Kể chuyện làng: Những chiếc bánh bèo của bác Vụ

Trà Giang Thứ bảy, ngày 31/07/2021 06:15 AM (GMT+7)
Vào những ngày mưa dai dẳng được cùng người thân quây quần thưởng thức đĩa bánh bèo nóng hổi, cảm nhận vị béo ngậy vừa phải dần tan trong miệng mới thấy thấm thía hạnh phúc từ những điều bình dị trong cuộc sống.
Bình luận 0

Không giống với hương thơm của bột gạo, tôm cháy trong chiếc bánh bèo nổi tiếng xứ Huế hay sự hòa quyện của bột gạo, thịt nạc và mộc nhĩ trong bánh bèo của "Đất cảng" Hải Phòng, bánh bèo quê tôi (xaã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) chỉ gồm những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm nhưng lại có một sức sống mãnh liệt trong tâm trí của bất cứ ai đã từng thử qua.

Kể chuyện làng: Những chiếc bánh bèo của bác Vụ - Ảnh 1.

Khuôn bánh bèo (Ảnh: Trà Giang)

Lần nào cũng vậy, vừa từ Hà Nội về hôm trước, hôm sau tôi đã giục chị gái đi chợ Chủ mua bánh bèo. Phiên chính của chợ là các ngày 2, 5, 7, 9, được mở trên một vùng đất rộng lớn. Với tôi, mỗi lần đi chợ là một niềm vui vì nơi đây giống như một "thiên đường" đồ ăn vặt. Có bánh rán ngào đường giòn rụm, bánh gai mềm dẻo, bánh nếp ngọt bùi... nhưng đôi chân tôi thường chỉ dừng lại tại gian bánh bèo của bác Vụ.

Kể chuyện làng: Những chiếc bánh bèo của bác Vụ - Ảnh 2.

Bánh bèo chợ Chủ (Ảnh: Trà Giang)

Gọi là gian hàng nhưng thực ra chỉ có một chiếc thúng tre và một thùng xốp to đựng hơn 1000 chiếc bánh bèo nhỏ xinh, trắng mịn. Bác Vụ theo nghề này đã hơn 30 năm, bác bán bánh vào phiên chợ chính và Chủ nhật, từ lúc 6h sáng. Khách mua hàng thường là dân Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Nội, Hưng Công... 

Họ mua với số lượng lớn nên chỉ tầm 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ là bánh đã được bán sạch. Bởi vậy, chị em tôi hay đùa nhau" "Muốn ăn bánh bèo thì phải chịu khó dậy sớm". Mọi người mua không chỉ vì say mê hương vị thơm ngon của bánh mà còn bởi sự niềm nở của bác Vụ. Dù đôi tay phải thoăn thoắt làm việc nhưng trên gương mặt phúc hậu vẫn luôn nở nụ cười hiền lành, thân thiện.

Kể chuyện làng: Những chiếc bánh bèo của bác Vụ - Ảnh 3.

Tôi có thói quen cắt nhỏ bánh khi ăn. (Ảnh: Trà Giang)

Làm bánh bèo không quá phức tạp nhưng cần khéo léo cùng sự tập trung trong từng công đoạn. Trước hết là việc cắt lá gói bánh. Phải chọn những lá dong tươi, tạo hình và đem đi luộc để lá được dai, khi hấp sẽ giữ bột tốt hơn. Công đoạn hòa bột gạo tẻ là công đoạn khó nhất, đòi hỏi kinh nghiệm cao. Bột phải được hòa với nước ấm, khuấy đều tay sao cho không quá loãng hay bị vón cục. 

Bánh cứng hay mềm sẽ phụ thuộc vào độ đặc/loãng trong bước này. Kế đến, lá dong phải được xếp vào khuôn, đổ một lượng bột vừa đủ vào trong và hấp từ 30- 40 phút. Nhân bánh là mỡ hành, được cho sau cùng, khi bánh đã chín. Kỳ công như vậy mà một chiếc bánh chỉ có giá 1000 đồng.

Kể chuyện làng: Những chiếc bánh bèo của bác Vụ - Ảnh 4.

Bánh sẽ ngon hơn khi ăn với tương ớt. (Ảnh: Trà Giang).

Chiếc bánh bèo nhỏ nhắn, được gói trong lớp lá dong vuông vức là món quà vặt quen thuộc của tôi. Còn nhớ ngày nhỏ, mỗi khi thấy mẹ đi chợ về, tôi vui mừng hỏi lớn: "Mẹ đi chợ có mua bánh bèo cho con không?". Mẹ tôi mỉm cười, mở chiếc làn nhựa ra, bên trong khi thì có bắp ngô, chùm ổi, khi thì túi chè thập cẩm, gói kẹo... nhưng không bao giờ thiếu chục chiếc bánh bèo. Thuở ấy, có được chút quà chợ của mẹ là cả một niềm hạnh phúc. Đằng sau những món quà vặt dân dã là tình cảm yêu thương, sự quan tâm của đấng sinh thành.

Dù bắp ngô mẹ mua có thơm, ngon; chè thập cẩm có mát lạnh đến thế nào thì với tôi, vị của bánh bèo vẫn lôi cuốn hơn cả. Bánh bèo mềm dai vừa phải, ngậy ngậy mỡ hành, tan chảy nhẹ nhàng trong miệng khiến tôi phải ăn dè vì sợ... nhanh hết. Khi ăn, tôi có thói quen cắt nhỏ bánh, chấm với giấm ớt hoặc tương ớt.

Sức hấp dẫn của nhân bánh cùng với chút cay nồng, tê tê nơi đầu lưỡi tạo nên một cảm giác khó quên. Trong khoảng thời gian học tập tại Hà Nội, tôi có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn, đồ uống hấp dẫn nhưng tâm trí vẫn chỉ hướng về chiếc bánh bèo quê nhà.

Bánh bèo – thức quà dân dã mang hương vị đồng quê đã gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi. Không thịt tôm cầu kỳ như những nơi khác, bánh bèo đất Chủ mộc mạc, giản đơn như chính con người nơi đây.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem