|
Giải ngân vốn cho khách hàng tại một chi nhánh Agribank tại Hà Nội. |
Đồng vốn đến với nông dân
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 10 năm thực hiện Quyết định 67, tổng dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 9 lần, đạt mức gần 293.000 tỷ đồng (chiếm 16,7% dư nợ nền kinh tế), trong đó riêng nguồn vốn từ Ngân hàng NN&PTNT VN (Agribank) chiếm tới 70% và là ngân hàng đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi Quyết định 67 được ban hành, Agribank đã chủ động huy động nguồn vốn với phương châm "đi vay, để cho vay" nhằm phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Nếu cuối năm 1999, tổng nguồn vốn của Agribank mới đạt 35.629 tỷ đồng thì đến cuối năm 2009 tổng nguồn vốn đã đạt 434.331 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động đạt 366.995 tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng nhanh, Agribank cũng đồng thời áp dụng đa dạng các phương thức cho vay như cho vay theo hạn mức, vay trả góp, vay từng lần, vay lưu vụ... Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới để cho vay trực tiếp, Agribank đã thực hiện cho vay qua tổ vay vốn, cho vay hộ gia đình, cá nhân, cho vay thông qua ngân hàng lưu động.
Với việc mở rộng đối tượng, Agribank đã mạnh dạn thực hiện cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (đến 10 triệu đồng đối với hộ, 20 triệu đối với người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, 50 triệu đối với hộ sản xuất giống thuỷ sản và hộ vay khắc phục dịch cúm gia cầm...). Điều này đã tạo cơ hội để kinh tế nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng sản lượng nông sản hàng hoá...
Tín dụng mới cho nông thôn
10 năm (1999-2009) thực hiện Nghị quyết liên tịch 2308 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT về tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh số cho vay của ngân hàng lên tới 40 ngàn tỷ đồng với trên 7 triệu lượt thành viên. Tính đến cuối tháng 12-2009, có 1.164.285 thành viên sinh hoạt ở 228.405 tổ vay vốn, dư nợ 10.598 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp
Bên cạnh những mặt tích cực, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 67 cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng.
Chính vì vậy, Agribank đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ sửa đổi, thay thế Quyết định số 67 bằng một cơ chế, chính sách mới phù hợp, thông thoáng, thiết thực hơn. Đến ngày 12-4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 "Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn".
Theo Nghị định này, Agribank tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Nghị định cho phép: Cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được tối đa đến 50 triệu đồng không phải đảm bảo tài sản. Hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn tối đa đến 200 triệu đồng. Các hợp tác xã, chủ trang trại tối đa đến 500 triệu đồng.
Để tạo phát triển bền vững, Agribank đã kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ tối đa cho Agribank nguồn vốn vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ, Bộ Kế hoạch- Đầu tư tạo mọi điều kiện để Agribank được sử dụng nguồn vốn ODA nhiều hơn.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.