Kể chuyện làng: Ngủ lang

Hoa Lê Thứ bảy, ngày 02/04/2022 06:30 AM (GMT+7)
Các cụ bảo chơi thân với nhau từ thuở cởi truồng tắm mưa, ngày đi chăn trâu cắt cỏ, tối rủ nhau đến nhà bạn ngủ cho tới khi lấy vợ lấy chồng thì thôi. Tất nhiên, con gái ngủ với con gái và con trai ngủ với con trai.
Bình luận 0

Ngủ lang hay ngủ bọn là thói quen của trai gái làng tôi. Đây không phải là phong tục mà chỉ là thói quen từ xưa  truyền lại. 

Và cứ thế trai gái trong làng nhơn nhớn một chút tối đến là rủ nhau đi chơi bọn rồi ngủ lang. Nhà nào có gian buồng hay cái gác xép thì thật lý tưởng cho con cái rủ bạn về ngủ chung. Làng tôi vốn đất chật người đông, nhiều nhà con cái lớn nhưng cũng không thể có được gian buồng riêng cho chúng nên việc đi ngủ lang chẳng bố mẹ nào cấm hay lăn tăn gì. Vừa đã là thói quen xưa giờ cả làng thế, có khi còn mừng vì vắng chúng lại được một chút tự do khi đêm về.

Kể chuyện làng: Ngủ lang - Ảnh 1.

Kể chuyện làng: Ngủ lang - Ảnh 2.

Giữa làng có cái ao lớn hàng phượng già soi bóng ven đường đẹp như hồ Gươm. Ảnh: Hoa Lê

Làng tôi là vùng đồng chiêm trũng phía Tây Hà nội, ít  ruộng canh tác nhưng lại có nghề xe rẽ tơ sợi, dệt lụa và đan lưới các loại. Đây chính là nguồn thu nhập giúp cho diện mạo làng quê khang trang hơn hẳn. Trai gái trong làng ngoan hiền sáng sủa luôn là niềm ao ước ngưỡng mộ của thanh niên các làng xung quanh bấy giờ. Con gái làng tôi vốn chăm chỉ chịu thương chịu khó, nhất là các chị lứa tuổi 5x, 6x. Ban ngày xe sợi cho bố mẹ tối đến đi chơi bọn, các chị lại cùng nhau đan lưới làm vốn riêng. Ngày xưa chưa có điện thì cả bọn chung tiền mua dầu thắp đèn để đan.

Sẵn sợi của nhà không phải bỏ vốn, đan bao nhiêu bán được tiền bố mẹ cho tất nên chị nào cũng ham. Có tiền tiêu riêng, các chị tự do sắm sửa nữ trang phụ kiện tuổi mới lớn cho đến quần áo vải vóc. Mùa nào mốt đấy từ quần bò, áo mút Lào tông Thái một thời. Rồi pho tá quần si phin nõn kẻ Bun kẻ Tiệp tuýt xi pha len sành điệu đủ cả. Là con gái còn phải dành dụm ít vốn lận lưng để đi lấy chồng cho đàng hoàng, nhất là vải vóc có chị để dành nhiều năm sau  may quần áo vẫn chưa hết.

Kể chuyện làng: Ngủ lang - Ảnh 3.

Làng có nghề xe tơ dệt lụa và đan lưới. Ảnh: Hoa Lê

Đêm đêm các chị quây quần đan lưới như đám tằm miệt mài nhả tơ dệt những ước mơ cho tương lai tươi sáng. Chị nào mà có người yêu đang ở bộ đội thì lại càng chăm chỉ hơn. Gái quê nhiều chị không biết viết thư đâu, nhận được thư người yêu chỉ biết đọc thôi mà không bao giờ trả lời. Có viết lại phải nhờ các em các cháu ngại chết đi được. Thay vì tỏ bày tình cảm bằng thư thì năng năng gom góp đôi chút gửi lên đơn vị cho chàng lại thiết thực hơn mà cũng không kém phần ý nghĩa. 

Những chị có người yêu ở nhà cũng không mấy khi đi chơi riêng, vừa mất việc vừa ngại mang tiếng. Thời ấy trai gái chỉ đứng gần nhau thôi lỡ có ai trông thấy cũng lấy làm xấu hổ rồi. Thấy người yêu rủ đi chơi, lòng các chị cũng xao xuyến rạo rực lắm nhưng vẫn thường tìm lý do để trốn. Đang vội lưới đây, đến phiên đi bán để còn sắm sửa với chúng nó. 

Mặc kệ các chàng trồng cây si, nào đánh tiếng nào huýt sáo ngoài cổng có khi còn phải nhờ "bồ câu nhí" chuyển thông điệp hộ may ra. Năm lần bảy lượt có rủ được thì cũng người đi trước người đi sau một đoạn để khỏi có ai trông thấy. Nói chung nhà nào có bọn con gái về ngủ thì tối đến rộn ràng vui như hội. Đám con trai như ong  bướm tìm hoa cũng thường xuyên quây quần  tán chuyện nhiều khi đến nửa đêm vẫn còn rộ lên những tiếng cười đùa.

Kể chuyện làng: Ngủ lang - Ảnh 4.

Làng có nghề xe tơ dệt lụa và đan lưới. Ảnh: Hoa Lê

Đấy là thời các đàn chị thôi, từ lứa 7x trở đi không thấy bọn nào đan lưới đêm nữa. Cũng là bởi cuộc sống đã bớt khó khăn hơn trước, vả lại mỗi thời mỗi khác. Bọn trẻ chỉ mong tối đến là tót đi chơi. Cũng mang theo cặp sách sang nhà nhau gọi là học nhóm nhưng cái chính vẫn là ra khỏi nhà để được thoải mái quậy phá  nhất là con trai, chúng nghịch cỡ nào bố mẹ có giời mà biết. Chúng thích ghi điểm bằng cách  trèo rào vặt trộm trái cây mang cho bọn con gái cùng hưởng. Trong khi chúng hành sự thì lũ con gái đứng cảnh giới với bọc muối chờ sẵn.  

Từ mít mật, ổi ương, táo xanh, khế chua cho đến cả những buồng chuối chúng không tha cái gì có khi còn hồn nhiên mang ra giữa sân đình vừa ăn vừa cười rúc rích với nhau. Đang ăn mà nghe tiếng bà già nào đấy í o chưởi xéo bâng quơ vì thấy động nghi ngờ bị mất của, thì chúng càng khoái chí. Có một câu chuyện trộm chuối thú vị được nhắc mãi cả những năm sau này mỗi khi bạn bè gặp lại nhau. Rằng bọn kia đi chặt trộm được buồng chuối to ở cái vườn  rìa làng. 

Chúng đem giấm vào thùng trấu trong cái bếp hoang của một bà già góa. Vài hôm sau bỗng một đứa lăn ra ốm đúng lúc buồng chuối bắt đầu hườm hườm. Chúng cắt nải to nhất vác đến thăm bạn khiến mẹ tên ốm cảm động cứ  xuýt xoa mãi, các cháu ngoan quá, bạn bè chơi với nhau tốt thế mới là bạn chứ. Cả bọn bấm nhau cười rinh rích cho đến tận bây giờ.

Kể chuyện làng: Ngủ lang - Ảnh 5.

Ngủ lang hay ngủ bọn là thói quen của trai gái làng tôi. Đây không phải là phong tục mà chỉ là thói quen từ xưa truyền lại. Ảnh: Hoa Lê

Đấy là bọn nhỡ nhỡ mới lớn, còn cánh thanh niên đã bớt nghịch ngợm và lịch sự hơn nhiều.

Giữa làng có một cái ao lớn bên đường có  hàng phượng già soi bóng xuống mặt nước trong xanh đẹp lung linh như hồ Gươm giữa Thủ đô. Tối đến nơi đây trai thanh gái vắng từng bọn dập dìu hóng gió vui đùa tán tỉnh nhau. Rồi nhiều đôi tách bầy dắt nhau đi ngắm mây ngắm gió ngắm trăng. Bờ đê đình làng râm ran chẫu chuộc lập lòe đom đóm bụi rậm, thoảng hương cau hương nhài, vườn nhà ai bờ giậu mơn mởn mùng tơi xanh mướt. 

Bao năm qua, cuộc sống cứ êm ả trôi đi dưới lũy tre làng như thế. Đặc biệt trai làng không muốn lấy vợ bên ngoài vì sợ gái thiên hạ vụng làm nghề. Gái làng cũng chỉ ế mới phải đi thiên hạ vì sợ khổ không có nghề. Đã có người khổ quá phải tha chồng con quay về làng ở rể. Ngày ấy cũng rất ít người đi thoát ly làm công nhân, có người đi lại bò về. Hay thậm chí là theo nghiệp đèn sách cũng không nhiều mặc dù học trò làng tôi luôn được đánh giá là sáng sủa thông minh nhất xã. 

Đa số chỉ học hết cấp hai là nghỉ, biết đọc biết viết là được rồi. Nhất là bọn con gái, học xong mà đi lấy chồng thì học làm gì, ấy là câu cửa miệng của người lớn. Dường như tâm lý an phận đã ăn sâu vào tiềm thức người làng, vài sào ruộng với cái nghề làm quanh năm không sướng nhưng thế cũng được rồi, thiên hạ đang mơ không được kìa. Người lớn đã thế thì bọn trẻ càng thoải mái, chúng bao giờ chẳng thích chơi hơn học. Cứ sẵn nghề truyền thống, vài năm thanh xuân tung tăng rồi lấy vợ lấy chồng đôi nào đôi nấy đa số là yên ấm bên nhau trọn đời

Kể chuyện làng: Ngủ lang - Ảnh 6.

Bao năm qua, cuộc sống cứ êm ả trôi đi dưới lũy tre làng như thế. Ảnh: Hoa Lê

Lại nói về ngủ lang, bọn nào cũng được vài năm rồi lấy vợ lấy chồng hết là tan. Ai cưới trước thường luyến tiếc khi thấy chúng bạn còn vô tư rong chơi. Nhưng khi bạn bè lần lượt xây dựng gia đình hết còn trơ lại một mình ai đó thì thôi rồi buồn ôi là buồn. Thường lứa tuổi nào cũng có mảnh đời lỡ dở như vậy. Thôi thì dạt vào ngủ ké với một bọn đàn em lấy may. Rồi  các em cũng lần lượt lấy chồng hết mà cái duyên muộn màng hẩm hiu vẫn chưa tới. Ngày ngày nhìn chúng bạn chồng con ríu rít mà chạnh lòng biết bao nhiêu, nhất là khi hoàng hôn buông xuống đón đêm về. Đành chờ xem có ai mai mối đi thiên hạ cũng là may, mà không thì có ông nào góa vợ rước về chắp vá  cho cũng gọi là xong một đời con gái, còn hơn làm bà cô tổ hết đời.

Đã chơi bọn rồi ngủ với nhau thì thường sẽ gắn bó quý mến nhau mãi mãi nhất là với những người đã sống xa quê. Cứ có dịp gặp nhau lại ríu rít đúng như ngày xưa. Quý lắm, bạn cùng ngủ lang đấy. Nhìn thấy bạn cũ là như thấy cả tuổi thanh xuân trên quê hương ngày nào.

Còn bây giờ, các thế hệ tiền nhân cũng đã nhận ra rằng việc không khuyến khích con cháu học hành là lỗi thời, đã thua thiệt nhiều so với thiên hạ. Cho nên, những năm gần đây làng nghề thì vẫn còn, ai làm cứ làm nhưng việc đầu tư đèn sách được chú trọng nhiều hơn. Lớp con cháu sau này đã có thêm cơ hội tiến thân vươn xa cùng với bạn bè khắp nơi. Cũng chính vì thế, thói quen đi ngủ lang dần dần mất hẳn và giờ chỉ còn là ký ức, là dĩ vãng một thời của người làng tôi.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem