“Kẻ khóc người cười” với cổ phiếu hàng không

Quốc Hải Thứ năm, ngày 13/04/2017 06:00 AM (GMT+7)
Thông tin từ đề xuất áp sàn, trần giá vé máy bay những tuần qua khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ, đồng thời cũng khiến giới đầu tư chứng khoán nhấp nhổm mong chờ một đợt “sóng” cổ phiếu hàng không đến từ HVN (Vietnam Airlines).
Bình luận 0

img

Tuy nhiên, những phiên giao dịch tuần qua, thị trường lại chứng kiến sự đảo ngược tình thế khá bất ngờ từ “đối thủ” đang ở thế bất lợi của HVN là Vietjet Air (mã VJC) và sự giảm giá không phanh của một HVN đầy kỳ vọng...

Kết thúc phiên giao dịch chiều nay 12.4, cổ phiếu HVN của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines lại có phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp; từ mức giá 29.000 đồng/CP xuống chỉ còn 24.800 đồng/CP, thấp hơn mức giá ngày đầu tiên chào sàn (ngày 3.1 - mức giá 28.000 đồng/CP).

Một phiên huy hoàng rồi... tắt

Còn nhớ, phiên giao dịch ngày 3.4 vừa qua, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã tăng mạnh, bứt phá khỏi cả tuần giảm điểm liêp tiếp tuần trước (5 phiên liêp tiếp). Nguyên nhân cổ phiếu HVN tăng mạnh được giới đầu tư lý giải là thông tin áp giá sàn sẽ có lợi cho HVN và bằng chứng là HVN đã có văn bản gửi Bộ GTVT, trong văn bản này có dự báo nếu tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn 1.540.000 đồng/vé như hãng này đề nghị, ước tính doanh thu sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện. Ngược lại, nếu áp giá sàn vé máy bay thì Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air sẽ gặp bất lợi.

Phản ứng trước thông tin này, phiên giao dịch ngày 3.4, cổ phiếu HVN tăng mạnh 1.100 đồng lên 29.000 đồng/CP cuối phiên, trong phiên giao dịch, có lúc HVN tăng 2.000 đồng lên 29.900 đồng/CP. Trong khi đó, cổ phiếu VJC của VietJet Air bị sụt giảm 2.300 đồng, về mức giá 125.800 đồng/CP.

Tuy nhiên, ngay sau phiên giao dịch này thì dường như nhà đầu tư đã bình tĩnh lại khi xem xét khả năng thực sự sinh lời của 2 mã cổ phiếu này. Đồng thời, một loạt các thông tin liên quan đến hoạt động và quản trị của 2 hãng hàng không này được đưa lên “bàn cân” tính toán khiến cho những phiên giao dịch sau đó đổi chiều một cách không ngờ.

Cụ thể, với HVN, chưa tính đến thị phần và lợi nhuận của hãng hàng không này liên tục sụt giảm, chỉ tính riêng gánh nặng tỷ giá cũng góp phần “đè bẹp” lợi nhuận của hãng hàng không này khi vay nợ bằng đồng USD tại HVN lên tới gần 2,5 tỷ USD. Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BSC đã nhận định, đồng USD tăng 1% sẽ khiến cho Vietnam Airlines giảm lãi khoảng 1.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, thông tin xuất hiện trên các trang tin tài chính trong vài ngày gần đây liên quan đến việc 70% chuyến bay ngắn nội địa của Vietnam Airlines đang lỗ nặng, kể cả các chặng có tỷ lệ lấp đầy 90% đã khiến nhà đầu tư thêm thất vọng và điều này khiến cho cổ phiếu HVN có tới 6 phiên liên tiếp “đỏ sàn”.

Ngược lại, về phía Vietjet Air, đà “hưng phấn” của nhà đầu tư càng lên cao khi doanh nghiệp này liên tục mở rộng thị phần, mua thêm máy bay và lợi nhuận tăng lên hàng năm nhờ mô hình bay giá rẻ. Đặc biệt, mới đây nhất là thông tin Hãng hàng không này dự kiến sẽ nới room ngoại lên tới 49% khiến cổ phiếu VJC đảo chiều tăng liên tiếp 6 phiên, từ mức giá 125.800 đồng/CP lên mức 134.100 đồng/CP.

“So găng” 2 hãng hàng không lớn nhất

Xét về quy mô vốn hóa thị trường, thời điểm hiện tại vốn hóa của Vietjet Air đã lên tới con số 43.232 tỷ đồng, bỏ xa Vietnam Airlines khi vốn hóa thị trường của hãng này mới vượt qua con số 30.442 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Vietjet Air cũng lên tới 7.64 nghìn đồng; trong khi chỉ số EPS của Vietnam Airlines chỉ là 1.67 nghìn đồng... Chưa kể, Vietnam Airlines đang được định giá với một hệ số giá trên thu nhập P/E 14.82 lần, một mức P/E chưa thực sự hấp dẫn nếu đặt trong bối cảnh rủi ro tài chính cao khi hệ số nợ lớn (83% trên tổng nguồn vốn) và đang bị cạnh tranh khốc liệt về thị phần bởi Vietjet Air. Trong khi đó, hệ số giá trên thu nhập P/E của Vietjet Air lại lên tới 17.55 lần.

Tuy nhiên, với nhà đầu tư chứng khoán thì cổ tức cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sức hút của các mã cổ phiếu. Với Vietnam Airlines thì trong năm 2016 lại không chia cổ tức; trong khi Vietjet Air lại có một kế hoạch chia cổ tức khá hoành tráng.

Cụ thể, sắp tới đây Vietjet Air sẽ trình Đại hội cổ đông (dự kiến ngày 20.4) thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2016 với việc chi trả cổ tức đợt 2 năm 2016 bằng tiền, tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng); đồng thời cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 40% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 40 cổ phiếu mới).

Ngoài ra, Vietjet cũng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ không quá 3% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành cho mỗi năm trong giai đoạn từ 2017 đến 2019 theo hình thức phát hành cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem