Kể chuyện làng: Vụ mùa ngày Rằm sáng trăng và bữa cơm tối 2 giờ sáng của mẹ

Thùy Anh Thứ tư, ngày 20/07/2022 07:37 AM (GMT+7)
Nhớ về tuổi thơ là nhớ về những ký ức ngọt hơn kẹo bột mật. Nơi ấy có ngôi làng bé xinh, xanh mát. Ở đó mỗi độ mùa vào Rằm là tôi lại cùng anh chị và mẹ đi cắt, đi cấy sáng trăng và ăn cơm tối vào lúc 1-2 giờ sáng.
Bình luận 0

Có những ký ức sẽ đi cùng năm tháng và rồi mất đi nhưng có những ký ức vẫn cứ tồn tại ở đó, bởi nó đã là hồn quê, rồi thấm vào hồn người. Mỗi lần nghe ai đó đọc câu ca "Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng" là lòng tôi lại nôn nao, nhớ làng, nhớ quê, nhớ ký ức tuổi thơ của tôi, của anh chị tôi mỗi độ mùa về.

Ngày ấy, bố tôi đi thoát ly, nhà chỉ còn có mẹ và 4 anh chị em tôi. Vì bố đi thoát ly, nên mọi việc trong gia đình đều đổ lên đôi vai mẹ. Nhà tôi lại nhiều ruộng, mẹ tôi cấy hơn 1 mẫu lúa nên mẹ và các anh chị tôi phải làm ngày làm đêm mỗi độ mùa về. Dù con út được chiều nhất nhà nhưng vào vụ mùa thì tôi cũng như các anh chị, đều phải giúp mẹ gặt lúa, làm đồng.

Nhớ nhất mỗi độ mùa về vào ngày Rằm là cảnh cả làng, cả xã ới nhau đi cấy, đi gặt sáng trăng. Sở dĩ mọi người thích đi cấy buổi tối là bởi trời mát, trăng sáng. Ánh trăng tuy mờ ảo nhưng vì có nhiều kinh nghiệm nên những hàng lúa vẫn được mẹ cùng các anh chị tôi cấy thẳng hàng. Còn tôi vì bé tí, 7-8 tuổi chưa cấy quen nên nhiều khi những hàng lúa do tôi cấy "đánh võng" như những cung đường đèo vào cua. Dù vậy, mẹ cùng với các anh chị vẫn ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của tôi.

Kể chuyện làng: Vụ mùa ngày rằm sáng trăng và bữa cơm tối 2 giờ sáng của mẹ - Ảnh 1.

Cấy đêm. Ảnh: Dân Việt

Giữa không gian mây trời lồng lộng, ánh trăng sáng, hương đồng, lúa nội thơm thoang thoảng... cùng tiếng gió, tiếng ếch nhái kêu miên man khiến cho bất cứ ai đã một lần chứng kiến cũng nhớ mãi khôn nguôi. Hình ảnh ấy đẹp chẳng khác gì một bức tranh đẹp, thơ mộng nhất mà tôi từng cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy.

Nhớ lại những ngày cùng mẹ đẩy xe thồ ra đồng vào dịp trăng sáng vẫn thấy thật tuyệt!

Tôi nhớ, thuở ấy vào mùa người làng tôi làm việc thường không có giờ giấc. Mọi người có thể làm từ 10-15 tiếng liên tục. Nếu đi cấy, đi cắt sáng trăng thì sau một ngày làm việc tầm 7 giờ tối mọi người sẽ về nhà ăn tối rồi ngủ một giấc đến tầm 1-2 giờ sáng - lúc gà gáy canh 4 thì í ới gọi nhau dậy đi làm. Người đi xúc mạ, người thì đi đẩy phân, những con đường quê rậm rịch tiếng xe cộ, tiếng cày quốc lẻng xẻng, vang vọng khắp vùng.

Với nhà tôi thì khác, vì nhà tôi neo người (chỉ có mẹ tôi và anh trai đủ tuổi lao động, còn 3 chị em tôi vẫn còn bé) nên mẹ tôi thường làm cả ngày cả đêm. Thường mỗi vụ mùa mẹ chỉ chợp mắt tầm 2-3 tiếng là lại dậy làm việc. 

Mẹ tôi bảo, phải làm cố vài ngày để gặt nhanh nếu không lúa chín gặp mưa là hỏng, không kịp phơi. Vì vậy, cứ vào mùa gặt vào đêm trăng sáng là mẹ cùng 4 anh chị em tôi ra đồng gặt. Cách đây khoảng 30 năm, lúc ấy ở làng vẫn sử dụng cách đập lúa bằng đá, chỉ nhà nào khá giả chút mới sắm được chiếc máy tuốt lúa đạp bằng chân. 

Phải cố gắng lắm, sau vài năm tích cóp mẹ tôi mới tiết kiệm được một khoản tiền rồi vay mượn thêm để mua một chiếc máy tuốt lúa bằng động cơ, đạp chân. Để tiết kiệm thời gian, công sức, vào mùa mẹ lại khiêng lên xe thồ chở chiếc máy đó ra đồng tuốt lúa. Mẹ căng một tấm bạt thật lớn, rộng bằng 2 cái sân phơi thóc, rồi đặt máy lên đó và chất lúa gặt xung quanh để mấy anh chị em tôi đạp, tuốt lúa.

Mấy anh em tôi người vác, người cầm lúa đưa mẹ và anh vừa đạp vừa tuốt. Dù đạp lúa vào tối sáng trăng, gió lộng nhưng mặt mũi ai nấy mồ hôi lấm tấm, tuôn trào như mưa.

Có những ngày cắt chạy mùa, mẹ và các anh chị tôi hoặc mang cơm ra đồng, tranh thủ ăn hoặc cũng có ngày nhịn ăn, làm cố. Làm tới 2-3 giờ sáng khi những bao lúa đã được chất vào bì cho lên xe thồ đưa về nhà thì cả nhà tôi mới ăn cơm tối.

Mâm cơm đạm bạc với vài con cá chỏng, nồi cơm, canh rau mồng tơi nấu tép và vài miếng cá nhưng vì đói nên ai cũng thấy ngon, chén sạch đồ. Ăn xong mẹ tôi ngả lưng ra manh chiếu nhỏ chải ngay hiên nhà, còn lũ chúng tôi thì đi hái trộm quả ổi, quả bồng bồng (quả roi) nhà hàng xóm.

Bình thường ông hàng xóm lúc nào cũng la rầy, nhưng vào vụ mùa thương tụi nhỏ chúng tôi đi làm vất vả nên dù biết nhưng ông cũng không đả đụng gì nữa.

Kết thúc vụ mùa, lúc nào mẹ tôi cũng sát một ít gạo nếp mới để nấu xôi thắp hương cho ông bà tổ tiên và làm bánh. Vị xôi đầu mùa hay mùi thơm của những quả dừa già nung với xôi nếp đầu mùa thơm nức mũi đến giờ vẫn không thể quên. Cái vị thơm, ngon, ngọt, mềm của những quả dừa nung gạo nếp đậu xanh cùng với hương thơm đặc trưng của những ngày mùa vào Rằm sáng trăng của nó đã lan tỏa khắp cả miền ký ức của tuổi thơ tôi, theo tôi đi cùng năm tháng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem