Khát vọng Mã la

Thứ hai, ngày 07/06/2010 09:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ bao đời nay, Mã la là tiếng hồn của dân tộc Raglai; là tiếng vọng gọi ông bà tổ tiên về dự lễ hội với bà con, làng xóm.
Bình luận 0
img
Pi Năng Thị Tâm địu con độc tấu Mã la tại Đồng Mô (Hà Nội).

Ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện vùng cao Bác Ái (Ninh Thuận) có một gia đình cả 5 chị em đều biết đánh Mã la, được mời đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

24 năm trước, Pi Năng Thị Khính - người chị cả của gia đình Pi Năng mới 22 tuổi. Chỉ vì quá mê tiếng trầm, tiếng bổng như âm thanh của núi rừng, chị đã rủ 4 đứa em lội suối, băng rừng đến bất kỳ Paley (làng) nào có lễ hội để được nghe người ta chơi Mã la.

Phá bỏ luật tục

Mê thì mê thế, nhưng luật tục của người Raglai, phụ nữ không được phép đụng vào những chiếc Mã la mà họ xem như vật thiêng của làng. Khi đi nghe Mã la ở các lễ hội, 5 chị em cố ghi nhớ từng nhịp điệu của Mã la rồi về nhà sử dụng bất kỳ thứ gì có thể phát ra âm thanh để mà đánh mà nhún nhảy xoay vần.

Thấy mấy đứa cháu gái mê đánh Mã la đến độ quên ăn, quên ngủ, người cậu Pi Năng Tư đã gọi các cháu đến nhà, làm lễ cúng Giàng rồi đem nguyên dàn Mã la xuống cho các cháu tập đánh. Ông Tư vốn là rể của dòng tộc Cha Ma Lé.

Vợ ông, bà Cha Ma Lé Thị Ri là con gái út của gia đình nên được giao trách nhiệm gìn giữ một bộ Mã la gồm 7 chiếc. Theo lời ông Pi Năng Tư, ngày xưa để có được 7 chiếc Mã la đó nhà vợ ông phải đổi 7 con trâu có sừng dài hơn một gang tay.

Khỏi phải nói sự sung sướng của các cô. "Lần đầu tiên mình được cầm chiếc Mã la, tim mình cứ đập loạn cả lên, bao nhiêu nhịp điệu tập bấy lâu nay tự dưng quên hết" - Pi Năng Thị Tâm, cô em út nói. Vậy là lần đầu tiên trong cộng đồng người Raglai có người dám phá bỏ luật tục, để những người phụ nữ chạm vào chiếc Mã la thiêng của cộng đồng, của dòng tộc.

Ước có dàn Mã la của riêng mình

Mã la là một loại chiêng không có núm. Chỉ duy nhất tộc người Raglai gọi chiêng là Mã la. Khác với cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên, Mã la của người Raglai có hình dáng nhỏ hơn.

Nhà có 5 chị em, Pi Năng Thị Khính (46 tuổi) đánh chiếc Mã la mẹ chiếc Mã la giữ nhịp chủ đạo cho cả dàn. Pi Năng Thị Kính (45 tuổi), Pi Năng Thị Kem (42 tuổi) và Pi Năng Thị Lem (38 tuổi) giữ những chiếc Mã la thứ.

Pi Năng Thị Tâm (36 tuổi), cô em út được giao đánh chiếc Mã la út. Trong dàn Mã la, Mã la mẹ là chiếc giữ nhịp, làm nền cho cả dàn hòa theo. Mã la út là chiếc lĩnh xướng, giữ vai trò độc tấu trên nền âm nhạc của cả dàn Mã la.

Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Đồng Mô (Hà Nội) tháng 4-2009, dàn Mã la của dòng họ Pi Năng gồm 5 chị em và 2 người dì đã khiến những người thưởng thức ngạc nhiên.

Đặc biệt, tiết mục Pi Năng Thị Tâm vừa địu con trên lưng vừa tưng bừng lĩnh xướng những âm thanh của núi rừng Bác Ái khiến mọi người vô cùng thích thú. Họ còn ngạc nhiên vì một dân tộc không thuộc Tây Nguyên mà lại có khả năng chơi cồng chiêng xuất sắc đến vậy.

Sau gần 25 năm tập tành, đi biểu diễn khắp nơi, mơ ước của 5 chị em gia đình Pi Năng ở thôn Ma Oai vẫn là có được một dàn Mã la cho riêng mình. Bởi một dàn Mã la 7 chiếc giá hơn 10 triệu đồng, một số tiền quá lớn với đồng bào dân tộc Raglai. Vì thế bây giờ, mỗi khi được mời đi biểu diễn, chị em nhà Pi Năng lại phải đi mướn nguyên dàn Mã la với giá 200.000 đồng/ngày. May sao tất cả những chi phí cho việc tập luyện đều được nhà nước hỗ trợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem