Nếu ngành nào cũng cấm
Một em học sinh ở Sơn La, Hà Giang hay Hoà Bình lên mạng xã hội viết về những bức xúc mà chính mình thấy trong lớp, về trường hợp một bạn học lực yếu, vậy mà điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn là 3 điểm 9. Nhiều bạn khác trong lớp cũng lao và vào comment với thái độ bức xúc, nghi ngờ...
Các em đặt ra hàng loạt câu hỏi: Liệu việc chấm thi có dối trá gì không? Liệu bố mẹ bạn này có lo lót, chạy chọt gì không? Liệu có thầy cô/giáo nào nâng đỡ không? Từ những nghi vấn này, các em cảm thấy chán nản, bất công, và thậm chí với những suy nghĩ bồng bột của tuổi học trò, các em không còn muốn đi học nữa. Các em không còn niềm tin khi trực tiếp nhìn thấy những sự xấu xa, ô uế ở môi trường giáo dục của các em.
Trên đây là một tình huống giả định, và thực sự nó cũng đã phần nào xuất hiện trong thực tế của hai năm qua, khi hàng loạt vụ gian lận điểm thi tại 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang bị phát giác làm cả xã hội rúng động.
Và nếu tình huống như vậy tiếp tục xảy ra trong tương lai, liệu những em học sinh trên có bị quy kết là "phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục" như nội dung Thông tư 06 mà Bộ Giáo dục- Đào tạo mới ban hành hay không?
Nhiều cán bộ ngành giáo dục của Sơn La đã vướng vòng lao lý vì nằm trong đường dây "chạy điểm" ở Sơn La. Ảnh: CA Sơn La cung cấp.
Cần nhắc lại, kể từ ngày 28.5 tới đây, Thông tư "Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên" với một trong những nội dung quan trọng là giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội bình luận, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, sẽ chính thức có hiệu lực.
Có hai đối tượng mà quy định này nhắm đến, đó là giáo viên và học sinh. Có một nội dung chung mà hai đối tượng này phải thực hiện, đó là không được lên mạng thông tin, tuyên truyền, phê phán tất cả những gì mà ngành giáo dục cho là "làm xấu hình ảnh" của ngành mình.
Xin trở lại với tình huống giả định mà người viết nêu ra ở đầu bài viết, một em học sinh ở Sơn La, Hà Giang hay Hoà Bình viết lên mạng xã hội Facebook những nghi ngờ của mình về cái dãy điểm số 9-9-9 của một bạn cùng lớp – với những nghi vấn, băn khoăn, bức xúc như thế, có phải là đã làm xấu hình ảnh của ngành giáo dục, có vi phạm vào thông tư 06 ?
Và theo tinh thần của Thông tư 06, rất có khả năng các em sẽ bị xử phạt. Phạt vì dám tố lên mạng xã hội những điều mà theo người lớn là "nói xấu"! Phạt vì dám nói ra những bức xúc có thật mà theo ngành giáo dục là dễ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục! Vậy thì từ nay về sau học sinh còn dám nói ra tất cả những suy nghĩ thật của mình nữa không? Chúng ta nói và khuyến khích việc xây dựng một nền giáo dục khai phóng, nơi học trò được tự do tư duy, suy nghĩ theo cách của mình dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của thầy cô.
Ai cũng nói về việc phải tạo ra một môi trường giáo dục lấy người học làm trung tâm, thế nhưng cái quyền được nói thật của "đối tượng trung tâm" lại đang bị đe doạ bởi những quy định kỳ quặc, không giống ai.
Hãy thử hình dung, sau khi ngành giáo dục tiên phong trong việc "cấm nói xấu, đưa hình ảnh xấu về ngành mình", rồi sẽ đến lượt ngành giao thông cũng "cấm nói xấu", rồi ngành điện lực, ngành văn hoá cũng "cấm nói xấu... về mình, điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta đều biết, quyền được phát biểu là quyền được hiến định. Cho nên bất cứ những luật, quy định, thông tư nào đề cập tới chuyện "cấm nói" đều rất dễ dẫn đến nguy cơ vi hiến.
Danh sách toàn bộ 44 thí sinh ở Sơn La có bài thi gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: Người đưa tin
Cấm đoán chỉ là thứ yếu
Trong câu chuyện "cấm nói xấu về ngành" trên mạng xã hội mà ngành giáo dục đưa ra, ai cũng hiểu việc sử dụng mạng xã hội đã và đang trở thành một vấn nạn đối với một bộ phận người dân hiện nay, chứ không riêng gì ngành giáo dục. Thế nên Luật An ninh mạng mới ra đời, buộc người sử dụng mạng phải có trách nhiệm với các phát ngôn - hành động của mình.
Tất cả các giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non - giáo dục phổ thông - giáo dục thường xuyên đều là những công dân trên 18 tuổi, do đó không nằm ngoài đối tượng điều chỉnh của Luật An ninh mạng. Vậy thì ngành giáo dục có cần đưa thêm một quy định về điều này nữa không?
Còn với những học sinh dưới 18 tuổi, chưa đủ năng lực hành vi để chịu trách nhiệm trước pháp luật, việc đưa ra những chỉ dẫn trong việc sử dụng mạng xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, những chỉ dẫn này cần được thực hiện trong một quá trình giáo dục, chứ không thể thực hiện bằng cách nay đưa ra quy định "cấm cái này", mai đưa ra quy định "cấm làm cái kia".
Một nền giáo dục bản lĩnh là một nền giáo dục giúp người học, thông qua quá trình học dần dần nhận thức được đâu là tốt, đâu là xấu, đâu và vùng tự do, đâu là vùng cấm kỵ. Một nền giáo dục yếu đuối là một nền giáo dục có xu hướng tìm cách bảo vệ sự an toàn của mình bằng hàng loạt các mệnh lệnh cứng theo kiểu... đụng vào đâu cũng cấm.
Cần có môn "Văn hoá mạng"
Việc học sinh lên mạng xã hội bày tỏ cảm xúc tiêu cực, lan truyền thông tin tiêu cực là điều rất đáng lo ngại, nhưng mới chỉ là một nửa sự thật. Còn một nửa sự thật khác, đáng lo không kém đó là hàng ngày các em vẫn đối diện, và vẫn tiếp cận những thông tin tiêu cực. Phát tin và nhận tin, tiêu hoá thông tin và hấp thụ thông tin, đấy là hai mặt của một quá trình, tác động ghê gớm đến nhân cách của những thực thể vốn rất dễ để các luồng thông tin cuốn mình đi.
Để giải quyết vấn đề này ngành giáo dục cần nghĩ đến việc nhanh chóng kiến thiết một môn học hoàn toàn mới, mà ở đây chúng ta có thể tạm thời gọi là môn "văn hoá mạng".
Với môn "văn hoá mạng", học sinh được dạy những kỹ năng cơ bản trong quá trình tiếp cận thông tin trên mạng, ví dụ như kỹ năng nghi ngờ thông tin, đối chiếu thông tin, kiểm tra, xác tín thông tin. Cũng như thế, học sinh được dạy về quy trình đưa thông tin, dù chỉ là thông tin nhỏ bằng một dòng status, rồi quy trình like thông tin, share thông tin, chịu trách nhiệm trước thông tin.
Trong dòng thác lũ thông tin trên mạng xã hội hiện nay, nếu không được dạy dỗ những kỹ năng quan trọng này, chắc chắn học sinh sẽ rơi vào tình trạng cứ thấy thông tin sốc là share một cách hồn nhiên, tin một cách hồn nhiên, rồi lan truyền phát tán hồn nhiên. Học sinh cũng có thể dễ dàng lên mạng để nói xấu hồn nhiên - nói thật hồn nhiên, thậm chí là phê phán, chỉ trích, thoá mạ, chửi bới người khác một cách hồn nhiên...
Phải chăng đã đến lúc, ngành giáo dục cần phải nghĩ đến một môn "Văn hoá mạng" để giải quyết vấn đề từ gốc rễ, thay vì chỉ giải quyết từ ngọn bằng việc nay ra quy định cấm cái này, mai ra quy định cấm cái kia.
Thay vì cấm, nhất định phải thiết kế một chương trình giáo dục sinh động, hiệu quả, bắt kịp tốc độ của thời đại để người học dần dần tự nhận thức được trong cuộc sống này, đâu thực sự là... vùng cấm!
Những điểm đáng chú ý của Quy tắc ứng xử trong trường học của Bộ GD-ĐT theo Thông tư 06 - Không sử dụng mạng xã hội để phán tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin và hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. - Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rồi, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. - Ứng xử của giáo viên với đồng nghiệp, nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ, tôn trọng sự khác biệt, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp. Không xúc phạm, vô cảm, gấy mất đoàn kết. - Ứng xử của giáo viên với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực bao dung, trách nhiệm, yêu thương. Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học… Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi, trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che dấu các hành vi vi phạm của người học. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.