Ký kết hơn 20 hợp đồng
Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã có sự phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp. Cụ thể, đã có sự phối hợp trong việc cung cấp và thu thập thông tin về sản phẩm vùng miền, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) tiềm năng của Hà Nội và 62 tỉnh, thành. Từ đó phục vụ tốt cho công tác tư vấn hỗ trợ cơ sở sản xuất, DN của Hà Nội và các tỉnh, thành kết nối giao thương.
Người dân Hà Nội mua hàng nông sản, đặc sản vùng miền tại Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: H.Đ
TP.Hà Nội có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm... Trong khi đó, khả năng suất sản xuất tại chỗ của thành phố mới đảm bảo khoảng 69% nhu cầu thịt, 32% thủy sản, 38% gạo tẻ chất lượng, 60% rau - củ - quả và 18% trái cây tươi. Tuy nhiên, mới có khoảng 20% lượng sản phẩm nông sản thực phẩm chuyển về tiêu thụ tại Hà Nội là có chứng nhận và nguồn gốc xuất xứ.
|
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2016 diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, một trong những điểm sáng của chương trình hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh là lĩnh vực kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua các đoàn hợp tác, Hà Nội đã đưa được 53 lượt DN liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, thành phố. “Hiện các DN tham gia chương trình hợp tác của Hà Nội đã kết nối được với trên 70 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu tại các tỉnh, thành, trong đó có trên 20 hợp đồng được ký kết với gần 200 chủng loại sản phẩm đưa về tiêu thụ trên các kênh phân phối của Hà Nội như: Miến dong của Tuyên Quang, thanh long (Tiền Giang), dừa xiêm, bưởi da xanh (Bến Tre)…” – ông Mỹ thông tin.
Cũng theo ông Mỹ, Hà Nội còn phối hợp tổ chức 3 tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền của các tỉnh Nam Bộ, Bắc Bộ và đặc sản Việt tại Hà Nội, với hàng triệu lượt khách tham quan, mua sắm; xây dựng hệ thống thông tin minh bạch truy xuất nguồn gốc điện tử cho một số nông sản thực phẩm của các tỉnh tiêu thụ ở trên địa bàn thành phố.
Đại diện cho các tỉnh liên kết đưa nông sản, đặc sản ra tiêu thụ tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trước đây, nhiều nông sản hàng hóa của tỉnh đưa ra miền Bắc tiêu thụ không được nhận diện rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm cũng như giá bán. Nhờ chương trình hợp tác với Sở NNPTNT Hà Nội, thời gian gần đây, nông sản Vĩnh Long đưa ra Hà Nội nhiều hơn, được đảm bảo chất lượng và nâng cao uy tín”.
Quản lý an toàn thực phẩm bằng công nghệ số
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) Hoàng Thanh Vân đánh giá cao hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Ông Vân cho biết thêm, chỉ trong ít ngày qua, đã có 6 tập đoàn lớn đề nghị đưa sản phẩm thịt, trứng, sữa vào Việt Nam, chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM. Do đó, Sở NNPTNT Hà Nội cần có biện pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các phiên chợ nông sản an toàn, giúp người dân nhận diện nguồn gốc sản phẩm.
“Hà Nội và TP.HCM hiện đi đầu trong nhận diện nguồn gốc thực phẩm. Do đó, Trung ương sẽ tiếp tục xây dựng 2 thành phố này thành 2 điểm mẫu quản lý an toàn thực phẩm bằng ứng dụng công nghệ số” – ông Vân cho hay.
Kết luận hội nghị, ông Chu Phú Mỹ đề nghị các tỉnh, thành phố tham gia kết nối thương mại với Hà Nội cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN sản xuất nông sản sạch, an toàn tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội; các cơ sở, DN cần áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm kiểm soát chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường trao đổi thông tin sản phẩm tư vấn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.