Khai mạc Đại hội Đảng XII: Thời cơ mới, vận hội mới

Hải Phong – Minh Yến Thứ năm, ngày 21/01/2016 06:00 AM (GMT+7)
Đúng 8 giờ sáng hôm nay, 21.1, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Đại hội được nhân dân cả nước kỳ vọng sẽ quyết định và mở ra nhiều thời cơ mới, vận hội mới cho sự phát triển đất nước.
Bình luận 0

Tham dự Đại hội XII có 1.510 đại biểu đại diện cho 4,5 triệu đảng viên trong cả nước. Từ 24.1, Đại hội tập trung bàn về nhân sự

Sáng 20.1, sau khi đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, 1.510 đại biểu đã họp phiên trù bị tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tại phiên họp, các đại biểu đã thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; Thông qua Chương trình làm việc Đại hội, Quy chế bầu cử tại Đại hội XII, Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

img

Các đại biểu biểu quyết thông qua quy chế làm việc, quy chế bầu cử tại phiên trù bị sáng 20.1.     Ảnh:  Kiều Minh

Đúng 8 giờ sáng ngày 21.1, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII sẽ chính thức được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có bài phát biểu  khai mạc Đại hội XII. Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo tổng hợp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện đại hội. Sau đó, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

Cũng theo chương trình làm việc của đại hội, từ chiều 21.1 đến hết ngày 23.1, đại biểu sẽ thảo luận về các văn kiện của Đại hội XII và nghe đại diện khoảng 30 đoàn đóng góp ý kiến.

Đáng chú ý, từ ngày 24.1, đại hội sẽ nghe báo cáo về nhân sự chuẩn bị cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Từ thời điểm này trở đi, Đại hội XII sẽ dành thời gian chủ yếu cho công tác nhân sự. Dự kiến, việc bầu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ diễn ra trong ngày 27.1.

Thông qua quy chế bầu cử

Trong phiên trù bị, một trong những nội dung được quan tâm là việc Đại hội XII đã biểu quyết thông qua Chương trình, Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử. Theo một đại biểu dự đại hội, sở dĩ Quy chế bầu cử được thông qua nhanh vì trước đó, Quy chế này đã được thông qua tại Hội nghị T.Ư 13, 14, sau đó được gửi đến 68 đoàn đại biểu để thảo luận tại đoàn. Đến phiên trù bị của Đại hội XII, tuyệt đại đa số đại biểu đồng ý với nội dung chính của Quy chế bầu cử.

Trong phiên trù bị ngày 20.1, Đại hội XII đã bầu ra Đoàn Chủ tịch có 17 người, trong đó có 16 Uỷ viên Bộ Chính trị và Trưởng Ban Dân vận T.Ư Hà Thị Khiết.

Đại hội cũng đã bầu ra Thư ký đoàn gồm có 5 người do Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn. Các thành viên có ông Phạm Minh Chính - Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Tổng Biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu, Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Võ Văn Thưởng.

Ban thẩm tra tư cách đại biểu do ông Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư làm trưởng ban.

Phân tích về nét mới trong Quy chế bầu cử của Đảng, ông Nguyễn Đức Hà - Vụ trưởng, Ban Tổ chức T.Ư đánh giá: Quy chế bầu cử trong Đảng mới được bổ sung thêm một số điều rất quan trọng, liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ của Đảng. Trong đó có Điều 13 quy định về việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Cụ thể, Điều 13 của Quy chế quy định: Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử người ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ. Ở các hội nghị của Ban Chấp hành T.Ư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Ông Hà giải thích thêm: “Các cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội đã thực hiện trách nhiệm của mình và tham gia vào quyết định của cấp ủy thì không được nói và làm khác với quyết định của cấp ủy. Còn ở trong các hội nghị của cấp ủy và hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, biểu quyết để ban thường vụ cấp ủy hoặc Bộ Chính trị quyết định danh sách đề cử với cấp ủy thì cũng không được nói và làm khác với quyết định của ban thường vụ hoặc của Bộ Chính trị. Vì chính họ đã tham gia để xây dựng nên quyết định của Ban Thường vụ hoặc của Bộ Chính trị”. 

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Đường lối tốt phải có nhân sự tốt

Lựa chọn nhân sự để đảm bảo thực hiện đường lối, cương lĩnh và những chủ trương lớn của Đảng là việc rất quan trọng ở mỗi kỳ đại hội. Với trách nhiệm của đảng cầm quyền, Đảng ta phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ hai vấn đề đó, tức là là xác định đường lối, cương lĩnh cho đúng đắn, đồng thời phải lựa chọn ban lãnh đạo để có khả năng hiện thực hóa đường lối, cương lĩnh đã đề ra. Nếu đường lối, cương lĩnh được tập trung xây dựng tốt nhưng nhân sự không đáp ứng được hoặc đáp ứng không ngang tầm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước”.

Ông Đỗ Văn Ân - nguyên Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban cơ yếu Chính phủ: Chọn cho được người tài đức

Nguyện vọng của nhân dân tại Đại hội  toàn quốc lần thứ XII của Đảng là những người được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, đặc biệt là những vị trí chủ chốt phải là những người thật tiêu biểu cho toàn Đảng, tạo được niềm tin của dân đối với Đảng, dứt khoát đức tài của những người đó phải rõ. Đức ở đây là phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Tài là làm sao cho nhân dân, trước hết là người lao động có được đời sống ấm no hơn. 

Ông Trần Đức Khang - Giám đốc Công ty Linh Cường (TP.HCM) Mong có quyết sách giúp DN

Việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp- nhất là doanh nghiệp tư nhân vẫn còn khó khăn; vẫn còn sinh ra nhiều loại giấy phép… điều đó đã kiềm chế hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.  Mong Đại hội XII đưa ra những chủ trương chính sách thực sự minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp trụ vững và phát triển trên “sân chơi” mới là TTP.

Lương Kết - Lê Chiên - Thiên Việt (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem