Chị Nguyễn Thị L phải ngồi nghiêng khi mổ lấy thai do khó thở. (Ảnh: Hà Trần/VNE)
Xin chào những Bình An, Kỳ Tích...
Câu chuyện xúc động ấy chỉ vừa diễn ra tuần này, khi người mẹ - chị Nguyễn Thị L đã ngồi trên bàn mổ, để các bác sĩ Bệnh K tiến hành phẫu thuật "cứu" đứa con 7 tháng trong bụng mình. Hai tháng trước, khi thấy hạch xuất hiện trên cổ mình, chị L đi khám và bàng hoàng phát hiện ra mình bị ung thư vú, giai đoạn cuối.
Có chấp nhận hy sinh đứa con 5 tháng để dồn toàn bộ tâm lực vào cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư? Đấy là câu hỏi mà các bác sĩ đặt ra cho chị, và đấy cũng là một câu hỏi day dứt nhất trong cuộc đời chị. Và rồi, với sự thôi thúc của tình mẫu tử thiêng liêng, chị đã chọn phương án: Cứu con.
Không hy sinh đứa bé, không thể xạ trị để chống chọi lại căn bệnh ung thư quái ác đồng nghĩa với việc chị phải sống những ngày tháng kiệt quệ, đau đớn về thể xác. Nhưng vì đứa con trong bụng, chị vượt qua đau đớn.
Hình ảnh người mẹ ngồi trên bàn mổ, đầu trọc, thân thể gầy gò, hình ảnh người chồng đứng đợi ngoài phòng mổ với khoé mắt đỏ hoe và cảm xúc đan xen khó tả chắc chắn khiến nhiều người trong chúng ta trào nước mắt. Tình yêu của chị dành cho Bình An – cậu bé vừa cất tiếng khóc chào đời - quá đỗi bình dị mà thật lớn lao!
Bé Bình An được các bác sĩ đưa đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc. (Ảnh: Diệu Thu)
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị L gợi tôi nhớ lại câu chuyện tương tự của chị Lê Thị Tú Cẩm ở Đà Nẵng một năm về trước. Cũng giống như chị L, chị Tú Cẩm kiên quyết không bỏ mầm sống đang lớn lên trong bụng, bất chấp việc bị mắc bệnh co cơ tuỷ - một căn bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh ấý khiến chị Cẩm hơn một lần chết lâm sàng, và khiến gia đình, người thân của chị hơn một lần tuyệt vọng.
Nhưng như một phép màu, trong những thời khắc bi đát nhất, hễ nghe được lời động viên từ các bác sĩ: "Cố lên Cẩm ơi, còn con nữa mà" là chị lại gắng gượng vượt lên và tạm thời chiến thắng tử thần. Để rồi cuối cùng tất cả các bệnh nhân ở khoa nội bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã cùng nhau cầu nguyện khi bác sĩ quyết định mổ cấp cứu, "gắp con" cho chị. Và ca mổ có một không hai ấy đã cho ra đời một em bé được đặt tên Kỳ Tích. Đúng là một kỳ tích thiêng liêng của tình mẫu tử.
Người mẹ bình thường – người mẹ phi thường
Những câu chuyện dẫn dắt những câu chuyện, để rồi trí nhớ (hay một cái gì đó ngoài trí nhớ) còn đột nhiên khiến tôi nhớ lại câu chuyện của Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm năm 2016 - vẫn là câu chuyện của một người mẹ từ chối xạ trị ưng thư để bảo vệ bằng được đứa con trong bụng mình.
Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm ngày ấy cũng phải ngồi, chứ không được nằm trên bàn mổ. Và ca mổ ấy, chị Trâm cũng không được gây mê, vì các bác sĩ lo sợ thuốc mê sẽ khiến chị không bao giờ tỉnh lại. Sẽ không quá lời nếu bảo những ca mổ như thế là những ca mổ của một sức chịu đựng phi thường. Để rồi sau sức chịu đựng phi thường - bé Gấu, con trai của chị Trâm đã chào đời! Khi bé Gấu gần tròn tháng, chị Trâm đã lặng lẽ ra đi...
Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm được người nhà chăm sóc trên giường bệnh những ngày cuối đời. (Ảnh: kenh14.vn)
Xin thưa những bạn đọc đáng mến, những câu chuyện của chị Đậu Thị Huyền Trâm, chị Lê Thị Tú Cẩm hay chị Nguyễn Thị L - đã và đang nói với bạn, với tôi điều gì? Những câu chuyện tương tự trong tương lai (nếu có) rồi sẽ tiếp tục truyền tải ý nghĩa gì?
Tất cả những người mẹ này, cho đến trước khi đột ngột biết mình mắc bệnh, đều là những con người bình thường, giản dị. Họ sống một đời sống bình thường, mang theo những hy vọng bình thường nhất về một ngôi nhà, nơi có chồng và những đứa con mạnh khỏe, vui vẻ...
Nhưng kể từ khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, khi từ chối chữa bệnh để giữ con, và khi quyết định ngồi trên bàn mổ trong những ca mổ không có thuốc gây mê để các bác sĩ mổ "gắp con" thì tất cả những người mẹ ấy có lẽ đã bước vào địa hạt của sự phi thường. Họ phi thường ngay giữa đời thường. Họ lớn lao vĩ đại ngay trong một đời sống mà có vẻ như những giá trị của sự lớn lao vĩ đại đều rất dễ bị những giá trị của sự thực dụng cầm tù.
Họ đã tạo ra những Kỳ Tích với mong mỏi một cuộc sống Bình An cho những người ở lại.
Lấp lánh những câu chuyện
Các bạn đọc kính mến! Chúng ta hãy thử nhìn lại xem, ngay trong tuần vừa rồi chúng ta đã đọc, đã nghe, đã bàn luận về tất cả những chủ đề nào liên quan đến người phụ nữ? Có thể, bạn đã phẫn nộ khi đọc về câu chuyện những người phụ nữ ở Bình Dương đột ngột giết người, chỉ vì nạn nhân có vẻ đã vi phạm một thứ giáo luật nào đó mà những người này theo đuổi. Có thể bạn đã mỉa mai một người phụ nữ nào đó mà theo bạn là đã ăn mặc rất phản cảm ở một liên hoan phim quốc tế...
Trong cơ man của những luồng thông tin vụn vặt, tiêu cực ấy, có thể bạn sẽ cám cảnh thốt lên: Cuộc sống gì mà lạ vậy? Nhưng rồi ngay ngày mai thôi, rất có thể bạn lại sẵn sàng chìm vào cơ man những thông tin y như vậy, lại oán trách cái điều quen thuộc ấy, rồi oán trách báo chí, oán trách mạng xã hội, oán trách thế thái nhân quần, cứ như thể tất cả những gì diễn ra đều không phải lỗi của mình.
Anh Đỗ Văn Hùng, chồng của chị Nguyễn Thị L., đã bật khóc sau khi được thông báo con trai đã chào đời. (Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi Trẻ)
Có bao giờ bạn dừng lại và nhận ra: Đời sống này vẫn lấp lánh những câu chuyện đẹp đẽ, như câu chuyện của những người mẹ sẵn sàng nhường mạng sống của mình cho sự ra đời của những đứa con? Những câu chuyện thiêng liêng, cao cả ấy diễn ra ngay trong đời thực, và ngay trong thời đại này, chứ không phải là một câu chuyện trong sách vở, hay trong một thời đại quá vãng, xa xôi nào đó mà bạn thi thoảng bạn vẫn thường hoài niệm.
Có bao giờ bạn hỏi chính mình: Những câu chuyện như thế đã hiện hữu trong lòng mình bao lâu? 1 giây? 1 phút? 1 ngày? Hay vĩnh cửu?
Và có bao giờ bạn nghĩ: Nếu những câu chuyện thiêng liêng như thế chỉ thoáng qua mình 1 giây - 1 phút - 1 ngày, rồi ngay sau đó lại là cả một biển trời những câu chuyện vụn vặt đầy tính giật gân, thì rốt cuộc những nguồn năng lượng tiêu cực sẽ tồn tại và phá huỷ tâm hồn bạn như thế nào?
Ngược lại, nếu những câu chuyện ấy được nuôi nấng, được gìn giữ và được găm lại một cách lâu bền thì những nguồn năng lượng tích cực sẽ giúp bạn sống một đời sống nhân hậu, an lành ra sao?
Có một nhà văn từng nói, trái đất sẽ sụp đổ nếu không còn ai, bằng chính hành động và cuộc đời mình có thể kể lại cho những người xung quanh những câu chuyện giàu tính nhân văn. Nhưng có lẽ nói thế là chưa đủ. Cần phải nói thêm rằng, trái đất vẫn sụp đổ khi người ta vì chìm vào dòng chủ lưu thực dụng mà đánh mất cái khả năng nuôi nấng những câu chuyện nhân văn.
Tôi đã nghĩ, những người mẹ như chị Đậu Thị Huyền Trâm, Lê Thị Tú Cẩm Nguyễn Thị L..., bằng cuộc sống và mạng sống của mình đã gọi ra những tín điều thiêng liêng vô cùng của đời sống này - những điều mà có thể chúng ta thường ngày không nhìn thấy.
Đúng rồi, sự bủa vây của những thông tin tiêu cực cùng một thời đại mà giá trị lợi ích bị đẩy cao tới mức mù loà có thể đã che mắt, thậm chí là bị mắt chúng ta.
Nó khiến chúng ta không thể nhìn thấy những thánh đường ngoài mình. Nó khiến chúng ta thậm chí còn không dám tin là có một thiên đường sâu thẳm trong chính lòng mình.
Tôi đã có những lúc rơi vào trạng thái lãng quên, trạng thái ngờ vực, trạng thái bất tin y như thế. Nhưng rồi những câu chuyện thiêng liêng về sự hy sinh của những người mẹ ngay trong thời đại của tôi - những người sống một đời sống thường ngày y như tôi..., đã giúp tôi được trở về với niềm tin ấy.
Bạn đọc thân mến, có thể bạn vẫn không tin. Đấy là quyền của bạn, và biết đâu, nó cũng là nỗi bất hạnh của bạn nữa. Nhưng đến lúc này, sau khi một chuỗi hình ảnh về những người mẹ gầy gò, với sự chịu đựng phi thường, vượt qua nỗi đau cả thể xác và tinh thần, để cứu đứa con trong bụng cứ trở đi trở lại trong lòng tôi thì tôi đã tin. Đức tin mãnh liệt và sâu sắc...
Rằng, trong mỗi người mẹ đều có một thiên đường.
Rằng, trong lòng tất cả chúng ta, đều thấp thoáng một thiên đường, nơi lòng thiện ngự trị, nơi luôn sáng lấp lánh với những câu chuyện về Đức Hy Sinh và Tình Yêu Cao Cả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.