Tổng đạo diễn đầu bạc
Công chúng đã quen với hình ảnh "ông nghị đầu bạc" Dương Trung Quốc với những chất vấn gay gắt ở các kỳ họp Quốc hội, giờ sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông đảm nhiệm vị trí mới: Tổng đạo diễn một chương trình nghệ thuật lớn để kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Hội Khoa học Lịch sử VN.
|
Hình ảnh những người lính đang canh giữ Trường Sa sẽ được Chương trình “Sóng vọng Biển Đông” tập trung khắc hoạ. |
Thật ra nhà sử học này cũng không e ngại lắm, bởi bên cạnh ông, vị trí chỉ đạo nghệ thuật đã có nhạc sĩ Lê Minh Sơn- người tới nay "đã tổ chức tới 9 liveshow mà chưa lần nào thua lỗ" (lời tự bạch của anh). Và xa xa hơn một chút nữa, sau lưng nhà sử học vẫn còn có ông anh vợ đầy tài năng là nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Ý tưởng tổ chức một đêm nghệ thuật với các ca khúc về Biển Đông nhen nhóm từ khi nhà sử học Dương Trung Quốc có dịp ra Trường Sa cùng chuyến với nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Giữa trời nước mênh mông và những hòn đảo, họ đã gặp nhau, trò chuyện và sẻ chia rất nhiều cảm xúc về biển. "Sóng vọng Biển Đông" cũng chính là tên một trong số các ca khúc mà nhạc sĩ trẻ viết sau chuyến hải hành đặc biệt ấy.
Tổng đạo diễn Dương Trung Quốc cho biết: "Giữa âm nhạc và sử học có nhiều điểm rất gần nhau, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đã chọn thể loại sử ca như một phương thức để khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc ở người nghe. Đó là lý do vì sao Hội Sử học VN quyết tâm tổ chức đêm nghệ thuật này.
Còn tại sao lại là Biển Đông? Là vì VN chúng ta có hơn 3.200km bờ biển, chúng ta chịu biết bao sóng gió, không những của thiên nhiên mà kể cả nguy cơ xâm lăng từ biển vào. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, chúng tôi muốn đưa vào chương trình này sự đánh thức, những bài hát nói về sự giàu đẹp của quê hương chúng ta, và truyền thống của ông cha chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước".
Từng khóc ở Trường Sa
Lê Minh Sơn tâm sự rằng một gã trai bụi bặm như anh đã từng không ít lần rơi lệ ở Trường Sa khi ngắm biển trời hùng vĩ và chứng kiến sự nhỏ bé, sức chịu đựng phi thường của những người lính đảo. Giữa tiếng sóng biển ầm ào vỗ liên hồi vào chân đảo, giữa nắng và gió thi nhau quất vào người, anh và những người lính đảo đã cùng chia sẻ tâm tình qua tiếng ghi ta bập bùng và nỗi nhớ quê hương trong những ca khúc "Ôi, quê tôi", "Bên bờ ao nhà mình"...
Sơn bảo lính đảo luôn mang theo đất liền trong tim mình, giúp họ kiên gan hơn khi đối mặt với kẻ thù để bảo vệ từng centimet biển trời Tổ quốc. Để nhớ tới những người lính ấy, trong chương trình này, Lê Minh Sơn sẽ cố gắng mang đến cho người xem những cảm xúc hùng tráng và hào sảng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Và chính anh, sẽ trình diễn tác phẩm chủ đề "Sóng vọng Biển Đông" ở phần cuối chương trình, “có thể chưa hay bằng những ca sĩ chuyên nghiệp nhưng Sơn sẽ hát những lời hát cất lên từ trái tim, bằng cảm xúc trực diện và chân thật nhất, sống động nhất” - anh nói.
Đêm nhạc này sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa - xã hội hàng năm mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dự định tổ chức từ năm 2011, nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vấn đề thời sự và lịch sử của đất nước, bên cạnh diễn đàn sử học được tổ chức thường niên.
Các ca khúc trong "Sóng vọng Biển Đông" khúc được dàn dựng theo 4 phần: “Xây dựng đất nước và bảo vệ biển đảo”; “Vọng phu”; “Câu chuyện của người mẹ” và “Một ngày bình thường”, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ là những ngôi sao của dòng nhạc cách mạng như NSND Quang Thọ, Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Tân Nhàn, Khánh Linh....
Câu chuyện xuyên suốt chương trình là hình ảnh người con của một liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma, những bài hát sẽ lần lượt được cất lên như những ánh đèn hải đăng dẫn đường cho người con tìm đến với hình bóng cha mình. Khán giả sẽ được nghe lại "Bạch Đằng Giang" (Lưu Hữu Phước), "Vượt trùng dương" (Nguyễn Văn Tý), "Hòn vọng phu 2" (Lê Thương), "Hò biển" (Nguyễn Cường), "Xa khơi" (Nguyễn Tài Tuệ), "Biển hát chiều nay" (Hồng Đăng)... trên nền những clip ảnh tư liệu đặc biệt về những sự kiện lịch sử.
Hà Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.