Khai giảng đào tạo nghề từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Thùy Anh Thứ hai, ngày 08/11/2021 16:01 PM (GMT+7)
Sau thời gian hoàn tất hồ sơ, tới nay các doanh nghiệp được phê duyệt đang triển khai tổ chức đào tạo lại cho lao động từ nguồn kinh phí của quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bình luận 0

Lao động hào hứng đón nhận

Thông tin từ Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTBXH cho biết, tính tới ngày 8/11 đã có 3 địa phương tổ chức tổ chức khai giảng được 4 lớp đào tạo cho các lao động theo Nghị quyết 68 là: tỉnh Vĩnh Phúc; tỉnh Thái Bình; TP Hồ Chí Minh.

Tại Vĩnh phúc, tỉnh đã tổ chức khai giảng 2 lớp tái đào tạo nghề cho lao động tại 2 công ty là Công ty TNHH Hoàn Mỹ và Công ty TNHH Bao bì Atlantic.

Là một trong số 71 nhân viên phòng in của Công ty TNHH Hoàn Mỹ (Vĩnh Phúc) được đào tạo, anh Tạ Hữu Chiến cảm thấy rất vui mừng. Anh Chiến cho biết, trước đây anh em công nhân chủ yếu sử dụng máy in đời cũ, còn bây giờ sử dụng công nghệ in phun xử lý bằng máy vi tính. Công nghệ thay đổi nhiều nên trong quá trình làm việc, luôn phải có bản tiêu chuẩn, hướng dẫn công việc cho công nhân. Vì vậy, cần thiết phải sử dụng máy tính để thiết kế các bản mô tả công việc.

đào tạo lại cho lao động

Cô Kim Thị Thương, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp giảng bài cho lao động tại Công ty TNHH Hoàn Mỹ. Ảnh: Hồng Hưng

"Trước nay chúng tôi luôn phải hướng dẫn cho công nhân bằng miệng, anh em dễ quên, lao động mới khó hướng dẫn. Nay nhờ được đào tạo về máy tính, anh em tôi làm việc thuận tiện hơn, việc thiết kế các mô tả, hướng dẫn tiêu chuẩn thao tác trên máy tính giúp lưu trữ tốt hơn", Chiến cho biết.

Ngoài công ty Hoàn Mỹ, lần này tại tỉnh Vĩnh Phúc còn tổ chức đào tạo lại nghề Cơ điện tử cho lao động tại Công ty TNHH Bao bì Atlantic.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi), công nhân Công ty TNHH Bao bì Atlantic, được đào tạo nghề Cơ điện tử cho biết: "Tham gia lớp học, chúng tôi biết cách vận hành máy, xử lý khi máy hỏng tốt hơn. Những buổi học giúp nâng cao tay nghề".

Cô Kim Thị Thương - Giảng viên dạy tin học văn phòng, Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp nhận định, nhìn chung lao động đều nắm được những kiến thức cơ bản. Vì vậy, các thầy cô thiết kế bài giảng dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp nhưng vẫn tính tới việc bù đắp những kỹ năng thiếu hụt cho lao động.

Để tăng tính hiệu quả, lớp được chia làm 3 nhóm để thực hành. Các học sinh sẽ được học trong vòng 20 ngày. Kết thúc khóa học, học sinh được đánh giá, cấp chứng chỉ.

Thầy Triệu Đình Sơn - Phó trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho biết thêm, trước đây, nếu chỉ dạy tại trường thì học sinh không được ứng dụng với sản phẩm thực tế. Nhưng đào tạo ngay tại doanh nghiệp thì máy móc vẫn thế, nhưng gắn được với sản phẩm. Vì vậy, giảng viên có thể hướng dẫn học viên làm ra sản phẩm cụ thể. Có những học viên không biết gì về chuyên môn, nhưng sau quá trình học, các bạn đã biết cách xử lý sự cố trong dây chuyền sản xuất.

"Chính sách tái đào tạo không chỉ giúp doanh nghiệp giữ chân lao động mà còn giúp lao động nâng cao kỹ năng nghề và duy trì được việc làm trong hoàn cảnh thị trường việc làm luôn đổi thay".

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN

Giải quyết vấn đề việc làm, cấp chứng chỉ cho lao động

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, chính sách hỗ trợ tái đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là chính sách mang lại lợi ích cho cả lao động và doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành phố trong cả nước đã bắt đầu khai giảng các lớp đào tạo cho doanh nghiệp. Khung giáo trình, thời gian đào tạo tùy thuộc vào việc các trường làm việc với phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình đào tạo cũng phải đáp ứng chuẩn đào tạo. Sau đào tạo phải cấp chứng chỉ đào tạo cho lao động.

Anh Nguyễn Hữu Nủng - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Hoàn Mỹ cho biết, thời gian qua dịch bệnh khiến mọi hoạt động của công ty gặp khó khăn. Nhờ được hỗ trợ, doanh nghiệp tiến hành đào tạo lại lao động, từ đó sắp xếp và có thể chuyển đổi sản xuất phù hợp với tình hình mới.

Hiện mới có 3 tỉnh thành khởi động lớp đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp từ nguồn quỹ hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: V.M

Hiện mới có 3 tỉnh thành khởi động lớp đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp từ nguồn quỹ hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: V.M

TS. Nguyễn Xuân Thủy - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp - đơn vị phụ trách đào tạo cho các doanh nghiệp cho biết, tuy là lần đầu tiên tham gia tái đào tạo lại lao động, nhưng cơ sở đã có nhiều năm phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo. Vì vậy, hai bên đã ngồi thảo luận về chương trình đào tạo.

"Đào tạo tại doanh nghiệp đòi hỏi sự linh hoạt: linh hoạt về chương trình, nội dung, thời gian đào tạo... để không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất hay hoạt động của doanh nghiệp", ông Thủy nói.

Qua đánh giá của các doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc mà nhà trường đã thực hiện đào tạo, 100% người lao động sau khi kết thúc khóa đào tạo thích ứng được với sự chuyển đổi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đào tạo còn một số vướng mắc. Ví dụ như việc xác định vị trí việc làm cho người lao động sau khi kết thúc khóa đào tạo. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn một số lúng túng. Với các cơ quan quản lý, đây là một vấn đề mới.

Việc phê duyệt số lượng người lao động đã được đóng bảo hiểm để tham gia vào các khóa đào tạo này vẫn chưa thống nhất, có thể những văn bản vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các cơ quan quản lý áp dụng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem