Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng

Thuần Việt Thứ bảy, ngày 17/06/2023 07:30 AM (GMT+7)
Sinh ra và lớn lên được đắm mình ở làng gốm Phù Lãng nên nghề gốm đã gắn bó với tôi như máu thịt. Người làm gốm quê tôi đã trải qua bao cực nhọc với bộn bề lo toan mưu sinh cùng những đổi thay của thời cuộc, nhưng gốm Phù Lãng vẫn trường tồn.
Bình luận 0

Làng gốm Phù Lãng - 800 năm trường tồn

Quê tôi làng gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng. Bà con sống ở châu thổ sông Hồng đều biết đến các sản phẩm gốm Phù Lãng. Nghề gốm là nghề làm đẹp cho người, nhưng người làm gốm lại vô cùng vất vả, cực nhọc. Nghề làm gốm quê tôi cũng trải qua muôn vàn thăng trầm. Bản thân tôi được nuôi dưỡng bởi nghề gốm mà cũng đã từng phải lang bạt kỳ hồ, tìm kiếm nghề khác. Tôi trở về với nghề gốm như được trở lại với cội nguồn của mình.

Làng gốm quê tôi nằm ngoài đê sông Cầu thuộc xã Phù Lãng. Ngày ngày nhộn nhịp người ra, người vào. Khói đốt lò làm cho đoạn sông Cầu chảy qua làng tôi vô cùng sôi động. Dưới sông thuyền về mua gốm; trên bờ người gánh, người bê, tạo thành cái chợ gốm lớn nhất nhì miền Bắc. Người Phù Lãng bán gốm để đổi lấy những nhu cầu vật phẩm khác. Trong lớp ký ức của tôi, làm gốm là hành trình đầy gian nan, tiêu tốn thể lực của người làm. Ngày trước, quê tôi chưa có điện, chưa có máy móc đưa vào sản xuất, nên tất cả các khâu đều làm thủ công.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 1.

Làng gốm Phù Lãng đã có lịch sử trên 800 năm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Đầu tiên là khâu chọn đất, làm đất cho nhuyễn, mỗi khi nhắc lại, thế hệ U40, U50 như chúng tôi còn sởn da gà. Ngày đó việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ rất khó khăn. Làng gốm nằm ven sông để dễ bề chuyển hàng hóa cũng vì lý do này. Công đoạn đầu tiên của làm gốm, mấy anh em tôi theo bố mẹ ra bến sông chuyển đất về cơ sở sản xuất. Nếu như gốm Thổ Hà lấy chất liệu từ "xương" đất sét xanh, gốm Bát Tràng từ sét trắng thì gốm Phù Lãng lại được lấy chất liệu từ "xương" đất đỏ hồng ở vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). 

Mẹ và các chị oằn lưng gánh từng gánh đất từ thuyền lên bờ. Mang đất về đập vụn, nhặt sạn rồi nhào đất cho ngấu. Việc này kéo dài cả ngày trời mà vẫn chưa xong. Cứ sắn đất nhỏ thành từng miếng rồi lại đập vào, cho đến khi thứ đất sét đó mềm mịn như bột mới đạt yêu cầu. Tôi chưa biết vuốt gốm, ngồi đạp bàn xoay cho bố. Vừa đạp vừa đưa đất cho ông làm. Kết thúc một buổi làm gốm đôi chân tôi mỏi nhừ, không muốn bước.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 2.

Mặt hàng gốm Phù Lãng giờ đa dạng, phong phú về chủng loại. Ảnh: Tác giả cung cấp

Chum, vại, đồ thờ qua bàn tay của bố tôi, nó thành hình hài có hồn có cốt. Tạo hình xong, tôi mang gốm ra phơi. Những ngày mưa gió, chạy gốm, bê ra lại bê vào khiến tôi mệt bở hơi tai. Đến khi khô lại đẩy sản phẩm vào lò. Công đoạn làm gốm nào cũng vất vả, cực nhọc đòi hỏi phải có sức vóc. Làm gốm vất vả bao nhiêu, đốt lò gian nan bấy nhiêu. Trước đó, anh em tôi mất cả tháng trời, chuyển củi từ bến lên bờ. Rồi cưa, chặt, bổ củi, phơi phải thật khô mới đốt được. Suốt 3 ngày, 3 đêm mọi người phải thay phiên nhau mà gác lò gốm. Gốm trong lò được nung hoàn toàn bằng củi, chứ không dùng than như đốt lò gạch. Mỗi khi xong một lò gốm, bố tôi thường bảo: "Cơm, áo, gạo tiền trông cả vào cái lò gốm này. Gốm đạt nhà còn có cái ăn, lò gốm bị hỏng nhiều, người làm gốm công cốc".

Công việc đốt lò đòi hỏi phải có kỹ thuật. Các công đoạn tăng nhiệt cho lò, kiểm tra sản phẩm chín như thế nào, làm nguội lò… cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người thợ cả (phụ trách về mặt kỹ thuật), hai người thợ đốt lò ở cửa lò (đốt dưới) và bốn người chuyên ném củi qua các lỗ giòi (đốt trên). 

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 3.

Nghề làm gốm vô cùng vất vả, đòi hỏi người làm gốm phải có đam mê và sức khỏe tốt. Ảnh: Tác giả cung cấp

Thời gian đốt lò kể từ lúc nhóm lửa đến khi hoàn toàn tắt lửa kéo dài 3 ngày 3 đêm. Sau khi nung xong, người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi, lỗ xem lửa để làm nguội từ từ. Quá trình làm nguội này kéo dài 2 ngày 2 đêm, sau đó mở cửa lò và để tiếp một ngày đêm nữa mới tiến hành ra lò. Hành trình lấy đất, nặn gốm, rồi chuyển củi đốt lò tốn bao công sức, đến lúc ra gốm cũng vô cùng vất vả.

Hình ảnh người mẹ, người chị oằn lưng gánh gốm ra bến sông khiến đôi vai chai sần không còn lạ ở làng gốm. Việc đó cứ diễn ra suốt cuộc đời của một người phụ nữ. Chẳng thế mà trong bộ phim "Bến không chồng" quay ở làng tôi, đạo diễn cũng đưa hình ảnh rất đỗi thân thương đó vào phim. Nó khiến người xem vô cùng xúc động khi nhắc tới ngôi làng cổ làm gốm bên bờ sông Cầu. Nhà tôi đông người, làm mấy tháng mới xong được một lò gốm. Công việc nào trong quy trình làm gốm cũng cực nhọc, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nhưng mỗi khi nhìn thấy sản phẩm gốm ra lò, bao mệt mỏi như tan biến. Nó như nguồn động viên, cổ vũ người dân làng gốm tiếp tục hành trình sáng tạo.

Những ngày mưa gió bão bùng, lò gốm nghỉ, các cụ cao niên thường ngồi chuyện trò về lịch sử làng nghề. Mỗi khi nghe các cụ kể, tôi thấy mình vô cùng tự hào và may mắn khi được sinh ra ở làng gốm. Theo sử sách ghi lại, ông tổ nghề của làng gốm Phù Lãng là ông Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông Lưu Phong Tú được triều đình cử sang Trung Quốc. Ông Tú học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người trong nước.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 4.

Màu men gốm da lươn của Phù Lãng không nơi nào có được. Ảnh: Tác giả cung cấp

Đầu tiên, nghề gốm này được truyền cho dân cư đôi bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thế kỷ 13 (thời nhà Trần) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, vẫn còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng nâu... 

Gốm Phù Lãng có những sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu... mà người ta quen gọi chung là men da lươn. Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng với những hình khối đa dạng, phong phú . Tuy nhiên, có thể quy vào hai phương pháp cơ bản là tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại.

Bỏ xứ bỏ cả lò gốm 

Làng gốm đã từng trải qua những ngày sóng gió. Đầu thập niên 90 của thế kỉ XXI làng gốm lao đao vì sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Nhiều gia đình đã đóng lò gốm và chuyển nghề khác. Bản thân tôi cũng từng có giai đoạn phải chia tay cái nghề "đưa đất nước vào khuôn khổ" với bao cực nhọc. Trong thời chiến, lò gốm vẫn đỏ lửa, vậy mà giữa thời đất nước đang thời kỳ đổi mới mà lò gốm nguội lạnh. Bố tôi, người từ khi sinh ra đã gắn bó với đất, với gốm, với khói lửa, vẫn quyết tâm bám trụ. Ông tin rằng, người còn, nghề còn, gốm Phù Lãng vẫn có con đường đi riêng.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 5.

Làm gốm đòi hỏi sự tỉ mỉ từng công đoạn. Ảnh: Tác giả cung cấp

Thương bố, thương mẹ, tôi vẫn phải gạt nước mắt rời lò gốm đi lang bạt kỳ hồ, tha phương cầu thực kiếm cái ăn đắp đuổi qua ngày. Ngày tôi bỏ lò, bỏ bến sông đi làm nghề khác, bố tôi tiễn tôi đi mà lòng nặng trĩu. Ông giấu nỗi buồn sâu thẳm vào trong tâm. "Con cứ đi xem đất nước rộng dài ra sao. Nếu không tìm được bến đỗ thì con cứ trở về với làng. Bố tin, nghề sẽ không phụ người con à".

Sau bao năm bốc đất, lên khuôn, tạo ra muôn vàn sản phẩm, hồn gốm đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Tôi nhắm mắt cũng có thể nặn được gốm. Từ ang, chậu, chum, vại… màu da lươn gắn bó với tôi như máu thịt, vậy mà tôi vẫn bỏ ra đi. Suốt hai thập kỷ tha phương cầu thực, tôi đã không làm lên trò trống gì. Ngày tôi trở lại quê nhà, khói lò gốm ven sông Cầu vẫn cứ bốc cao như là một minh chứng, chỉ có người phụ nghề, chứ gốm chưa bao giờ phụ lòng người Phù Lãng.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 6.

Nung gốm là công đoạn quyết định tới sự thành bại của việc làm gốm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Hình ảnh các bà, các mẹ oằn lưng gánh gốm ra bến sông lại ùa về trong tôi. Làng gốm đỏ lửa quanh năm đó như là nguồn sống đã tồn tại trong tôi. Nước mắt tôi rơi lã chã, tôi đã quỳ gối bên lò gốm. Tôi đã lại được trở về với quê hương, với nghề gốm đầy nhọc nhằn và tự hào.

Trở về với nghề gốm Phù Lãng 

Khác với giai đoạn trước, giờ làng gốm đã thay đổi để tồn tại. Ngoài mặt hàng truyền thống như chum, vại, tiểu, quách, dân quê tôi đã làm gốm trang trí. Khi đó có một đoàn chuyên gia người Nhật về làng. Họ đã vô cùng thích thú trước cái nghề thổ mộc của Phù Lãng. Đặc biệt là chất men da lươn của gốm Phù Lãng không lẫn vào đâu được. Qua câu chuyện của họ, người dân đã biết làm sản phẩm gốm trang trí như đèn gốm, tranh gốm, con giống… Các chuyên gia này mê mẩn cả ngày bên lò gốm. Họ bảo rằng, gốm Phù Lãng nếu thay đổi các mặt hàng thì sẽ trường tồn. Người làm gốm có thể sống ổn nhờ nghề gốm.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 7.

Làng gốm đã trường tồn với thời gian. Ảnh: Tác giả cung cấp

Câu chuyện của họ như thổi sinh khí vào làng gốm. Tôi đã mạnh dạn rũ bỏ những năm tháng giang hồ để tập trung vào làm gốm. Bố tôi là người vui nhất khi tôi trở về làng. Ông bảo, ông thích nhìn thấy tôi ngồi bên bàn xoay, thỏa sức sáng tạo các mặt hàng. Từng lô hàng với đủ các loại hình thù khác nhau đã hoàn thành. Đất vẫn mịn như xưa, đôi tay tôi vuốt gốm vẫn mềm mại như thuở nào. Lòng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì mình đã được làm những gì mình thích. Trở lại với nghề, tôi mới nhận ra một sự thực là tôi sinh ra là dành cho vùng đất này.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 8.

Được trở về với quê hương, được làm gốm là duyên phận lớn nhất với cuộc đời tôi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cùng với sự phát triển của làng nghề, cơ sở gốm của tôi phát triển rực rỡ. Lò gốm chưa bao giờ phải ngưng lửa. Hàng làm ra bao nhiêu, tôi bán hết bấy nhiêu. Hơn trăm lò gốm của Phù Lãng không ngừng đỏ lửa. Khách du lịch kéo về làng gốm cũng là động lực để dân quê tôi cải tiến từng công đoạn làm gốm. Bàn xoay, xe đẩy, công cụ dựng lò gốm được cải tiến. Sản phẩm gốm vẫn như được hồn cốt khi xưa, nhưng nó đã được tâm ý của khách hàng hiện đại yêu cầu. Người làm gốm không cực nhọc, vất vả như trước nữa.

 Kể chuyện làng: Hồn gốm Phù Lãng - Ảnh 9.

Làng gốm đã thay đổi để hòa nhập với thời cuộc. Ảnh: Tác giả cung cấp

Giờ bố tôi đã bước sang tuổi 80, ông không thể nặn gốm nữa, nhưng ngày nào ông cũng ra thăm lò gốm. Ông sinh ra và được nghề gốm nuôi dưỡng, nên một ngày không thể không ra xưởng ngắm gốm. Trong ánh mắt vui mừng của bố, tôi cảm nhận được hồn gốm vẫn luôn chảy trong huyết quản của ông. Và giờ nghề gốm đã vực dậy cuộc đời của chàng trai đã từng bỏ nghề, bỏ quê đẻ mưu sinh như tôi. Tôi thấy mình thật ân hận vì đã bỏ phí những năm tháng tuổi trẻ mà không chịu đào sâu, chuyên tâm vào nghề gốm. Gốm Phù Lãng đã phát triển rực rỡ và trường tồn đến tận ngày nay là nhờ những con người yêu nghề đến cháy bỏng như thế.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem