Kể chuyện làng: Nhớ những mùa mót nhãn

Vũ Lân Thứ bảy, ngày 24/07/2021 06:31 AM (GMT+7)
Mót nhãn! Cái từ nghe vừa quen, vừa lạ. Hồi còn nhỏ ở quê chúng tôi, hễ có vụ thu hoạch cái gì là hình thành ngay "cái nghề" ăn theo mùa thu hoạch đó.
Bình luận 0

Nhãn Hưng Yên quê tôi bây giờ không phải dùng ngựa chạy suốt ngày đêm để kịp vào tiến Vua ở kinh thành Huế như thời trước. Hiện tại, nhờ có sự hỗ trợ từ sàn thương mại điện tử, bằng đủ các phương tiện, kể cả máy bay chở nhãn đi khắp nơi trên đất nước và nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, nhiều người con đất Hưng Yên nói rằng, bây giờ không gọi "nhãn lồng" nữa mà phải gọi là "nhãn bay".

Năm ngoái, tôi từ Hà Nội về quê đúng vào dịp nhãn chín rộ. Dọc đường từ huyện Văn Giang về đến Phù Cừ, quê tôi, bạt ngàn "trên trời dưới nhãn" đã đến kỳ thu hoạch. Nghe tin có cơn bão số 4 sắp đổ bộ vào vùng đồng bằng Bắc bộ, cho nên nhà nào, nhà nấy vội vàng thu hoạch những cây nhãn đã vào "nước ba", thậm chí cả "nước hai" với ý nghĩ "xanh nhà hơn già đồng". Nhìn thấy mấy cây nhãn cổ cao vút, trĩu quả của nhà hàng xóm, hình như đã quá lứa, nhiều quả nứt toác, mà không thu hoạch, tôi hỏi:

- Sao nhà bác không hái mấy cây nhãn kia đi? Để phí thế.

Chủ nhà hất hàm chỉ lên mấy cây nhãn cổ cao vút:

- Biếu không bác đấy. Nếu bác thu hoạch giúp, em còn bồi dưỡng thêm cho bác mỗi ngày 200 nghìn nữa là khác. Bây giờ không như cái hồi anh em mình phải đi mót từng quả nhãn nữa đâu.

Kể chuyện làng: Nhớ những mùa mót nhãn - Ảnh 1.

Quả nhãn. (Ảnh: NVCC)

Mùa thu hoạch khoai, thu hoạch lạc thì chúng tôi đi mót khoai, mót lạc. Mùa thu hoạch lúc thì có "đội quân" đi mót lúa. Còn về cuối năm, người ta tát đầm, tát ao để bắt cá, vệ sinh ao, đầm thì cũng có những người "ăn theo", nhưng không gọi là đi mót mà là đi "hôi cá". Đội quân này khá đông đảo, đủ các lứa tuổi: già, trẻ, gái, trai... Riêng "đội quân" đi mót nhãn được chọn lọc một cách tự nhiên rất kỹ, không phải ai cũng có thể tham gia "đội quân" này được.

Hồi trước không có các giống nhãn mới như bây giờ mà giống nhãn cũ khi có quả, muốn thu hoạch là phải trèo lên cao, dùng cù lèo kéo chùm xuống mới hái được. Cây nhãn càng lâu năm, càng nhiều quả và tán lá càng cao, thu hoạch càng khó. Các cụ ta có câu: "Nhãn cành sa, na cành vượt", nghĩa là nhãn ở càng ở cành sa thì ngon, được nước, còn những quả na phải mọc ở trên cành vượt mới ngon. 

Chính vì thế, nhiều chùm nhãn ở cành vượt, vừa khó trèo, vừa khô nước, nên chủ nhà thường bỏ qua. Muốn hái được quả ở những cây nhãn như thế phải là người có sức khỏe, biết trèo giỏi, khéo léo, lại cần nhẹ cân, vì cành nhãn lại giòn dễ gãy, không khéo rất dễ bị ngã. Chính vì thế, nhiều gia đình chỉ chỉ có thể dùng sào dài bẻ xoắn các cành nhãn to ở gần, những chùm quả vãi chài hoặc ở xa thì đành chịu bỏ đấy cho rụng xuống gốc hoặc mặc cho chuột, cho dơi xơi dần.

Kể chuyện làng: Nhớ những mùa mót nhãn - Ảnh 2.

Vườn nhãn. (Ảnh: NVCC)

Đội quân mót nhãn chúng tôi thời đó hóa ra lại "đắt khách" và có tác dụng khi mùa thu hoạch nhãn đến. Chúng tôi là những đứa trẻ con thường trên 10 tuổi, trèo giỏi, nhanh nhẹn và gan dạ, không sợ độ cao. Vì mùa thu hoạch nhãn hồi trước trùng với mùa nghỉ hè nên chúng tôi đi mót nhãn từ sáng đến tối. Chừng dăm, bảy đứa đi dạo quanh các ngõ xóm, thấy nhà ai có cây nhãn cao đã thu hoạch nhưng còn sót nhiều quả, chúng tôi xin phép chủ nhà vào trèo lên mót lại. 

Những chủ nhà có các cây nhãn như thế lại khuyến khích chúng tôi vào mót và yêu cầu bẻ đau những cành có chùm nhãn. Có như thế đến mùa xuân năm sau, các cành này mới "tức" mà đâm chồi, phát lộc nhiều hơn. Vả lại, lũ chúng tôi cũng "ra điều kiện" cho mọi thành viên trong "hội mót nhãn" là chỉ được mót ở những gia đình có cây nhãn đã thu hoạch được sự đồng ý của chủ nhà chứ tuyệt nhiên không được tự tiện vượt hàng rào trèo vào hái trộm. 

Bởi vì trèo lên cao, nếu đang hái mà bị người ta phát hiện xua đuổi, cuống lên rất dễ bị ngã và tai nạn xảy ra. Mấy đứa trong "hội mót nhãn" chúng tôi thì chưa đứa nào bị ngã đau, nhưng sau mùa nhãn, chân tay đứa nào cũng sứt sẹo, da dẻ sần sùi, đen trũi, tóc đỏ quạch, xơ xác... Nhiều đứa còn bị ong vàng, ong muỗi trên cây nhãn đốt, rồi bọ xít đái vào mắt, vào tay xưng tấy phải vài ngày mới khỏi. 

Kể chuyện làng: Nhớ những mùa mót nhãn - Ảnh 3.

Mót nhãn. (Ảnh: NVCC)

Nhãn mót được chúng tôi chia đều nhau mang về nhà, cũng có nhiều đứa để lại cho chủ nhà những chùm ngon hay đem cho những đứa trẻ con nhà không có nhãn. Nhãn còn lại sẽ đem bán cho cụ bán nước ở đầu làng hoặc cho những người mua buôn vãng lai hay khách qua đường. Tiền bán nhãn mót được, chúng tôi gây quỹ để đầu năm học mới mua giấy, bút, đồ dùng học tập.

Mấy năm đầu, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ đi mót nhãn. Sau đó nhiều người thấy chúng tôi ngoan ngoãn, làm được việc liền thuê chúng tôi thu hoạch nhãn rồi trả công bằng sản phẩm. Tôi nhớ không rõ lắm, nhưng hình như chúng tôi được trả công bằng 5% tổng số cân nhãn thu hoạch đươc. Nếu cứ hái được một tạ nhãn thì chúng tôi được trả công bằng 5 cân. Số nhãn đó có thể bán luôn cho chủ nhà, hoặc nhờ bố, mẹ, anh, chị ra chợ bán hộ. 

Nhờ công việc mới này, quỹ của chúng tôi có một khoản kha khá, có khi đầu năm học còn đủ tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập, thậm chí một số năm, chúng tôi còn sắm cho mỗi thành viên trong hội một bộ đồng phục cho năm học mới. Mặc bộ quần áo này vào, chúng tôi vừa sung sướng, vừa tự hào, có đứa còn "vênh mặt" ra vẻ rằng nó đã làm được việc tốt trong mùa hè. Điều đặc biệt là, chủ nhà nào thuê chúng tôi thu hoạch hoặc mót nhãn thì cây nào, cây nấy đều sang năm sau đâm nhiều chồi, nhiều lộc, sai hoa, nhiều quả, nếu mưa thuận, gió hòa.

"Đội quân mót nhãn" của chúng tôi hồi trước, giờ đây tản mát mỗi người một nơi, có những người đã hy sinh ngoài chiến trường chống giặc, có người tha phương cầu thực, ít có dịp về quê, những người còn thì đã trở thành "lớp người xưa nay hiếm". Thỉnh thoảng, vào dịp mùa nhãn chín, những người còn lại trong "hội mót nhãn" chúng tôi lại lên Thành phố Hưng Yên, đi dọc theo phố Hiến, vào chùa Hiến thắp hương rồi ra tụ tập đưới tán cây nhãn Tổ, không phải để mót nhãn mà để "ôn cố tri tân", xin nhà chùa mỗi người ăn một quả nhãn tiến Vua. 

Nhãn Hưng Yên bây giờ vừa nhiều lại vì có giống mới, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP cây thấp, quả sai, mã đẹp, bảo đảm an toàn thực phẩm. Và các cơ quan, đoàn thể ở Hưng Yên không phải cứ mỗi mùa nhãn đầu mùa lại phải lễ mễ mang nhãn lên biếu các cơ quan ở trung ương nữa. Cứ đến mùa nhãn, tuy chả ăn được mấy, nhưng cư thấy vui vui, rộn ràng khi nghĩ lại những mùa mót nhãn.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem