Kể chuyện làng: Những quả vải sâu đầu

Minh Yến Thứ bảy, ngày 11/06/2022 06:32 AM (GMT+7)
Mỗi mùa vải chín, thứ làm tôi nhớ nhất, không phải là vị vải ngon nơi đầu lưỡi mà là cái mùi mồ hôi nồng nồng, trộn lẫn mùi cháy khét của tóc, mùi nhựa cây tươi lẫn trong mùi ngọt của những trái vải sâu đầu được tiện tay bóc ăn trong lúc bó vải…
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Những quả vải sâu đầu - Ảnh 1.

Vải hoa là những trái vải vừa độ chín, căng tròn và mọng quả. Ảnh: Hồng Vân

Sáng mùng 1, ra chợ cóc góc phố của khu đô thị, chợt thấy cái xe thồ chở đầy vải sớm. Thứ vải quả to, quê tôi hay gọi là vải Tu Hú, mã đẹp và hơi chua. Chị bán hàng niềm nở: "Mua vải thắp hương đi em. Vải đầu mùa đấy!". Chạm tay vào một quả vải đỏ au, tôi buột miệng: "Chùm này vải hoa nhiều nhỉ!". Chị bán vải có vẻ không hiểu lắm lời tôi nói. "À không, em quen miệng, ý em là quả vải đẹp ạ!".

"Vải hoa" là cách gọi của ông nội tôi khi chỉ cho chúng tôi cách chọn những quả vải chín căng, mã đẹp, tròn trịa nhất. Đó là những quả vải vừa độ chín, các mắt vỏ nở hồng như những bông hoa, dáng quả đẹp và chắc chắn không bị sâu đầu. Ông tôi bảo đó là vải loại 1, loại mà người ta thu mua với giá cao nhất. Tôi nhớ những năm 1997, giá bán vải hoa lại 1 nhà tôi tại gốc đã từ 11.500 đến 12.000 đồng. Nhà gần trăm cây vải, mỗi vụ vải ông tôi thu cũng vài cây vàng (khi ấy, giá vàng ổn định mức 500.000 đồng/chỉ vàng).

Nhà nội tôi quê gốc Thanh Hà, từ thời cụ nội thì chuyển đến sinh sống tại Chí Linh (Hải Dương) – hai cái nôi của vải thiều xứ Đông. Không có trang trại lớn nhưng ông bà nội tôi cũng có một vườn vải gần trăm cây trên khu đồi sau nhà. Cùng với cấy lúa, trồng màu, vườn vải là một trong những nguồn thu nhập của gia đình.

Mang tiếng sinh ra ở quê vải nhưng ngẫm lại, có khi phải đến lúc rời quê đi lập nghiệp, tôi mới được ăn một trái vải hoa. Bởi những năm đó, vải có giá lắm. Vải hoa thì càng có giá. Tất cả những quả vải hoa, đều được ông bà và các cô chú tôi chọn lựa kỹ, cắt bó gọn gàng để riêng để bán giá đầu. Các loạt sau, tùy vào chất lượng mà chia thành từng loại 2, loại 3 khác nhau. Có nhiều khi, người ta mua xô cả cây, vào vườn, thấy cây vải quả nào quả đất mã hoa, mắt lấp lánh. Lúc ấy, có khi ông bà tôi cũng có chút tiếc nuối.

Người nhà trồng vải như chúng tôi, chủ yếu ăn quả vải bị sâu đầu, mã xấu, chất lượng thấp, thậm chí là vải mót (những quả vải còn sót lại trên cây sau thu hoạch), vải kẹ (những quả vải bé, mọc kẹ quả đẹp hoặc quả mã xấu trong cả chùm vải bị loại ra).

Lũ trẻ chúng tôi, khi người mua đã khệ nệ khiêng từng sọt vải đi hết, mới trèo từng cây vải, để tìm kiếm những chùm quả bị khuất lấp sau chùm lá mà người hái đã bỏ quên. Tôi vẫn còn nhớ như in, cái cảm giác sướng đến tê người, khi chợt nhìn thấy 1 chùm vài quả vải hoa căng mọng ngất nghểu trên đỉnh cây. Lũ chúng tôi reo lên như bắt được vàng. Cái niềm hạnh phúc ngày thơ bé, giản dị thật! Cũng có năm, ông tôi hào phóng để lại nguyên 1 cây vải, nhưng như cái nếp của người quê tôi, những chùm quả to, ngon nhất được đem biếu tặng, thắp hương tổ tiên hoặc gửi cho con cháu ở xa.

Kể chuyện làng: Những quả vải sâu đầu - Ảnh 2.

Ông nội tôi trong phút thư thái trước hiên nhà. Ảnh: Trung Hiếu

Ông bà, cô chú tôi… cũng vẫn ăn những quả vải sâu đầu.

Vài năm sau đó, khi tôi vào đại học, giá vải xuống đáy. Ông tôi nói, vì nhà nhà trồng vải, người người trồng vải nên đến mùa, nhà nào cũng đầy sân vải. Nhiều nhà ở quê tôi xây lò sấy vải. Đến mùa, cái mùi vải ngọt khét bay khắp xóm. Nhưng không ăn thua, giá vải vẫn chỉ còn 3.000 đồng, rồi thậm chí có lúc 2.000 đồng, 1.000 đồng/cân…

Ông tôi đành bỏ vườn!

Sau này, nhiều người hỏi tôi, sao nhà có cả gần trăm cây vải thế lại bỏ, "phí của giời".

"Của giời" thật nhưng công của người. Ai đã từng thu hoạch vải, có lẽ cũng mới hiểu hết nhẽ đó. Vải thu hoạch dồn dập, thường chỉ trong 1-2 ngày và đó thường là những ngày hè nóng nhất. Vải ưa nắng trồng chủ yếu trên đồi. Lá vải rậm rạp và khía sắc. Vặt xong 1 cây vải, mồ hôi ai cũng nhễ nhại. Đó là chưa kể bị bọ xít đái vào tay, vào mặt, thậm chí vào mắt. Bọ xít đái đến đâu, da cháy xót đến đó. Cũng chính vì thế, công thu hái vải rất cao. Ngay cả khi vải quả bán xuống còn 1.500 đồng một cân thì công hái vải cũng vẫn không thể thấp hơn 200.000 đồng/buổi. Và cũng không ai nỡ trả thấp hơn…

Cũng chính vì thế, mỗi mùa vải chín, thứ làm tôi nhớ nhất, không phải là vị vải ngon nơi đầu lưỡi mà là mùi mồ hôi nồng nồng, trộn lẫn mùi cháy khét của tóc, mùi của nhựa cây tươi bị tứa, của lá dập lẫn trong mùi ngọt của những trái vải sâu đầu được tiện tay bóc ăn trong lúc bó thành từng chùm. Đó là thứ mùi đặc trưng của xứ vải quê tôi, không lẫn vào đâu được.

Tiền bán vải không đủ trả tiền công hái vải, chứ chưa nói công chăm sóc nên ông bà tôi đành bỏ vườn vải. Bỏ vườn vải không phải là chặt cây, phá gốc mà giống vải nếu một năm không rẫy cỏ gốc, sẽ chẳng còn ra quả mùa sau nữa. Những cây vải không quả, trở thành ô che nắng cho đỗ, lạc, vừng mà bà tôi trồng xen trong vườn thôi. Thỉnh thoảng cũng có năm như sực nhớ, có cây ra vài chùm quả lưa thưa…

Những đêm nằm lều trông vải, những buổi trưa nóng rát nhìn ông bà, cô chú nhặt lá bó vải dưới gốc cây… không còn nữa. Mọi thứ chỉ còn trong ký ức, một ký ức cứ nhạt nhòa và mờ dần theo sự lớn lên của tuổi tác, rồi sự lần lượt ra đi của ông bà tôi.

Bố mẹ tôi thoát ly nên không theo ông bà cấy lúa và trồng vải. Ông bà tôi già yếu rồi mất, vườn vải kể từ đó cũng không người chăm. Nhưng như nếp quê, nhà cô bác, chú thím tôi, ai cũng có một vài cây vải. Từ thời học đại học, mùa nào tôi cũng được "phần" 1 cây vải để đem tặng bạn bè và các anh chị đồng nghiệp. Vải gửi biếu là vải ngon, chùm nào cũng đầy quả đẫy mã, trổ hoa. Theo thói quen, tôi vẫn ngắm những quả vải hoa như cách ông tôi hướng dẫn nhưng luôn vô tình chọn quả sâu đầu, xấu mã để ăn.

Bất giác tôi chợt nghĩ về những điều chúng ta đang gọi là truyền thống quê hương. Liệu thói quen vô thức đó của tôi có là sự thừa hưởng của một truyền thống của những người quê vải? Có lẽ ông bà tôi, đến khi khuất bóng sau những đồi vải xiên nắng chiều, vẫn chưa thực sự được thưởng thức một cách thỏa thuê, không tiếc nuối một quả vải hoa. Cũng giống như người quê ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ này, "miếng ngon để tặng cho người" hay "nhịn miệng đãi khách" trở thành một việc đương nhiên.

Vải có quả chua, quả ngọt, mùa xấu mã, mùa tốt tươi. Đời vải cũng thăng trầm ngọt đắng như đời người. Tôi nhớ mãi dáng ông tôi buổi chiều trầm ngâm trước những cây vải già không còn ra trái. Cả một đời ông tôi thăng trầm mất mát, từ một cậu chăn trâu làm thuê cho nhà địa chủ, khoai sắn còn bữa đói bữa no, đến khi thành gia lập thất, vĩnh viễn mất người con trai đầu tiên cho đất nước, chai và những vết sẹo trên tay ông cứ dày lên, lớp sau trùm lên lớp trước, nhưng có lẽ phút giây trầm ngâm ấy, là một trong những lần hiếm hoi, tôi thấy ông mình quệt tay lau "bụi" mắt.

Và chỉ một lần đó thôi, ông tôi là người buông bỏ rất nhẹ nhàng…

Tôi chưa khi nào nhận mình ở đất vải thiều, bởi thứ vải tôi được thử từ những ngày thơ bé là những quả vải chua. Tôi ở xứ vải chua, chua từ cái giọng lảnh lót đến cả những khi choe choét bỡn cợt, đành hanh với người khác. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng, đất vải và những người trồng ra những quả vải hoa đẹp đẽ như ông bà, cô bác, chú thím tôi… vẫn lặng lẽ cho tôi một chút ngọt ngào lắng đọng, trong chính trái tim mình. Đó là quả vải ngon nhất trong lòng tôi!

Mùa vải năm 2022, nhớ ông nội!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem