Trần Văn Toản
Thứ bảy, ngày 12/09/2020 08:10 AM (GMT+7)
Đầu thu, làng vào mùa gặt, khắp các con đường, ngõ xóm chỗ nào cũng quyện thơm mùi rơm rạ. Tôi lớn lên giữa hương đồng gió nội, ngan ngát mùi thơm lúa mới...
Nhà tôi ở đầu xóm Đông An, làng Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), phía trước là những thửa ruộng. Thuộc vùng thấp trũng, làng quê tôi hay bị ngập lụt, chỉ sau hai, ba trận mưa dài. Nghèo nhưng vui lắm. Người nông dân một nắng hai sương chân chất, bình dị nhưng sống ân tình. Vào mùa gặt, trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng vẫn luôn đon đả, tươi cười. Lúa gặt về, gặp nắng, chỉ phơi một ngày là khén (nghĩa là khô) và cho vào bao đem cất. Gặp nhau hỏi í ới, lúa khén chưa o, gặt xong chưa chú...Hạt lúa phơi ở trong sân, thân cây lúa phơi trên những thửa ruộng vừa gặt, ngoài cồn cỏ hoặc giữa đường làng. Nắng to, phơi kịp thời, từ thân cây lúa tươi đã truốt hạt chuyển sang màu vàng ươm được gọi là rơm. Rơm phơi khô rồi được chất thành đống, thành đụn. Đụn rơm là cách gọi của người dân quê tôi khi rơm được chất thành một đống cao, to quanh một cái cộc tre cao nằm ở giữa... Hai, ba người đứng dưới dùng mỏ xảy đưa rơm lên trên, người đứng trên dùng hai tay ôm rơm và rải xung quanh thành vòng tròn, hình trụ. Nhà nào làm ruộng càng nhiều, đụn rơm càng to. Đụn rơm nhà tôi nằm ở gần bụi tre bên góc đường nên bà con trong xóm ai đi qua cũng có lời hỏi, người thì khen chà, đụn rơm bác Hạ to hè, người thì hỏi chuyện, xây rơm rồi hả chú...Ở quê tôi đã trở thành lệ, khi nào rơm lên đụn cũng có nghĩa là coi như mùa màng kết thúc. Đụn rơm đó được dùng cả năm. Rơm dùng làm chất đốt để nấu cơm, nấu nước, kho thức ăn, nấu cám lợn. Rút rơm ( lấy rơm từ đụn rơm) để cho trâu ăn vào mùa mưa rét; rút rơm đốt lửa sưởi ấm; rút rơm lót dưới chiếu để nằm cho ấm vì chăn không đủ đắp...
Nhớ ngày đầu đến lớp, mạ dẫn tôi đi trên con đường đầy rơm rạ qua xóm Đình. Đi giữa đường làng tôi nghe mùi rơm xốc vào mũi ngai ngái mà dễ chịu, thân thương. Rơm như níu giữ, quấn quýt bước chân người. Mùi rơm, mùi thơm nồi cơm gạo mới nhà ai đang nấu, mùi cỏ dại ven bờ ruộng vừa gặt, mùi tro từ rơm vừa khô...hòa quyện nhau theo gió thoang thoảng trở thành mùi vị riêng của quê tôi mỗi khi vào vụ. Cái mùi ấy ngan ngát trong lồng ngực không dễ quên của biết bao người con lớn lên từ đất quê, từ ruộng làng dù có đi xa. Lang thang trên cánh đồng vừa gặt, lũ trẻ chúng tôi đi mót lúa, chăn trâu, thả diều và bắt cá. Thả đôi chân trần, cái đầu khét nắng tha hồ hò hét, chạy nhảy. Mỗi chiều đi học về, tôi cùng thằng Cún, thằng Nận, thằng Tấn, con Xạ chơi trò rượt bắt, trốn tìm. Có đứa chạy xộc vào giữa đống rơm trước sân, phơi ven đường để nấp. Nhớ có lần thằng Nận kéo rơm phủ dày lên người, cả bọn chạy tìm chợt mặt vẫn không phát hiện. Thấm mệt, con Xạ kêu to thôi không chơi nữa, Nận ơi, mi mô rồi, ra đi, đừng trốn nữa..., lúc đó thằng Nận mới vén rơm mà chạy ào ra, rơm vương lên tóc, lên áo.
Tôi lớn lên giữa mùi rơm rạ, đám bạn tôi ngày đó mỗi đứa một nơi. Thằng Tấn vào thành phố nhiều hoa lập nghiệp, con Xạ lấy chồng tận Hà Nam, học xong Đại học tôi ở lại thành phố làm việc. Lâu lâu, lật giở mấy tấm ảnh đen trắng thời còn đi học ở quê ra xem, kỉ niệm xưa hiện về. Bỗng dưng thấy nhớ cọng rơm vàng phơi trên sân. Chao ôi, cái mùi lúa mới, mùi rơm rạ hăng nồng khó tả. Cái mùi răng mà dễ chịu, vừa dìu dịu, vừa ngọt ngào, vừa khai khai. Đó là sự hòa trộn của mùi nắng nóng hừng hực, mùi mồ hôi của người nông dân vào vụ gặt, mùi ngai ngái của cỏ dại, của rơm khô. Giữa lòng phố xá đông người, giữa bộn bề công việc, giữa mùi xăng xe cộ...tôi bỗng thèm tìm về khoảng trời bình yên thời tóc còn để chỏm mà hít thở mùi thơm rơm rạ, được nhảy lên đống rơm để lăn từ trên xuống cho thỏa thích trong tiếng cười giòn tan trong nắng, được cùng mạ phơi rơm sau giờ tan học. Chỉ nghĩ thế thôi mà đã thấy thèm, nôn naovà cay cay nơi khóe mắt.
Tôi trở về thăm quê đúng vào mùa gặt lúa. Đi giữa đường làng, không còn thấy cảnh người dân quê tôi gánh hai bó lúa trên vai bước đi thoăn thoắt nữa. Trên cánh đồng, nhiều chiếc máy liên hợp đang gặt lúa. Người nông dân chỉ việc đặt bao hứng lúa rồi đặt lên xe máy hay xe tải chở hạt lúa về sân phơi. Trên đường thôn, ngõ xóm, không còn những cọng rơm vàng đem phơi nắng. Ở nông thôn bây giờ rất ít nhà dùng rơm rạ làm chất đốt hằng ngày. Bếp lửa rơm được thay bằng bếpgas, bếp than...Đi giữa làng quê vào mùa lúa mới, nghe lòng nao nao, bỗng thấy thèm được hít thở thật sâumùi thơm rơm rạ ấm áp năm nào, thèm nhìn khói bếp lam chiều đượm mùi rơm mới...
Về lại phố thị, nhớ thời rơm rạ, nhớ về những hạt lúa ong ong chín vàng thấm đẫm bao giọt mồ hôi càng nghe lòng rưng rưng. Thương nhớ làng quê, ôi mùi rơm rạ!
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.