Biểu hiện của bệnh nghẹt rễ khi mới phát sinh là lá lúa vàng, đỉnh lá đỏ khô. Bệnh nặng lên thì nhiều lá phía trên bị vàng đỏ, khô, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít và bộ rễ ngừng phát triển, rễ thối đen...
Nguyên nhân chính gây bệnh là đất thiếu ôxy, đất chua phèn, thời tiết rét, chế độ phân bón không hợp lý, cấy sâu tay và bùn lắng bó gốc lúa... gây tình trạng yếm khí.
Hiện tượng này thường xảy ra khi bón phân hữu cơ chưa hoai mục, đất ruộng là đất sét thịt nặng, ruộng bị ngập úng liên tục... Khi đó, trong đất tích tụ nhiều khí độc (H2S) gây trở ngại cho sự hô hấp bình thường của rễ lúa.
Ngoài ra, khi không đủ ôxy, các chất hữu cơ phân giải không hoàn toàn, tạo ra các axit hữu cơ làm tăng độ chua của đất, tác động xấu đến sự hô hấp và sinh trưởng của rễ.
Bệnh nghẹt rễ thường xảy ra ở chân ruộng lầy thụt, ruộng trũng, đất chua, úng ngập, thiếu lân, thừa đạm.
Để khắc phục bệnh nghẹt rễ cho lúa, bà con cần tiến hành cải tạo đồng chua, bón vôi bột từ 20 - 30kg/sào để loại bỏ những điều kiện gây tích tụ chất độc H2S, CO2. Sau đó bón lót phân hữu cơ đã ủ hoai mục, kết hợp bón lót phân lân với lượng 20 - 25kg/sào, bừa kép để lắng bùn sau 10 giờ (tốt nhất là để một vài ngày) mới cấy, cấy nông tay (2-2,5cm) và nên dùng mạ xúc để cấy sẽ hạn chế được sâu bệnh.
Với ruộng đã cấy, khi thấy lúa chớm bị bệnh cần tháo kiệt nước vài ba ngày, rắc tro bếp, bón vôi bột 25-40 kg/sào Bắc Bộ, phân lân 15-20kg/sào, làm cỏ sục bùn, phun phân bón qua lá. Khi lúa xanh trở lại, có thêm lá mới thì bón thúc thêm đạm (chú ý đến bệnh đạo ôn dễ phát sinh).
Nếu thấy lúa vẫn mắc bệnh cần phải xử lý ngay bằng cách: Tháo cạn nước, bón 15kg vôi bột + 10kg - 15kg phân lân/sào, sục bùn cho ruộng thoáng khí, phun phân bón qua lá như Thiên nông hoặc Komic. Tuyệt đối không bón phân đạm trong thời kỳ này. Khi nào bệnh khỏi, lúa có rễ trắng, lá xanh và có thêm lá mới thì tiếp tục bón phân đạm và chăm sóc bình thường.
Hoà Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.