hương vị của những cái Tết quê nhà, trong kí ức của tôi, còn là khoảng thời gian vô tư, được cùng bọn trẻ trong làng nghịch ngợm bày hết trò chơi này đến thú vui khác. Bản thân thèm được quay trở lại những ngày hì hụi cùng anh trai làm pháo. Những quả pháo được tận dụng làm từ giấy vở hay những quyển sách cũ, cùng với bột thuốc súng. Những bánh pháo dài thật dài đi kèm với mấy quả pháo cối to thật to. Bao giờ làm xong, anh trai tôi cũng hào hứng bảo, pháo nhà mình phải nổ to nhất, dài nhất mới oách. Và để thử xem quả pháo cối hai anh em chế tạo nổ có to hết cỡ không, bọn tôi bàn nhau sang bếp nhà bác hàng xóm, đặt nó vào cạnh cái bếp tro, châm ngòi cho nó nổ thử. Và y như rằng pháo nổ rất to. Tro từ trong bếp bay ra tứ tung, mịt mù khắp cái bếp, phủ kín cả vung nồi cám lợn nhà bác. Lần đầu tôi được nghe tiếng pháo to như thế, và cũng vì lí do này mà bị mẹ cho một trận roi đau điếng do nghịch ngợm. Nhưng cũng rất may là giao thừa năm ấy, pháo nhà tôi nổ rền nhất xóm. Tiếng pháo ròn rã như tiếng cười chung vui cùng niềm hân hoan của hai anh em tôi.

Bản thân lại nhớ phảng phất nén hương thơm trong chiều chạp mả. Tôi theo chân cha mẹ ra khu nghĩa trang ngoài làng, đứng nhìn lặng lẽ từng nắm đất dưới ánh chiều tà buồn hiu hắt. Mỗi nấm đất là câu chuyện về một kiếp người. Nén hương thay lời muốn nói để cung thỉnh biền biệt chốn cao xanh, để cháu con còn biết nhớ về nguồn cội. Dừng chân rất lâu trước ngôi mộ của bà ngoại, ánh mắt mẹ tôi thoáng buồn. Mẹ bày ra nồi cá thửng (cá mối) kho từ đầu tháng chạp, qua bao nhiêu lần lửa nên cứng chắc và bóng mùi đường mật, dâng cúng lên bà ngoại cùng bát cơm gạo tẻ. Mẹ bảo bà ngoại tôi, khi còn sống tính tình rất giản đơn, chỉ thích mấy món ăn mộc mạc như bát cơm trắng với nồi cá kho, cũng trở thành niềm vui no đủ ngày xuân. Thoang thoảng trong gió xuân, mùi hương trầm lảng bảng, mấy lời giản đơn của mẹ khiến lòng tôi phút chốc buồn nao nao, lại mơ màng nhớ đến khoảng thời gian ấu thơ được bà ngoại chăm sóc đầy yêu thương. Chỉ thoáng chốc, bà tôi đã theo mây trắng về trời, bỏ lại mẹ con tôi với biết bao niềm tiếc thương khôn nguôi.

Nhiều năm trôi qua, tôi đã trở thành một người trưởng thành, bận rộn với cuộc sống thành thị. Sau khi kết hôn, tôi theo chồng về miền Nam sinh sống. Những cái Tết xa nhà cứ ngày một nhiều hơn. Thi thoảng, ngồi giữa ánh nắng óng ánh của ngày xuân phương Nam, lòng tôi lại mơ màng nhớ đến mùi ngai ngái của hoa tàu bay, mùi hăng hắc của hoa xoan rắc đầy ngõ xóm trong chiều mưa phùn, của nụ hoa đào run run chúm chím khoe ngày Tết. Lại ngỡ như tay mình còn khét lẹt mùi khói thuốc pháo của buổi Tết năm nào mà chạnh lòng thương nhớ khôn nguôi.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem