KHCN trong nông nghiệp: Quá lệch đề tài nghiên cứu

Thứ tư, ngày 04/09/2013 10:04 AM (GMT+7)
Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng trong nhóm đầu thế giới, song hàm lượng khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta vẫn rất thấp, các đề tài nghiên cứu chưa chú trọng tạo ra sản phẩm có giá bán cao.
Bình luận 0
Ngày 3.9, Bộ NNPTNT và Bộ KHCN tổ chức hội nghị “Đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Ông Lê Thế Hơn (thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) -   người đã ghép thành công mắt nhãn trên gốc cây vải thiều.
Ông Lê Thế Hơn (thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) - người đã ghép thành công mắt nhãn trên gốc cây vải thiều.

Chưa đạt mục tiêu đầu tư

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, trong con số tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp năm 2012 so với năm 2011 là 17.106 tỷ đồng, thì có khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng tăng lên là nhờ tác động của KHCN. Ước tính, khoảng 40% giá trị ngành trồng trọt, khoảng 29 - 30% giá trị gia tăng sản lượng thịt, trứng trong chăn nuôi là do kết quả nghiên cứu KHCN và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại. Tuy nhiên, lợi tức mà một hộ nông dân hiện nay đạt được mới là 10 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Công Tạn - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định, hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động của nước ta vẫn còn quá thấp: Ngành nông nghiệp mới đạt giá trị sản xuất hơn 80 triệu đồng/ha/năm; ngành thủy sản khoảng 120 triệu đồng/ha/năm; ngành lâm nghiệp chỉ đạt 3,4 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Tạn, nếu tỷ lệ đóng góp của KHCN trong nông nghiệp chỉ tăng thêm 1%/năm như hiện nay thì sau 50 năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng: “Mặc dù chúng ta dành một khoản kinh phí khá lớn cho công tác nghiên cứu và khuyến nông, lên tới 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng hiệu quả nghiên cứu lại bị giảm sút”.

Đẩy mạnh nghiên cứu KHCN

Ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho hay, hàm lượng khoa học trong một số nông sản còn thấp. Trong 10 năm qua, không có đề tài cấp bộ nào nghiên cứu về phân bón vô cơ, trong khi có tới 85 đề tài chọn tạo giống và 21 đề tài nghiên cứu về bảo vệ thực vật. Theo ông Bộ, hiện nước ta có rất nhiều nhà khoa học, nhưng lại ít có chuyên gia sâu của từng lĩnh vực...

Muốn phát triển sản xuất hàng hóa, phải tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm, đồng thời cần thúc đẩy nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị lớn”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng


Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Không thể phủ nhận vai trò của KHCN trong nông nghiệp thời gian qua, tuy nhiên, việc phát triển KHCN hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đòi hỏi từ thực tiễn. Công tác quản lý nhà nước về KHCN còn nhiều bất cập, phải sửa đổi cho phù hợp... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phải lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, gắn với thị trường tiêu thụ, tránh “kế hoạch hóa” trong sản xuất, nhưng không có nghĩa là bỏ quy hoạch, định hướng.
Chu Chương (Chu Chương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem