Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cung kính gửi tiên sinh Cao Bá Quát!
Mấy hôm nay, chứng kiến chuyện hàng loạt thí sinh điểm 0, điểm 1, điểm 2... bị các trường Đại học danh tiếng trả về, kẻ hậu sinh này bỗng nhớ tiên sinh ghê gớm. Bởi ai cũng biết lúc sinh thời, chính tiên sinh, trong vai trò Sơ khảo trường thi Thừa Thiên (năm 1841), đã tham gia vào việc làm thay đổi bài thi của các sĩ tử và sau đó đã phải nhận bản án nghiêm khắc.
Trong 10 sinh viên trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân của Sơn La, có một số thí sinh nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm năm 2018.
Chỉ vì thấy 24 bài thi văn hay quá, nhưng lại phạm huý. Vì không nỡ đánh trượt người tài nên tiên sinh mới lấy muội đèn làm mực, chữa 24 bài thi này.
Ở vai trò Sơ khảo trường thi, chắc chắn tiên sinh biết can thiệp vào bài thi là mắc tội xử tử. Biết nhưng vẫn làm, đấy là vì tiên sinh quý trọng nhân tài. Vì tiên sinh hiểu "hiền tài" đúng là "nguyên khí Quốc gia". Và vì tiên sinh biết, bỏ sót 24 nhân tài là quốc gia sẽ mất đi 24 niềm hy vọng.
Nhưng tiên sinh biết không, nếu như ở thời đại của mình, tiên sinh chữa 24 bài thi để cứu hiền tài thì ở thời đại hôm nay, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017/2018 lại có những kẻ sẵn sàng chữa điểm của hàng chục, hàng trăm bài thi (hy vọng chỉ dừng lại ở số lượng này) để giết chết hiền tài.
Nếu có một cách nào đó để nghe được tiếng nói của thời đại hôm nay chắc chắn tiên sinh sẽ kinh hoàng khi nhận ra có những bài thi điểm 0 được phù phép thành điểm 9. Sẽ kinh hoàng khi biết rằng một thí sinh ở Sơn La có điểm thi lần lượt 3 môn Toán - Vật lý - Ngoại ngữ là 9-9-9, nhưng khi chấm thẩm định, điểm số thật lần lượt là 0 - 0,25 - 0,2.
Cái dãy số "0-0,25-0,2" kia nói lên điều gì?
Nó nói rằng trong suốt 3 năm học phổ thông, thí sinh này thật sự không biết một cái gì. Vậy thì tiên sinh à, dãy số ảo "9-9-9" kia nói lên điều gì? Nó nói lên sự trơ trẽn vô liêm sỉ của một nhóm người sẵn sàng biến "đen" thành "trắng", từ đó trực tiếp tước đoạt cái quyền được "trắng" của rất nhiều sĩ tử khác.
Nhiều sinh viên đã bị buộc thôi học vì có liên quan tới gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Mà tiên sinh biết không, có một sự thật là rất nhiều trường hợp được phù phép, ban tặng điểm số là con nhà giàu hoặc con nhà quyền thế. Nó cho thấy câu vè cực kỳ phổ biến trong xã hội đương đại "Nhất hậu duệ/Nhì tiền tệ/Ba quan hệ..." hoá ra lại đúng ngay từ khâu đầu vào Đại học.
Hậu quả là các trường công an đã phải trả lại 28 thí sinh gian dối, trường Đại học Y, đến thời điểm này ít nhất cũng đã trả lại 1 thí sinh gian dối. Ai cũng biết, những trường công an là nơi đào tạo những con người sau này bảo vệ an ninh cho đất nước, còn Đại học Y là nơi đào tạo những người trực tiếp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Nếu những đơn vị đào tạo có ý nghĩa nghiêm trọng và quan trọng đến sự tồn vong của đất nước và nhân dân lại để lọt những "con sâu" - những "điển hình dối trá" thì tương lai của chúng ta rồi sẽ bị đánh đu, sẽ bị thử thách như thế nào?
Nhưng chưa hết đâu, tiên sinh ạ. Sở dĩ những "con sâu" bị chỉ điểm, những "điển hình dối trá" bị phanh phui là vì đề thi năm vừa rồi khó quá, thế mà điểm số của những khu vực như Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang lại cao quá. Nó cao hơn cả điểm số ở các khu vực vốn có truyền thống học hành như Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, TP.HCM...
Vì thế nên nó mới tạo ra một dấu hỏi bất thường ghê gớm, từ đó khiến ngành giáo dục buộc phải điều tra. Nhưng những năm trước, khi đề thi được cho là dễ hơn rất nhiều, dẫn đến việc hàng loạt những địa phương đều có những cơn mưa điểm 9, điểm 10 thì sao?
Với những gì vừa xảy ra, người ta có quyền đặt câu hỏi: Trong số những cơn mưa điểm 9, điểm 10 hồi ấy, có bao nhiêu điểm thật, bao nhiêu điểm ảo? Nếu ngành giáo dục không thể lật lại quá khứ để trả lời tường tận câu hỏi này thì rất có thể cái chết của những "con sâu" điểm năm nay chỉ là vì đen đủi mà phải chết.
"Vì đen mà phải chết" thì cũng có nghĩa đã có, và rất có thể sẽ tiếp tục có những trường hợp "không đen nên không chết". Như thế cũng có nghĩa bóng ma của những "con sâu" đã, đang và vẫn sẽ chờn vờn quanh đời sống chúng ta, tước đoạt chỗ đứng của những nhân tài hiếm hoi mà chúng ta may mắn có, từ đó huỷ hoại những giá trị tử tế trong đời sống mà chúng ta gắng công theo đuổi.
Thưa tiên sinh, kẻ hậu sinh này nghĩ rằng, gian dối trong giáo dục chắc chắn là một tội ác, vì nó sẽ tàn phá nghiêm trọng tương lai của một đất nước, một giống nòi.
Ở thời đại của mình, với khí tiết sĩ phu quân tử của mình, rõ ràng là tiên sinh sửa điểm để cứu người tài, nhưng cứu người tài theo cách đó cũng là phạm luật. Cho nên tiên sinh đã phải chịu án "trảm quyết" (chém chết ngay), sau đó mới giảm xuống "giảo giam hậu" (giam lại, đợi thắt cổ đến chết), sau đó giảm xuống phải đi đầy.
Như thế có nghĩa, tiên sinh đã phải chịu những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc. Qua trường hợp của tiên sinh, chúng tôi hiểu rằng khoa cử phong kiến có thể tồn tại những mặt hạn chế nào đó, nhưng khoa cử phong kiến luôn rất mực nghiêm minh.
Thưa tiên sinh, còn trong vụ gian dối điểm thi gây bức xúc dư luận hiện nay, đến thời điểm này mới chỉ có một vài chuyên viên cùng một vài lãnh đạo ở cấp phó giám đốc sở Giáo dục bị khởi tố. Đúng là các sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những hành vi đáng xấu hổ này, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì cũng chẳng khác gì đụng vào phần nổi của tảng băng.
Ai đã đứng sau tác động lên các quan chức và các công chức sở? Ai sẵn sàng dùng tiền, dùng quyền để hô biến những cô/cậu quý tử dốt đặc cán mai trở thành những thủ khoa, á khoa Đại học?
Có lẽ, tiên sinh cũng đồng ý với chúng tôi, nếu không thể trả lời những câu hỏi này, để truy đến cùng căn bệnh dối trá lừa đảo có nguy cơ làm lung lay tiền đồ quốc gia như thế này, thì chắc chắn sau một thời gian nấp mình, những con sâu điểm rồi sẽ lại trỗi dậy theo một cách thức mới - tinh vi, khôn lường, khó phát hiện hơn!
Thưa tiên sinh, lớp hậu thế chúng tôi vẫn gọi tiên sinh là một trong những nhà nho tài tử. Cái chất tài tử của tiên sinh, đến tận bây giờ thời đại của chúng tôi vẫn tiếp nối, nhưng cái chất nhà nho với tính liêm sỉ nho giáo của tiên sinh, thì phải nói thật, thời đại của chúng tôi hôm nay đã để thất truyền. Và có vẻ chính từ sự thất truyền căn cốt ấy mà thời đại của chúng tôi mới nảy sinh lắm chuyện dối trá, lừa đảo, gian lận đến mức trơ trẽn, vô nhân như trong câu chuyện giáo dục mà tôi đã trình bày ở trên.
Thật buồn, khi phải viết thư cho tiên sinh trong tâm thế này, nhưng không còn cách nào khác cả. Sống khôn chết thiêng, mong tiên sinh ghi nhận tấm lòng thành, và bằng một cách nào đó, chỉ cho chúng tôi một lối ra!
Hà Nội, ngày 12, tháng 4, năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.