Minh chứng nét tài hoa nghệ nhân
Từ thị trấn Cần Đước xuôi về hướng đi Gò Công (Tiền Giang), bạn có thể rất dễ dàng tìm đường đến thăm nhà trăm cột. Nhà trăm cột ẩn sâu dưới những ruộng vườn hiền hòa, đường dẫn vào nhà là một con đường quê bé nhỏ bằng xi măng. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà khá nhỏ và bình dị, trái với hình dung của nhiều người rằng đó sẽ là một công trình kỳ vĩ. Tuy nhiên, vào trong lại là một thế giới khác hẳn.
Ngôi nhà có kiểu chữ Quốc 3 gian 2 chái với diện tích 828m2 trong một khu vườn rộng 4.044m2. Giá trị lớn nhất của ngôi nhà chính là một gia tài khổng lồ bằng gỗ tồn tại qua hàng trăm năm như cẩm lai, gỗ mun, gõ mật... Những dãy cột to chạy ngang dọc khắp nhà, đã lên nước thời gian bóng loáng như được quét sơn mặc dù chúng hoàn toàn không được sơn phết.
Những vật dụng hoàn toàn bằng gỗ, các mảng chạm khắc vô cùng tinh tế trong ngôi nhà trăm cột. (I.T)
Cho dù ngoài trời nắng gắt bao nhiêu nhưng bước vào nhà, bạn sẽ cảm thấy một không gian mát rượi vì nhà được lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch tàu lục giác, đi chân đất còn cảm thấy lạnh gan bàn chân. Ngôi nhà do ông Trần Văn Hoa (lúc bấy giờ là hội đồng của làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn) xây dựng vào những năm 1901-1903.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là một ngôi nhà có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam Bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử - văn hóa đất phương Nam ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Công trình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1997.
Di sản cho con cháu
Hiện nay, những chủ nhân của ngôi nhà là thế hệ thứ 3 và thứ 4 của ông Hội đồng Trần Văn Hoa vẫn sinh sống dưới mái nhà này mang theo niềm tự hào về công trình kỳ vĩ của cha ông mình để lại. Bà Trần Thị Ngõ - cháu gọi ông Hội đồng Hoa là ông nội kể lại: “Hồi đó ông tôi đã thuê một nhóm thợ từ làng Mỹ Xuyên - làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế về đây xây dựng ngôi nhà, chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun...”.
Nét kiến trúc nhà rường và cung đình Huế thể hiện rõ trên các chi tiết trang trí ở các đầu cột, chồng rường, con tiện với mô típ tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Tuy nhiên, vì tình yêu mảnh đất phương Nam mà chủ nhân đã yêu cầu nhóm thợ chạm khắc phải thể hiện cả những loại hoa trái địa phương trên các mảng gỗ trang trí như trái mãng cầu, bình bát, khế, măng cụt… Thậm chí, chúng ta còn tìm thấy cả những mảng trang trí đậm chất Tây phương như hình hoa hồng, con sóc và chùm nho… cho thấy sự giao thoa văn hóa vô cùng mạnh mẽ.
Không chỉ là ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ, bên trong ngôi nhà, những vật dụng như các tấm liễn trang trí, bộ bàn ghế, phản, thậm chí chiếc đĩa đựng trái cây cũng được làm từ gỗ nguyên khối và được chạm trổ vô cùng tinh tế.
Ngôi nhà khởi công vào đầu năm 1898 đời Vua Thành Thái, sau 3 năm hoàn thành phần xây dựng thô, và thêm 2 năm để trang trí nội thất, đến năm 1903 thì hoàn thành và năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí do nhóm 15 thợ từ Huế vào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.