Nhật Cường Mobile và câu chuyện doanh nghiệp “sân sau”

Phan Đăng Thứ bảy, ngày 18/05/2019 09:01 AM (GMT+7)
Không phải tới khi ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy bị khởi tố, có lệnh bắt tạm giam với hành vi buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, dư luận mới bật ra câu hỏi: Ai đã bảo kê cho Nhật Cường để doanh nghiệp non trẻ này phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, qua mặt hàng loạt "đại gia"? Hay nói ngắn gọn: Nhật Cường là "sân sau" của ai?
Bình luận 0

img

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu sau khi tiến hành khám xét trụ sở của Nhật Cường Mobile ở Hà Nội. (Ảnh: Zing.vn)

Câu hỏi từ dư luận

Chia sẻ với báo chí ngay sau thông tin Nhật Cường Mobile bị khám xét và ông chủ là Bùi Quang Huy bị khởi tố, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư đặt ngay vấn đề cần làm rõ ai đã chống lưng, bảo kê cho Nhật Cường. Ông cho biết, trên thực tế, thời ông còn công tác cũng có những trường hợp doanh nghiệp được “bảo kê”, nhưng sự việc được làm rõ ở mức độ nào thì tùy thuộc vào cơ quan chức năng.

Cùng quan điểm, Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích sâu hơn: Nhật Cường là một công ty mới thành lập được vài ba năm, số vốn không phải là doanh nghiệp xếp thứ hạng trong top nhất, nhì, ba Việt Nam về công nghệ thông tin. Một doanh nghiệp mới, lại không nằm trong top đầu mà nhận được nhiều hợp đồng quan trọng về lĩnh vực công nghệ thông tin của Thủ đô thì khó mà thuyết phục được.

Nhìn nhận ở góc độ kinh tế, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nói trên báo điện tử Tổ Quốc: Trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh như hiện nay, với những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và đúng đắn thì tồn tại được đã là khó, chứ được phát triển, được ưu ái, được tham gia những dự án "ngon lành" thì chắc chắn là không có.

"Trong khi đó, những doanh nghiệp làm ăn không trung thực, gian lận, móc nối sân sau... thì luôn luôn có được những cơ hội vàng, được ưu ái từ giá cả, đấu thầu, đấu giá, những điều kiện về thủ tục, thuế má...", ông Đức nói. 

Tôi tự hỏi: Những băn khoăn kiểu như thế có mới không? Câu trả lời là "không", bởi không phải đợi tới vụ việc của Nhật Cường, từ nhiều năm nay rồi, cứ hễ một doanh nghiệp lớn nào đó bị lôi ra ánh sáng là người ta lại hỏi như thế. Tại sao lại cứ phải hỏi như thế? Tại vì người ta tin, nếu không phải là "sân sau" của một ai đó thì những doanh nghiệp này không thể đứng trong bóng tối một cách lâu dài và "hiệu quả" như vậy được.

Mà vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tin hay không tin, nghi hay không nghi, vấn đề là quả nhiên đã có những doanh nghiệp "sân sau" bị phát giác, khiến cho rất nhiều người kinh ngạc. Điển hình nhất là câu chuyện của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai.

Từ năm 2008, khi còn làm Giám đốc Sở Công Thương, bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn tham gia điều hành một công ty TNHH có tên là Cường Hưng, mà công ty Cường Hưng lại do chính chồng bà làm cổ đông sáng lập. Thế nên chẳng có gì bất ngờ khi bà Phan Thị Mỹ Thanh lấy cả tiền ngân sách để hỗ trợ dự án BOT của công ty chồng mình. Với một bà vợ làm lãnh đạo tỉnh, công ty ông chồng đã có những lợi thế và những ưu ái rõ ràng, hiển nhiên như vậy đấy.

img

Nhiều điểm bán hàng của Nhật Cường tại Hà Nội phải đóng cửa. (Ảnh: P.V)

Trở lại với câu chuyện của Nhật Cường Mobile, thật kỳ lạ là từ một cửa hàng sửa chữa điện thoại, Nhật Cường đã âm thầm lấn sân sang lĩnh vực công nghệ và trúng thầu (hoặc được chỉ định thầu?) hàng loạt các dự án công nghệ lớn của Hà Nội: Từ cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến đến phần mềm hộ chiếu online, và đặc biệt nhất là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp. Cần nhắc lại là Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố thông minh. Và Nhật Cường là một phần quan trọng - không thể thiếu trong chiến lược này.

Không đủ tầm vóc, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ như các đại gia Viettel hay FPT mà lại được tham gia vào các dự án công nghệ của Thủ đô, trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển vĩ mô của Thủ đô, vậy nên dư luận đặt những câu hỏi như trên hoàn toàn là điều dễ hiểu.

Hẳn nhiên mọi thứ mới dừng lại ở việc suy đoán. Việc chứng minh đúng sai sẽ thuộc về cơ quan chức năng, nhưng việc nghi ngờ, đặt dấu hỏi thì hoàn toàn là quyền từ dư luận.

Doanh nghiệp "sân sau", vấn nạn của nền kinh tế

Tuy vậy, từ câu chuyện "sân sau" có thật của bà Phan Thị Mỹ Thanh, người ta lại nhớ đến nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp Chính phủ: Tôi biết có ông có tới 14-15 cái "sân sau"!

Chỉ một cái "sân sau" là đã nghiêm trọng lắm rồi. Đằng này lại có tới 14 - 15 sân sau như nhận định của Thủ tướng thì đúng là quá sức tưởng tượng.

"Sân sau" chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng tài sản công, chính sách công, dự án công. "Sân sau" chắc chắn sẽ giết chết những cạnh tranh lành mạnh. "Sân sau" chắc chắn khiến cho kinh tế tư nhân đúng nghĩa không có cơ hội để ngoi lên. Có tiếp xúc với giới doanh nhân và nghe họ than vãn về việc không thể cạnh tranh nổi với công ty này, công ty kia, vì nó là sân sau của ông này - ông kia mới hiểu được những tàn phá khủng khiếp mà vấn nạn "sân sau" tạo ra trong bức tranh kinh tế nước nhà.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 cách đây ít hôm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân, thậm chí đề nghị thảo luận về việc có thể phong anh hùng cho các doanh nghiệp tư nhân xuất sắc.

Tổng Bí thư cho rằng, chú trọng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân là bước đi chính xác, phù hợp với vận động của thời đại. Nhưng kinh tế tư nhân sẽ bị thiêu rụi nếu một bộ phận doanh nghiệp tư nhân nào đó thực chất lại là "sân sau" của ông nọ, bà kia.

Vấn đề đặt ra: Quyét sạch sân sau khó hay dễ?

Trong câu chuyện của bà Phan Thị Mỹ Thanh, có một thực tế là "sân sau" của bà đã tồn tại cả chục năm. Thế mà phải đợi tới khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mọi thứ mới bị đưa ra ánh sáng. Vậy thì vai trò của các cơ quan thanh tra cấp tỉnh đâu? Vai trò giám sát của các cán bộ địa phương đâu? Quá khó để phát hiện ra sự thật hay vì một lý do đặc biệt, tế nhị nào đó mà ngay cả khi đã nhìn ra sự thật thì các cấp, ngành địa phương cũng quá khó để đưa sự thật ra ánh sáng?

Muốn giải quyết tận cùng vấn nạn "sân sau" nhất định phải tìm ra cách kiểm soát quyền lực của những người có cơ hội tạo ra những "sân sau". Sự ra đời của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước (mà chúng ta vẫn gọi nôm na là "siêu uỷ ban") chính là một trong những cách như thế.

Với việc quản lý vốn của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, "siêu uỷ ban" sẽ khiến các Bộ chủ quản không thể vừa ban hành chính sách trong một lĩnh vực, vừa quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực này như trước nữa. Nghĩa là không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi như trước nước. Mà đã không thể vừa đá bóng vừa thổi còi thì cũng không thể dễ dàng biến các doanh nghiệp nhà nước trở thành "sân sau" của mình.

Ngoài ra, luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) không những quy định "người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, quản lý, điều hành các doanh nghiệp tư nhân", mà còn quy định người có chức vụ, quyền hạn cũng không được để người thân kinh doanh trong lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. Những quy định này cũng là một trong những đòn đánh  vào vấn nạn sân sau.

Tuy nhiên, để lách luật người ta có thể không để "người thân kinh doanh" mà lại để "bạn bè kinh doanh", thậm chí hoạt động kinh doanh không diễn ra trên địa bàn tỉnh mình mà lại diễn ra trên địa bàn hàng xóm, theo đúng tinh thần: Anh "đỡ" tôi - tôi "đỡ" anh.

Thành thử, mấu chốt sâu xa của vấn đề vẫn nằm ở việc phải làm sao chọn lựa được một đội ngũ công quyền thực sự có trách nhiệm - những người không phải "đầu tư đầu vào" cho một cái ghế, nên khi ngồi lên ghế không phải đau đáu tìm đủ mọi cách để "gỡ gạc", kiếm lời.

Chuyện xưa kể rằng một lần, có một người đến gặp vợ Trần Thủ Độ, xin được làm chức Câu đương - một chức nhỏ trong làng. Biết chuyện, Trần Thủ Độ nói với người đi xin chức:

- Ta đồng ý! Nhưng chức mà ngươi có được khác tất cả những người khác, nên ngươi cũng phải làm một việc khác tất cả những người khác.

- Xin hỏi, việc đó là gì?

- Chặt đứt một ngón tay!

Nghe đến đây, người đi xin chức rụng rời mà lui ra. Kể từ đó cũng chẳng còn ai dám đến nhà Trần Thủ Đô xin ơn mưa móc nữa.

Trộm nghĩ, bộ máy công quyền của chúng ta hôm nay, nếu ai cũng phát huy được tinh thần của Trần Thủ Độ, và ai cũng nhìn người, chọn người, tuyển người theo đúng tinh thần của Trần Thủ Độ thì may chăng, “sân sau” mới có thể được quét sạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem