Khai mở 'kho vàng' hàng nghìn tỷ đồng chìm sâu nơi đại ngàn
Khai mở 'kho vàng' hàng nghìn tỷ đồng chìm sâu nơi đại ngàn
Khánh Nguyên
Thứ năm, ngày 08/02/2024 12:16 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), với độ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay là trên 42% thì tổng lượng hấp thụ CO2 hàng năm lên đến gần 70 triệu tấn, trong khi lượng phát thải hàng năm của ngành lâm nghiệp khoảng 30 triệu tấn. Khai mở "kho vàng" dưới tán rừng, hình thành thị trường carbon là cơ hội lớn của Việt Nam.
Quảng Trị là một trong những tỉnh tiên phong trên toàn quốc định hướng các chủ rừng tham gia vào chuỗi đánh giá cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) ngay từ những năm 2010.
Ông Hà Sĩ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 23.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Tháng 11/2021, có 1.561ha diện tích rừng tự nhiên của cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và thôn Hồ, xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) được cấp chứng chỉ FSC và trở thành những cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được chứng chỉ FSC cho rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý và bảo vệ.
"Đến nay, tại Quảng Trị đã có 5 cộng đồng được cấp chứng chỉ FSC và FSC - ES với diện tích 2.144,85ha rừng tự nhiên, tương ứng tổng lượng hấp thụ carbon hàng năm 7.000 tấn, tổng lượng lưu trữ là 350.000 tấn" - ông Đồng cho biết.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Trong khi đó, theo lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.
Cũng theo ông Đồng, cả 5 thôn đều là thành viên của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp chuyên về quản lý rừng bền vững, đó là Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị.
Hầu hết các hộ gia đình là người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở 5 thôn đều là thành viên của ban quản lý rừng cộng đồng, do đó mọi thành viên trong thôn đều gắn bó và có ý thức tham gia vào các vấn đề liên quan đến rừng.
Hiện tại, đối với diện tích rừng của các nhóm hộ cộng đồng này, Công ty Water Solutions South East Asia đang hợp tác thí điểm sản xuất than sinh học từ nguồn nguyên liệu tre có chứng nhận FSC. Công ty Inproba Hà Lan đang đàm phán chi trả tự nguyện cho lượng hấp thụ carbon khoảng 1.500 tấn/năm, tương đương 15.000 euro...
Trong khi đó, lần đầu tiên và bắt đầu từ năm 2023, Quảng Bình cùng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Theo ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, Bộ NNPTNT đã chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD).
Theo đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ carbon thông qua IBRD. Quỹ điều phối chi trả cho 6 tỉnh trong khu vực theo quy định. Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Năm 2023, Quảng Bình nhận 82,4 tỷ đồng.
Lợi thế tín chỉ Carbon
Từ năm 2020, Việt Nam đã khởi đầu cho việc hình thành thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam với việc Bộ NNPTNT và WB ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) nhằm chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2e kết quả giảm phát thải ở 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 và nhận về số tiền là 51,5 triệu USD.
PGS -TS Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, thị trường carbon rừng sẽ được thực hiện theo lộ trình: Các địa phương có tiềm năng trao đổi, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ thực hiện thí điểm đến hết năm 2027. Khi sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam chính thức thành lập và vận hành, Cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện thí điểm; trình Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện quy định đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng...
Cũng theo ông Bảo, để tiếp tục huy động nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng, Cục Lâm nghiệp đã xây dựng đề xuất tham gia sáng kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF). Theo đó, dự kiến Việt Nam chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ giảm phát thải từ rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026 với đơn giá dự kiến 10 USD/tấn CO2.
"Cục Lâm nghiệp cũng đang phối hợp Công ty Lâm nghiệp SK xây dựng đề xuất dự án giảm phát vùng trung du, miền núi phía Bắc. Chúng tôi cũng ghi nhận nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Chính phủ cho phép được thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai" - ông Bảo cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.