Làm sao để ngành chăn nuôi lợn có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng tái đàn lợn bền vững, tránh thiếu hụt hay khủng hoảng thừa phải “giải cứu” như đã từng xảy ra?
Nhờ áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học nên hàng nghìn con lợn tại HTX chăn nuôi Bình Minh (Bắc Giang) rất khỏe mạnh, phát triển đều trước “bão” dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Minh Ngọc
Muốn ăn nhiều phải ăn dè, ăn vừa phải!
Sau khuyến nghị như “tối hậu thư” yêu cầu các doanh nghiệp ngay lập tức đưa giá lợn hơi về mức 75.000 đồng/kg vào ngày 13/2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của một số doanh nghiệp lớn.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty C.P Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, công ty đã đồng hành cùng các chỉ đạo Chính phủ, Bộ NNPTNT, đặc biệt chia sẻ với người tiêu dùng. Từ tháng 10/2019, khi giá lợn hơi ở miền Bắc và miền Nam tăng lên nhanh, công ty vẫn luôn bán giá thấp hơn so với thị trường.
“Có thời điểm giá lợn hơi lên tới 95.000 - 97.000 đồng/kg, nhưng công ty bán giá cao nhất là 85.000 đồng/kg" - ông Tuấn nói, và cho biết đến nay C.P đã cơ bản phục hồi được đàn lợn nái so với lúc trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thậm chí còn tăng khoảng 5% so với năm 2019. Bình quân mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 17.000 con lợn thịt.
Hiện nay, giá lợn hơi của C.P là 75.000 đồng/kg (lợn 3 máu) và 73.000 đồng/kg (lợn 2 máu). “Bản thân công ty cũng không mong muốn giá lợn hơi trong nước quá cao bởi sẽ tạo ra sự bất ổn đối với ngành chăn nuôi” – ông Tuấn khẳng định.
Tại hộ gia đình ông Dương Văn Cốc ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên (Bắc Giang), thương lái đang mua 30 con lợn với giá 75.000 đồng/kg hơi. (ảnh: Minh Ngọc)
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng cho biết, công ty cam kết thực hiện chỉ đạo, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ NNPTNT để làm sao đưa giá ra giá lợn hơi thấp nhất và hợp lý nhất trong thời gian sớm nhất nhằm bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Mặc dù giá lợn hơi bán ở Trung Quốc đang ở mức 130.000 đồng/kg, nhưng tùy từng vùng mà Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đang bán ở mức 73.000-79.000 đồng/kg. Tính ra, bình quân giá lợn hơn do công ty bán ra ở mức 75.000 đồng/kg.
"Con giống do công ty sản xuất hiện nay giá không dưới 1.200.000 đồng/con, giá thức ăn 2.600.000 đồng, thú y khoảng 1.400.000 đồng, chi phí thuê nuôi 700.000 đồng, ngoài ra có khoảng 5% lợn chết. Do đó, giá thành chăn nuôi lợn không thể dưới 50.000 đồng/kg” – ông So tính toán.
Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi đã làm công ty thiệt hại 20% tổng đàn, đặc biệt là tại cơ sở ở Hà Nam. Sau khi tổ chức khử trùng, đảm bảo trang trại an toàn, tháng 6/2019 công ty cho tái đàn tại Hà Nam và đã bắt đầu cho sinh sản với 3.200 nái.
Tổng đàn lợn của công ty hiện 250.000 con; trong đó nuôi gia công khoảng 150.000 con. “Hiện tại, tốc độ tái đàn của công ty tăng khoảng 5% và cả năm 2020 sẽ đạt mức 10%. Với tốc độ tăng như vậy, cuối năm nay giá lợn sẽ trở về như cũ" - ông So thông tin thêm.
Đánh giá cao sự tiên phong, đồng hành của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, hành động điều chỉnh giảm giá lợn hơi này có ý nghĩa bảo vệ một thị trường sản xuất chăn nuôi bền vững. Bộ trưởng Cường nhấn mạnh: “Nếu giá lợn cứ tăng cao thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại. Hiện nay không thiếu gì các loại gà ngon, thủy sản ngon, trứng ngon..., người dân ăn mãi rồi sẽ quen, đến lúc không cần ăn thịt lợn nữa”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví von, muốn ăn nhiều, ăn ngon phải biết ăn dè, ăn vừa phải, xã hội và doanh nghiệp cùng “gặp nhau” chia sẻ giá thành ở mức hợp lý. Sản xuất vừa phải sẽ bền vững lâu dài chứ tăng cao quá sẽ gây bất ổn.
Hộ chăn nuôi gặp khó khi tái đàn
Về công tác tái đàn lợn, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi chuyên nghiệp sau khi bị khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi lúc này có nhu cầu mở rộng, tái đầu tư để tranh thủ thời cơ giá tốt mà tăng thêm thu nhập.
Thương lái đang thu mua lợn hơi tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Minh Ngọc
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt, hầu hết các địa phương (95% số xã có dịch) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch. Đây là điều kiện cần thiết để tổ chức nuôi tái đàn lợn.
Từ tháng 1/2020, thị trường thịt lợn đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn, dự báo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn.
Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tính đến ngày 5/2, tổng đàn lợn cả nước khoảng 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái.
|
Tuy nhiên, ông Dương lưu ý dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát nhưng chúng ta không nên chủ quan, lơ là. Cùng với đó, cần có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng con giống.
“Khó khăn lớn nhất của việc tái đàn lợn hiện nay chính là vấn đề lợn giống. Rất nhiều hộ không còn lợn nái, họ phải mua giống của các hộ khác, các trang trại hoặc các công ty trong khi giá hiện nay rất cao, từ 1,8-2,5 triệu đồng/con loại 7kg” - ông Dương cho hay.
Theo ông Dương, giá lợn hơi hiện đang ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng chúng ta xác định khoảng 3-5 tháng nữa thì không còn giá này. Khi tái đàn lợn, giá giống quá cao như vậy người nuôi sẽ không có lời, chưa kể họ còn không có tiền để mua con giống.
“Các doanh nghiệp thì không nói, nhưng các hộ chăn nuôi mà tôi đi kiểm tra thì có hộ có thể nuôi được 200 lợn thịt nhưng bây giờ chuồng vẫn trống. Nếu người ta đưa vào nuôi 200 lợn với mức giá 2 triệu đồng/con thì đầu tư hết 400 triệu đồng. Rõ ràng, một lúc bỏ 400 triệu đồng đối với một hộ chăn nuôi là khó” - ông Dương thông tin.
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2020, dịch tả lợn châu Phi mới chỉ xảy ra tại 13 hộ chăn nuôi với tổng số lợn mắc 71 con, tiêu hủy 5,5 tấn. Trong khi đó, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy năm 2019 là 543.807 con, chiếm 29,06% tổng đàn và 40% tổng số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố.
Thời điểm hiện tại đã có 445 xã, phường (chiếm 99,11%) của 20 quận, huyện có dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày. Đến tháng 1/2020, trên địa bàn thành phố, tổng đàn lợn tái đàn là 231.948 con, trong đó 745 hộ dân nuôi 10.052 con; 170 trang trại và doanh nghiệp nuôi 221.896 con.
“Các hộ nhỏ lẻ tái đàn giảm, chủ yếu tăng đàn ở các trang trại, gia trại của doanh nghiệp. Nông hộ hiện nay còn e sợ, tái đàn vào một là không khai báo thì không được hỗ trợ, hai là có thể tiếp tục tái nhiễm bệnh dịch” – ông Đăng lý giải và cho biết mới đây thành phố đã xử phạt 53 triệu đồng đối với một số cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi vì không khai báo và tái đàn khi địa phương có ổ dịch chưa qua 30 ngày.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Giá lợn hơi hợp lý là điều kiện phát triển bền vững
Từ trước Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn đồng hành cùng người tiêu dùng giảm giá thịt lợn hơi ở mức phù hợp. Đến giờ này, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt và cùng với Bộ NNPTNT thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ trong thời gian gần đây, giá thịt hơi để ở mức 70.000-75.000 là phù hợp.
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn như: CP, GreenFeed, Mavin… đang bán lợn hơi ra thị trường ở mức 72.000-75.000 đồng/kg và với sức tái đàn như hiện nay, giá lợn hơi trong thời gian tới sẽ xuống mức 60.000-65.000 đồng/kg.
Chúng ta đã khống chế tốt dịch tả lợn châu Phi; thứ hai tổ chức tái đàn, tăng đàn trong thời gian vừa qua và thời gian tới để làm sao cả năm 2020 sản lượng thịt lợn đạt trên dưới 4 triệu tấn, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vẫn hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Công Bắc – Chủ trang trại lợn tại TP.Sơn La (tỉnh Sơn La): Nuôi lợn nhiều rủi ro như đánh bạc
Giá lợn hơi hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, nếu có thể kéo giá xuống mức 70.000 – 75.000 đồng/kg thì sẽ là điều rất tuyệt vời cho cả người chăn nuôi, các chủ trang trại, doanh nghiệp cũng như công tác quản lý thị trường, bình ổn giá.
Thực tế là mức giá 75.000 đồng/kg, người chăn nuôi đã lãi khoảng 30.000 đồng/kg. Trước mắt, giá lợn hơi khó có thể xuống sâu hơn được nữa mà sẽ giảm từ từ, từng bước một xuống mức 60.000 – 65.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá lợn hơi chưa thể giảm nhanh được là do tổng đàn lợn vẫn đang bị thiếu hụt, dịch bệnh còn xuất hiện ở nhiều địa phương. Mặc dù hiện nay người dân đang tái đàn, nhưng chủ yếu là tái đàn lợn thịt chứ không phải tái đàn lợn nái.
Theo quan điểm của tôi, đó chưa phải là tái đàn đúng nghĩa. Do chưa thể tái đàn lợn nái nên trong ngắn hạn, giá lợn hơi sẽ không thể kéo giảm bằng với khi chưa có dịch tả lợn châu Phi (40.000 – 45.000 đồng/kg).
Nếu giảm xuống mức này, bà con không ai còn muốn nuôi lợn nữa vì họ đã trải qua quá nhiều thua lỗ trong 3 năm qua, trong khi chi phí thức ăn ngày càng tăng cao, tình hình dịch bệnh vẫn khó lường, đầu tư nuôi lợn rất nhiều rủi ro, lúc nào cũng như đánh bạc với trời.
Do đó, tôi cho rằng Chính phủ, Bộ NNPTNT nên có phương án chú trọng hỗ trợ những hộ nuôi lợn nái, lợn cụ kị ông bà, phát triển những trại nái hiện đại, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, người chăn nuôi cũng nên ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NNPTNT cùng giảm giá thành xuống để người tiêu dùng dễ dàng tiêu thụ thịt lợn, tiêu dùng bình thường. Nếu làm tốt khâu này thì chỉ trong vòng 1 năm, giá lợn hơi sẽ giảm dần tới mức hợp lý.
Lực Khương – Thiên Ngân (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.