Kể chuyện làng: "Ông Tổ nghề bất đắc dĩ"

Nguyễn Văn Công Thứ tư, ngày 20/01/2021 07:00 AM (GMT+7)
Ông tôi sinh năm 1894. Ngay từ nhỏ đã theo hai cụ thân sinh sang làm thuê cho lò gốm Phạm Văn Tám bên Bát Tràng. Vốn có tài thiên bẩm làm gốm, năm 13 tuổi, ông đã thành thạo nghề gốm và bắt đầu sáng tác gốm, tên tuổi bắt đầu được nhắc đến khắp làng Bát Tràng như một thần đồng.
Bình luận 0

Đời ông tôi!

Kể chuyện làng: "Ông Tổ nghề bất đắc dĩ" - Ảnh 1.

Chùa Triều Đông là công trình do ông tôi thiết kế để tri ân quê hương.

Có không ít người nhầm rằng, Triều Đông chúng tôi có nghề làm gốm, sứ. Bởi lẽ, ngay từ trước năm 1945 đã có những đồn đại về một nghệ nhân làng tôi làm gốm nổi danh được vua Bảo Đại gắn Mề đay, được Pháp tặng Kim khánh, hàm Cửu phẩm bá hộ (hàm phong cho lý dịch và thợ thủ công lành nghề không có bằng cấp). Đó không ai khác chính là ông ngoại tôi, cụ Đào Văn Can.

Tôi là người ngoại đạo. Tôi ghi chép lại lời kể của ông Nguyễn Đình Sâm – cháu ngoại của "ông tổ nghề đạp bát" Đào Văn Can (xã Tân Minh, huyện Thường Tín – Hà Nội).

Ông tôi sinh năm 1894. Ngay từ nhỏ đã theo hai cụ thân sinh sang làm thuê cho lò gốm Phạm Văn Tám bên Bát Tràng. Vốn có tài thiên bẩm làm gốm, năm 13 tuổi, ông đã thành thạo nghề gốm và bắt đầu sáng tác gốm, tên tuổi bắt đầu được nhắc đến khắp làng Bát Tràng như một thần đồng. Bước qua tuổi đôi mươi, ông tôi chuyển qua làm tại lò ông Thiếu Hà Đông của cha con Tổng đốc Hoàng Trọng Phu – Nguyễn Bá Chính (con rể). Tại đây, ông đã tiếp cận chuẩn mực của gốm cổ, phát triển kỹ thuật làm gốm, khắc họa tiết lên bảng đồng, làm bản in, dán vào sản phẩm để hạ giá thành.

Kể chuyện làng: "Ông Tổ nghề bất đắc dĩ" - Ảnh 2.

Nhà thờ Đào Văn Can là nơi lưu trữ nhiều tư liệu quý về cuộc đời ông tôi.

Năm 1938, ông tôi mở lò gốm riêng ở Làng Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), từ thời gian này, ông bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm gốm để đời như: Tượng Kim Đồng, tượng Ẵm em xem sách, tượng Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (giải Nhì triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960), tượng Trần Phú, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay thu nhỏ để Bác Hồ làm quà tặng Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru trong chuyến thăm năm 1964 … và nhiều tượng cho các công trình tôn giáo khác.

Sau nhiều năm bôn ba, năm 1960, ông tôi về làm việc tại Trường Bách nghệ Hà Nội nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tuy không có nhiều thời gian thơ ấu ở quê hương Triều Đông nhưng đi đến đâu ông tôi cũng luôn tự hào giới thiệu mình là người con Triều Đông.

Ông tôi từng về quê để khảo sát chất đất với mong muốn tạo nghề gốm cho dân làng, nhưng tiếc thay nghề gốm rất kén đất, không phải đâu cũng được như đất Bát Tràng, Phù Lãng hay Chu Đậu. Triều Đông là quê chiêm trũng, thế đất yếu, hiếm đất sét để phát triển nghề làm gốm là rất khó khăn, hơn nữa để đầu tư tiền xây dựng lò nung cũng là một vấn đề lớn đối với người dân quanh năm hai vụ lúa như làng tôi.

Hai công trình tôn giáo mà ông tôi để lại nhiều dấu ấn nhất là chùa Hưng Ký (quận Hai Bà Trưng) xây dựng năm 1940 và chùa Triều Đông quê tôi xây dựng năm 1942 – 1943. Điều đặc sắc là cả hai chùa đều được xây dựng kết hợp với rất nhiều sứ, dùng sứ để tạo tượng và trang trí khắp nơi thay cho gỗ.

Kể chuyện làng: "Ông Tổ nghề bất đắc dĩ" - Ảnh 3.

Di ảnh ông tôi trong nhà thờ.

Giầu lên từ làng nghề không tên

Năm 1970, ông tôi chính thức về hưu và sống hẳn ở làng Triều Đông, nơi mà ông không được gắn bó nhiều thời thơ ấu – niên thiếu. Số ông lận đận đường con cái, lấy ba vợ nhưng chỉ có mỗi một con gái là mẹ tôi, mẹ tôi là con người vợ thứ ba, hai bà trên đều không có con. Tuổi đã cao, nhưng sáng nào ông cũng dậy sớm, ra đồng xem nhà ai có việc gì không thì giúp. Tay ông lúc nào cũng có đất, vê vê bất cứ lúc nào, cho dù là đang làm việc khác hay nói chuyện, sau lưng thường có một cái gùi để mang đất về nhà. Ông bảo tôi rằng, đó là lúc ông sáng tác gốm, trong đầu nghĩ gì là phải nặn ngay nếu không sẽ quên, rồi sau về nhà sẽ nặn lại cho hoàn chỉnh. Ông tôi chọn một góc trên hè nhà, bày các vật liệu để nặn gốm lên bàn, nặn mọi thứ mình nghĩ ra và chẳng lúc nào ngơi nghỉ.

Kể chuyện làng: "Ông Tổ nghề bất đắc dĩ" - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đình Sâm bên bức tượng phiên bản Ăn quả nhớ kẻ trồng cây trong nhà thờ.

Biết ông tuổi cao vẫn làm việc hăng say và truyền dạy kỹ thuật cho ai đam mê làm gốm, chủ hộ kinh doanh, người trẻ mới vào nghề ở Bát Tràng sang nhà ông liên tục, hết tốp này đến tốp khác. Kể cả sau này khi ông tôi đã mất, cứ đúng ngày giỗ là các đoàn lại nườm nượp về dâng lễ, thắp hương.

Nhiều người dân làng tôi với khát vọng kinh doanh, đã kết nối với các chủ lò Bát Tràng, nhập hàng về và đi bán khắp miền xuôi, miền ngược chủ yếu là bát ăn cơm. Thu được lợi nhuận, người bảo người, rồi cả làng theo nghề đi buôn bát. Lúc ông tôi còn sống, thương nghiệp chưa phát triển, chỉ có buôn bán nhỏ lẻ, quanh làng, xã, nhưng đó chính là tiền đề để sau này khi đổi mới mở cửa, kinh tế thị trường nở rộ, người dân làng tôi nô nức đi buôn – mà chẳng buôn gì cao sang, cứ buôn bát có sẵn danh cụ Can là đủ ăn.

Buôn bát thì phải có rơm. Rơm để lót bát nếu không đi sóc sẽ sứt, vỡ hết, vì thế mà rơm làng tôi lúc ấy khá khan hiếm, thậm chí phải đi mua rơm ở làng bên cạnh để lót. Làng từ thuần nông bỗng dưng trở thành làng "buôn bát", còn với ai không biết họ tưởng chúng tôi là dân Bát Tràng, hoặc chí ít cũng là làng nghề làm gốm Triều Đông. Kể ra đàn ông quê tôi khỏe, xe thồ bát phải trên ba tạ mà ai cũng đạp phăng phăng, rất cân xe mà chẳng bao giờ bị đổ. Trời nắng, họ quấn thêm chiếc khăn mặt lên đầu, đội mũ cối rồi rải mồ hôi theo từng vòng đạp xe. Đoạn leo dốc thì không khác vận động viên đạp xe Tuor de France, một mạch lên thẳng. Cứ mỗi lần "thắng trận" trở về, nhiều người lại ghé thắp cho ông tôi nén nhang để tưởng nhớ cụ "tổ nghề". Nói vui vậy chứ Triều Đông là làng nghề không tên vậy thôi, nghề buôn thì ở đâu cũng có, chỉ có điều lạ ở quê tôi họ đồng lòng rủ nhau đi, ước tính lúc cao điểm (khoảng cuối những năm 80) có đến gần 200 hộ đi buôn bát khắp tứ xứ.

Kể chuyện làng: "Ông Tổ nghề bất đắc dĩ" - Ảnh 5.

Tượng anh hùng Kim Đồng phiên bản được bày trong nhà thờ.

Nhờ nghề bát mà dân làng tôi giầu lên trông thấy, đường sá, nhà cửa như mặc thêm lớp áo mới, nhiều nhà xuất hiện xe máy, ô tô và mở rộng buôn bán rộng rãi hơn. Người dân trong huyện kháo nhau rằng làng Triều Đông giàu nhất huyện, họ kiếm đâu nghề buôn bát mà giỏi thế. Ừ thì, nghề buôn ai chẳng biết, buôn Bát Tràng chứ đâu! Có lẽ làng tôi có cái duyên với nghề nên mới nhanh chóng giầu lên như vậy. Họ quen gọi làng tôi là làng "đạp bát", chỉ cần nhìn thấy người đạp xe thồ bát thì chắc chắn là dân Triều Đông.

Năm 1976, ông ngoại tôi qua đời ở tuổi 83, trở thành người thiên cổ. Trước đó, ông tôi được Bộ Văn hóa trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Bàn tay vàng năm 1974. Để tưởng nhớ ông, con cháu trong họ và nhân dân địa phương đã sửa sang nhà cũ của ông thành nhà thờ Đào Văn Can. Các tài liệu, hình ảnh, kỷ vật của ông đều được lưu trữ, bảo quản cẩn thận trong nhà thờ, đặc biệt là phiên bản composite hai bức tượng Ăn quả nhớ kẻ trồng cây và tượng anh hùng Kim Đồng được các cơ quan chức năng kính tặng (bản gốc tượng Ăn quả nhớ kẻ trồng cây hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tượng Kim Đồng gốc hiện trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam). Nhà thờ ông tôi cũng đã được thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 2004, coi đây vừa là điểm tham quan, điểm học tập của dân mỹ thuật cũng như nơi tưởng nhớ đến nghệ nhân gốm Đào Văn Can.

Kể chuyện làng: "Ông Tổ nghề bất đắc dĩ" - Ảnh 6.

Ông tôi cùng nhà văn Vũ Ngọc Phan, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung xem tác phẩm tranh dân gian tại Triều Đông năm 1974.

Mỗi năm đến dịp giỗ ông (29/1 âm lịch), khách thập phương lại trở về dâng hương và tưởng nhớ đến ông, còn đối với dân Triều Đông, tuy không chính thức là một làng nghề, ông cũng không phải là người truyền nghề buôn bát cho dân làng, nhưng trong lòng mọi người ai cũng hiểu rằng, nhờ tên tuổi và uy tín của ông họ mới có nghề buôn bát cho đến ngày nay.

Làng tôi bây giờ họ vẫn buôn bát, gốm sứ rất nhiều. Có điều, họ không còn đi xe thồ nữa, cũng không bán ở khu vực miền Bắc. Họ dịch chuyển nhiều vào trong miền Nam, hàng hóa chuyển bằng ô tô, đường sắt, đường thủy, nói chung họ rất năng động với thị trường và tìm mọi cách để làm giầu bằng sức lao động. Và cái danh hiệu làng "đạp bát" Triều Đông đã trở thành thương hiệu mãi mãi của người dân làng tôi.

*Bài viết ghi theo lời kể của ông Nguyễn Đình Sâm (thôn Triều Đông), người cháu ngoại của nghệ nhân gốm Đào Văn Can.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem