Nếu là một người hoạt động trong bộ máy nhà nước, bạn thực sự nghĩ gì trước lời khai này? Quá sửng sốt? Hay quá bình thường? Trường hợp thứ nhất xảy ra khi môi trường làm việc của bạn là một môi trường thanh sạch, không ai nhờ ai, không ai chịu ơn ai, không ai mắc nợ ai, nên không ai phải "đền đáp" cho ai.
Trường hợp thứ hai xảy ra khi bạn làm việc trong một guồng máy mà dù ngoài miệng ai cũng phải nói những lời thanh sạch nhưng trên thực tế chuyện nhờ vả, chạy chọt, lo lót đã trở thành một phần không thể thiếu. Cái phần mà khi lần đầu chứng kiến có thể bạn sẽ bất ngờ, nhưng dần dà lại thấy nó quen thuộc, và đến một lúc nào đó trở thành một phần của nó mà không hề hay biết.
Một người bạn tôi trước đây từng đảm nhiệm công việc liên quan đến vấn đề nhân sự tại một cơ quan có tiếng là màu mỡ. Anh kể, mỗi lần cơ quan có chỉ tiêu tuyển nhân sự hay điều chuyển nhân sự là lại "cháy máy" bởi những cuộc alo nhờ vả. Người thì nhờ cho con mình. Người thì nhờ cho cháu mình. Lại có người nhờ cho "cháu họ" của mình, mà theo đúng ngôn ngữ của anh thì "cái kiểu cháu họ- cháu hàng" không hiểu từ đâu ra mà nhiều không đếm xuể".
Ai cũng nhờ, và ai cũng biết phải làm gì để sự nhờ vả có trọng lượng, khiến anh thấy áp lực kinh khủng. Anh cũng nói rất thật rằng có những sự nhờ vả có thể từ chối thẳng thừng, nhưng cũng có những sự nhờ vả do tính chất cực kỳ tế nhị của "người đi nhờ", mà chuyện từ chối là không dễ.
Cuối cùng, không thích nghi nổi một môi trường làm việc với chằng chịt những lời nhờ vả, anh quyết định bỏ việc, ra làm cố vấn cho một công ty tư nhân. Bây giờ, nhắc lại chuyện cũ anh thường lắc đầu: "Hồi ấy mệt kinh khủng. Giờ thì thanh thản hơn nhiều".
Nhưng anh bạn mà tôi kể có lẽ là một trong những "ca hiếm" dám dũng cảm từ bỏ cái môi trường nhờ vả để chuyển qua môi trường thanh thản. Chứ thực tế, chắc chắn có không ít người tìm mọi đủ cách chui vào cái "môi trường nhờ vả", rồi tận dụng mọi sự nhờ vả để hy vọng đạt được mục đích cuối cùng.
Thực tế này mạnh mẽ và đáng sợ đến mức trong một cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc đi nhắc lại về việc trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, đừng có ai đi nhờ vả về việc bỏ phiếu cho người này, người kia, và cũng đừng có ai đi nhờ người khác "bỏ cho em nhé!" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói nguyên văn.
Rõ ràng, “chủ nghĩa” nhờ vả là một “tồn đọng” trong guồng máy của chúng ta. Có những người trong guồng máy đi lên nhờ chủ nghĩa nhờ vả, chứ không nhờ năng lực chuyên môn. Có những người trong guồng máy không ngại rỉ tai nhờ vả những sự việc đem đến lợi ích cho con cái, anh em mình. Và có những người trong guồng máy hoặc vì nể nang, hoặc vì những mối quan hệ dích dắc, phức tạp trước đó mà khi "được nhờ vả" thì rơi vào thế RẤT KHÓ CHỐI TỪ!
Trở lại với lời khai của ông Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La về việc được ông giám đốc sở đã nhờ mình nâng điểm cho 8 thí sinh, trước mắt, ông Giám đốc Sở đã phủ nhận toàn bộ những điều này. Ông bảo mình không nhờ cấp dưới nâng điểm mà chỉ nhờ "xem trước điểm thi". Cụ thể "nhờ nâng điểm" hay "nhờ xem điểm" sẽ được cơ quan công an chính thức kết luận ở giai đoạn điều tra thứ 2. Nhưng ai cũng hiểu, và một người làm đến chức giám đốc một Sở GD - ĐT chắc chắn càng hiểu: Ngay cả nhờ "xem trước điểm thi" cũng là vi phạm quy chế thi.
Và từ việc "nhờ xem trước" (thôi thì hãy cứ tạm tin như thế) người ta buộc phải đặt thêm một câu hỏi nữa: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chuyên môn của một sở, thường xuyên có những quyết định ảnh hưởng tới số phận của nhiều học sinh - nhiều con người, họ còn ngang nhiên nhờ vả nhau những điều khuất tất gì?
Trong sự vận động của một guồng máy, có những sự nhờ vả dễ thấy - dễ thừa nhận ("nhờ xem điểm"), có những sự nhờ vả khó thấy - khó xác minh ("nhờ nâng điểm"), lại có những sự nhờ vả ẩn nấp trong bóng tối, khiến người ta cứ phải nghi ngờ. Tuần qua, khi Quốc hội bàn về dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, khi có những ý kiến trên diễn đàn Quốc hội được cho là "đứng về phía rượu bia" thì dư luận đã một phen râm ran về kiểu nhờ vả thứ 3 này.
Phát biểu tranh luận đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia trong điều kiện hiện nay mới nêu được vấn đề cơ bản.
Nói như ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế: "Nhiều điều trong Dự thảo Luật hiện nay tạo khoảng trống pháp lý, không làm rõ được tác hại của rựou bia, như mục tiêu ban đầu cơ quan soạn thảo mong muốn. Ví dụ: Quy định cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia".
Rồi ông Quang nhấn mạnh: "Bia cũng là sản phẩm có cồn, gây nghiện. Uống 1 lon/cốc bia tương đương 1 chén rượu nhỏ. Tác hại của rựou bia là như nhau. Nếu chỉ cấm quảng cáo rượu mà không cấm quảng cáo bia thì mọi người dễ hiểu nhầm "chỉ có rượu có hại, bia thì không".
Đấy chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ cho thấy dự thảo của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia cứ yếu dần đều sau mỗi lần bàn bạc. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Sự yếu dần đều đó là một kết quả của một quá trình tranh biện, nghiên cứu mang tính khoa học hay đơn giản chỉ là kết quả của những "sự nhờ vả nặng đô" nào đó của những nhà sản xuất đồ uống nào đó tới những người tham gia vào quá trình làm luật? Nếu vì những sự nhờ vả nào đó, chứ không phải vì những lợi ích của người dân hay những tranh luận khoa học mà một dự thảo luật ngày một yếu đi, và ngày càng xa dần mục đích ban đầu thì quả là đáng sợ!
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu tranh luận: "Uống rượu là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên "đoạn đầu đài" như thế này?".
Trong câu chuyện này cần phải bàn thêm một khía cạnh nữa, đó là cách mà chúng ta ứng xử với sự nhờ vả. Chuyện xưa kể rằng thời Tây Sơn, khi Ngô Thì Nhậm được trọng dụng thì một người bạn cũ là Đặng Trần Thường liền đến nhờ Ngô Thì Nhậm tiến cử mình ra làm quan. Nhưng nhận thấy Đặng Trần Thường "vào luồn ra cúi", Ngô Thì Nhậm kiên quyết lắc đầu từ chối.
Sau này Nguyễn Ánh đánh bại vương triều Tây Sơn, dành lại ngai vàng lập nên vương triều nhà Nguyễn, Đặng Trần Thường được thăng quan và được giao xử phạt những quan lại triều cũ như Ngô Thì Nhậm. Đặng Trần Thường lôi Ngô Thì Nhậm ra định xử đánh, trước đó ra vế đối cho ông:
Ai công hầu, ai khanh tướng
Vòng trần ai, ai dễ biết ai.
Ngô Thì Nhậm lập tức đối lại:
Thế Chiến Quốc, Thế Xuân Thu
Gặp thời thế, thế thời phải thế
Tương truyền là Đặng Trần Thường ép Ngô Thì Nhậm sửa "thế thời phải thế" sang "thế đành theo thế", nhưng Ngô Thì Nhậm không chịu sửa, nên đã tẩm thuốc độc vào roi, đánh chết Ngô Thì Nhậm. Có rất nhiều những giai thoại và những dị bản khác nhau về câu chuyện này, nhưng bất luận ở giai thoại nào, dị bản nào thì hình ảnh Ngô Thì Nhậm cũng hiện lên đầy liêm trung, khí phách.
Ông chính là điển hình cho một con người không vì sự nhờ vả và những lợi ích cá nhân mà bẻ cong đạo lý!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.