Kiến trúc độc đáo trong ngôi nhà cổ ở Sà Phìn

Thứ hai, ngày 02/03/2015 10:17 AM (GMT+7)
Ngôi nhà hơn 100 năm tuổi cổ kính đã là động cơ cho nhiều người trong cuộc hành trình đến huyện Đồng Văn, Hà Giang dừng chân ghé lại. Để rồi khi vào thăm cơ ngơi một thuở vàng son của vua Mèo quyền uy một cõi của trăm năm trước, du khách lòng đầy cảm xúc...
Bình luận 0

Nếu không có ngôi nhà ấy và không có ngôi chợ Sà Phìn ngay khoảng đất rộng trước nhà gọi là chợ Lùi Sà Phìn (6 ngày họp một lần), thì nơi này chắc hẳn rất ít dấu chân qua. Ngôi nhà ấy đã là động cơ cho nhiều người trong cuộc hành trình đến huyện Đồng Văn, Hà Giang dừng chân ghé lại. Để rồi khi vào thăm cơ ngơi một thuở vàng son của vua Mèo quyền uy một cõi của trăm năm trước, du khách lòng đầy cảm xúc...

Chúng tôi vượt qua khu chợ  vắng người vì không đúng ngày họp chợ. Có vài gian hàng bán nước uống, trứng gà luộc, bắp luộc và các loại bánh chiên đặc biệt chủ yếu phục vụ cho du khách.

Bước chân lên những bậc cấp, hai bên là những cây Sa mộc vươn cao, có cảm giác như sắp lạc vào một thế giới khác. Kiến trúc tồn tại hơn thế kỷ với diện tích 1.120m2 ấy  đã được xây dựng trong 8 năm với những vật liệu rất bền vững như gỗ lim, gỗ nghiến, đá xẻ.

Nhà hai tầng gồm 64 gian phòng khác nhau, tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ và ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uống lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc. Ở giữa treo bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”. Xung quanh nhà xây tường bao bằng đá, dày 60-80cm, cao 2,5-3m, có cổng đá 15 bậc, xây ghép đá chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ...

img
Du khách tham quan ngôi nhà. (ảnh: Khuê Việt Trường)

Ông Vương Chính Đức (1865-1947) là người Mông sinh ra ở làng Pá Tró, Sà Phìn. Thuở đó ông là chàng trai tài hoa, có tài thổi khèn cả Đồng Văn không chàng trai nào địch lại. Năm 30 tuổi ông được bầu làm thủ lĩnh, người Mông vẫn thường gọi ông là Vua Mèo.

Vua Mèo đã nhanh chóng trở nên giàu có nhờ những hoạt động trồng, chế biến và sản xuất hoa anh túc thành thuốc phiện cùng những thương vụ thuốc phiện xuyên biên giới... Khi Vương Chính Đức qua đời, người con trai thứ hai của ông là Vương Chí Sình (vua Mèo đệ nhị)  tiếp sự nghiệp nhà họ Vương. Sau khi Vương Chí Sình mất, Vương Duy Thọ sau này lấy vợ, sang Mỹ rồi qua đời ở Mỹ khi còn khá trẻ...

15 bậc đá xanh vẫn đẹp dẫu bao nhiêu chân người bước qua. Hai bên cửa là hai câu đối chữ Hán. Vào tiếp từng phòng như phòng họp có bàn ghế gỗ sơn đen, trong tủ gương trưng bày những vũ khí đi rừng thời đó.

>> Kiến trúc cổ trong dinh thự “Miêu Vương” giữa lòng Cao nguyên đá

Trong căn nhà ấy có ba căn phòng dành cho ba bà vợ Vua Mèo. Đặc biệt phòng vợ Hai và vợ Ba thông nhau. Theo cách sống thời đó thì căn phòng có tiện nghi chủ yếu là giường gỗ, tủ đựng quần áo.  Nhà bếp chiếm một gian lớn với các dụng cụ nấu ăn như lò đất, chảo gang, dao, đèn măng xông, gùi đi chợ...

Trong nhà có hẳn một kho thuốc phiện được canh phòng cẩn mật, chỉ Vua Mèo có chìa khóa để mở. Một kho khác là kho vũ khí  trang bị cho bảo vệ để giữ an toàn cho ngôi nhà khi có biến. Giữa sân là  hồ tắm sữa dê hình bán nguyệt của các bà vợ Vua Mèo... Thời gian đã lướt qua trong ngôi nhà của Vua Mèo. Đi trong thênh thang căn nhà, nghe tiếng gió lay trên những cây Sa mộc quanh nhà, chợt mường tượng đâu đây hình ảnh oai phong, quyền lực một thời của vị Vua Mèo huyền thoại của người Mông trên mảnh đất biên cương Hà Giang.

(Theo Báo Công an TP Đà Nẵng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem