Sân kho to gấp mươi, mười lăm cái sân nhà. Xung quanh sân là những gian nhà kho nhỏ chứa những đồ đạc cần thiết cho các việc của thôn. Ai cũng biết đến cái sân kho, nghe rưng rức mùi kỷ niệm và chan chứa tình quê ở đó.
Những hôm trăng sáng, trăng treo mình tròn vành trên đầu ngọn tre, trăng thả ánh vàng loang loáng trên mặt sân kho. Tôi theo chị gái nhà bác Cả ra sân kho tán gẫu cùng mấy anh chị thanh niên ở đó. Chị tôi e thẹn giấu nụ cười sau tay áo, vậy là chị tôi đã thích một anh chàng trong hội thanh niên kia. Họ tán nhau mãi tới khuya, những trận cười giòn tan, những ánh mắt nhìn nhau bẽn lẽn.
Tôi rời tay chị ra chơi cùng lũ bạn ở sân kho. Những trò chơi ú tim chơi ở sân kho thật thích, bọn tôi chạy đủ chỗ để núp mà người bịt mắt rất khó để tìm được. Cái Huyền tìm mãi không thấy chỗ tôi trốn rồi bất lực nó ngồi khóc tu tu. Tôi và Phương chạy ra từ phía nhà kho để xe tang. Chúng tôi dũng cảm trốn vào đó, đứa nào cũng sợ ma nên chẳng ai vào đấy tìm. Chán chơi ú tim, bọn tôi lại chơi rồng rắn lên mây, "rồng rắn lên mây có cây khúc khắc, có thằng bẻ măng, thầy thuốc có nhà hay không?" Đuổi nhau hò hét mãi trăng vẫn trên đỉnh đầu, thời gian như ngừng trôi mà tôi thì buồn ngủ. Chị tôi cõng tôi về khi câu chuyện của anh chị thanh niên đã tạm hết. Họ còn về cho kịp sáng mai ra đồng sớm phụ bố mẹ làm cỏ, tát nước, be bờ. Lưng thiếu nữ chị tôi rất êm, tôi ngủ gục vào đó như chiếc gối mềm, bỏ quên vầng trăng trên đỉnh đầu, bỏ lại sân kho trống vắng vẫn loang loáng ánh trăng.
Vụ lúa mùa thóc vàng hạt căng mẩy, cả thôn cắt về xếp đầy ở sân kho. Họ tuốt lúa rồi để cả đống thóc to đùng ở đó. Bọn tôi lấy sợi rơm vàng tết thành con gà trống và con gà mái. Gà trống đan chéo sợi rơm trông khá giống cái mào của con gà trống, còn gà mái đan thành hai đường rơm kép trông rất giống cái đầu của con gà mái. Chán đan gà, bọn tôi lại tết thành những chiếc chạc bằng rơm thật dài. Khi thì dùng chiếc chạc đó để nhảy dây, khi thì mắc lên cành cây đa đầu làng làm đu quay, làm võng. Vụ thóc mới, cả sân kho nô nức người ra người vào. Những anh chị thanh niên trán lấm tấm mồ hồi hò nhau đẩy xe cải tiến chất đầy lúa chở vào sân kho.
Nhớ ngày rằm Trung thu năm tôi lên bảy tuổi. Tôi chạy theo chị Thảo ra sân kho xếp hàng nhận quà. Tất cả trẻ em ở làng đều xếp thành hàng dài đợi các cô phụ nữ mang chiếc bao tải dứa chứa đầy kẹo, bưởi, ổi đi phát cho từng em một. Cái Thủy không đóng tiền quà, bố mẹ nó vào Nam làm ăn, vậy mà các cô phụ nữ vẫn chia quà cho nó. Mắt nó ánh lên niềm vui, mấy đứa xung quanh buông lời ghen tỵ. Cả một góc sân kho xôn xao vì đòi quyền lợi công bằng. Tôi chẳng để ý gì ngoài thấy ánh mắt cái Thủy rất vui. Vui hơn nữa là tôi nhìn lên cái sân khấu được xây bằng gạch ở góc sân kho đang được trang trí. Tối nay làng tôi có văn nghệ.
Tôi về nhà, ăn vội bát cơm, rủ mấy đứa bạn cùng xóm ra sân kho từ sớm nhận chỗ xem văn nghệ. Nói là nhận chỗ thôi chứ bọn tôi ra đó đùa nghịch là chủ yếu. Lại là các trò chơi dân gian chơi mãi không chán. Trăng rằm tháng Tám tròn hơn các tháng khác. Ấy là mẹ tôi bảo thế và tôi cũng tin theo. Ông Lang đóng vai Ngọc Hoàng, ông mang hẳn cái chăn Con Công màu đỏ lên làm áo "long bào", thỉnh thoảng đến đoạn hội thoại nào tâm đắc ông vuốt bộ râu màu xanh tước từ lá chuối trông thật ngộ. Các anh chị lớn hát những bài về Trung thu thật hay.
Chẳng mấy chốc đã hết buổi biểu diễn văn nghệ, sân kho nườm nượp người kéo nhau về. Tôi cùng mấy đứa bạn lọt thỏm vào đám đông ấy, tôi nhìn lại sau lưng. Sân kho lại trống vắng tịnh không một bóng người và lại loang loáng ánh trăng trải xuống nền sân trắng xóa. Tôi tiếc buổi Trung thu, tiếc niềm vui hôm ấy đã kịp tàn và tôi đếm từng ngày đợi đến mùa Trung thu sau.
Chiếc loa phát thanh thôn được treo cao trên cây cột điện, giọng ông Bản đọc thật to trong loa: "A lô! Chúng tôi xin thông báo! Hôm nay có đoàn chiếu bóng về thôn, giá vé 200 đồng trên một người, thời gian bắt đầu lúc bảy giờ tối với bộ phim Thằng Bờm...". Thế rồi mấy ông an ninh thôn chặt vội cây tre còn nguyên cành lá màu xanh mướt làm rào ngăn ở cổng sân kho. Những ai có tiền thì đến mua vé sớm, họ không quên mang theo cái ghế bằng gỗ nhỏ để vào sân kho nhận một chỗ cho dễ xem. Cả sân kho chật ních người chen lối thành hàng, ngồi trật tự hướng mắt lên chiếc màn hình màu trắng.
Bộ phim kết thúc cũng là lúc tôi ngủ gục trên vai mẹ tôi được giấc nồng. Tôi tỉnh dậy cho tới khi trời sáng của ngày hôm sau. Tôi không biết mẹ đưa tôi về thế nào, tôi có lọt thỏm vào đám đông như hồi Trung thu trước. Và mọi người về rồi, buổi chiếu bóng khép lại, trăng có còn loang loáng ánh vàng trên mặt sân kho trống vắng không?
Đã rất lâu rồi tôi không còn cảm giác háo hức ra sân kho ngóng đợi một điều gì đó nữa. Sân kho bây giờ không còn đoàn chiếu bóng về, không còn trẻ con đứng xếp hàng nhận quà Trung thu, không còn những tốp thanh niên nam nữ trò truyện vui đùa... Cũng là khi tuổi thơ tôi đã đi qua mất rồi. Sân kho cũ đã được phá đi thay thế những viên gạch đẹp màu đỏ, vuông vắn hơn. Chỉ có một điều còn sót lại, đó là những hôm trăng sáng, ánh trăng vẫn loang loáng ánh vàng trên mặt sân kho trống vắng và cô đơn.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.