Ra giá cho cái chết
"Lớp mình vừa nháo nhào lên vì vụ cậu bạn trong lớp đột nhiên đòi tự tử. Nam (tên cậu bạn) vốn được ba mẹ cưng chiều, muốn gì được đó. Không hiểu nghe ai, cậu đi xăm nguyên con đại bàng ở tay. Về nhà, ba mẹ Nam phát hiện ra và mắng cho một trận tơi bời. Vậy là Nam viết thư... tuyệt mệnh kể lể "ba mẹ không hiểu con, không cho con được tự do cá nhân. Sống trên đời mà ngay cả người nhà cũng không tôn trọng mình thì còn ý nghĩa gì...".
Sau đó, Nam... up lá thư tuyệt mệnh lên facebook rồi tag cả đám bạn bè vào, ghi chú rõ ngày giờ "ra đi" và còn lên kế hoạch ăn chơi cho hết tiền trước khi "hẹn lại kiếp sau".
May quá, chưa kịp "đi" thì ba mẹ Nam đã phát hiện ra lá thư và xuống nước xin lỗi cậu ấy đủ điều. Vậy là... thôi, Nam không chết nữa. Vì thực ra, cậu chàng cũng chỉ định "quậy một trận" "dằn mặt" ba mẹ, để ba mẹ biết rằng "con cũng liều lắm". Đến giờ, Nam còn tự hào vì thành tích ăn hiếp được ba mẹ bằng câu “con đi chết đây”.
Trò dọa dẫm của Nam chỉ chứng tỏ sự trẻ con và bốc đồng. Nhưng những người trẻ không chỉ dọa mà quyết tâm chết thật lại càng đáng trách hơn. Họ có thể nhảy cầu vì cãi nhau với bạn trai, treo cổ vì bị điểm thấp trong lớp, rạch tay chỉ vì cho rằng ba mẹ thiên vị em gái hơn mình.
Điểm chung của các bạn trẻ này là suy nghĩ dùng tính mạng của mình để trả thù, làm người khác phải dằn vặt đau khổ vì trót làm họ tổn thương.
T.Ngân, cô bạn từng nốc hơn hai mươi viên thuốc ngủ vì bị bạn bè coi thường, cho biết “Trước khi uống thuốc, tôi viết thư kể lại những cái tên đã ép mình vào đường cùng. Tôi còn hẹn họ có làm ma cũng về ám ảnh, không cho họ sống yên ổn. Tôi chỉ mong những người này sẽ trở thành hung thủ giết người. Họ sẽ phải đau khổ, dằn vặt vì đã hại chết tôi...”. Thế nhưng khi nuốt xong thuốc, cũng là lúc Ngân sợ hãi tột cùng và xuống nhà nhờ mẹ đưa vào bệnh viện.
Trong bao nhiêu kế hoạch trả thù, có bao nhiêu người may mắn như Ngân - và có bao nhiêu kế hoạch đã thực sự "thành công"? Khác với Chí Phèo xưa, "Chí Phèo" hiện đại nay còn ghê gớm hơn. ^^
Cả thế giới "nợ" mình
...Thì họ sẽ làm đủ chiêu "rạch mặt ăn vạ" chấp nhận khổ mình khổ người để đòi cho xong "nợ".
Đang học năm 2 Đại học, Hùng lấy toàn bộ tiền tiết kiệm của mình nhập lậu điện thoại Trung Quốc về bán. Đến lần thứ 3, lô hàng của cậu bị tịch thu. Hùng phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để cứu hàng ra. Nhưng với số tiền lên đến vài chục triệu thì bạn bè cậu cũng đành bó tay nhìn Hùng mất cả chì lẫn chài.
Điều đáng nói là sau thất bại đó, Hùng luôn cho rằng mình bị bạn bè "chơi xấu", ganh tị với chuyện kinh doanh của mình. Họ thấy cậu hoạn nạn mà không giúp đỡ thì khác nào đạp cậu rơi luôn xuống bùn.
Chán đời, Hùng thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn và không thiết tha gì chuyện học hành nữa. Cậu bắt đầu dính vào lô đề, rồi tìm đủ cách để vay tiền bạn bè trong lớp, ít thì 50k-100k, nhiều thì vài triệu. Bạn ấy thậm chí còn đem cầm xe máy, laptop của bạn bè để lấy tiền ăn tiêu.
Cho mượn thì dễ, nhưng đòi của Hùng thì đừng hòng. Cậu "bẩn" đến mức mắng ngược lại chủ nợ là "có vài đồng bạc lẻ mà léo nhéo, tao không thích trả thì đã sao". Biện minh cho mình, Hùng thường lôi chuyện xưa tích cũ ra để than thở và kết luận vì bạn bè đẩy cậu vào cảnh trắng tay, nên giờ cậu phải đòi lại cho đủ nợ.
Bắt bệnh các "anh Chí" 2010
Cuộc sống không phải là một chuỗi ngày êm ả và suôn sẻ, cũng chẳng ai có thể có muốn gì được nấy suốt cả đời. Trước những trắc trở và thất bại ấy, người thông minh sẽ chọn cách nhìn lại mình để rồi tiến lên phía trước. Nhưng cũng có những người chọn cách ngồi oán trách số phận hoặc tìm đủ mọi cách để đổ lỗi cho xã hội và những người xung quanh.
Ngân - cô bạn từng uống thuốc ngủ, chia sẻ: "Vào thời điểm đó, mình cảm thấy uất ức mà không biết phải làm gì để giải tỏa. Mình muốn người khác hiểu được cảm xúc của mình, muốn được tôn trọng. Nhưng ngoài những suy nghĩ tiêu cực ra, đầu mình chẳng còn lại gì. Ngày này qua ngày khác, mình không thể dừng cái ý nghĩ dùng cái chết để trả thù người khác được"....
Thực tế cho thấy, khi người trẻ thực hiện những hành vi như tự tử, quậy phá, đánh nhau, phạm pháp... đều ít nhiều có những bất ổn trong cuộc sống. Để bảo vệ cái tôi của mình, họ sẽ nảy sinh tâm lý đả kích xã hội, cho rằng người khác là nguyên nhân cho những thất bại của mình. Khi phạm phải một sai lầm, phản xạ trước tiên của họ là "không phải tại tôi", tiếp theo là cảm giác "người khác phải chịu trách nhiệm vì những gì xảy ra cho tôi".
Sự ích kỷ,vô trách nhiệm và thiếu kinh nghiệm sống đã sinh ra những người trẻ sẵn sàng làm điều xấu rồi lại đổ tất cả tội lỗi cho cộng đồng. Chỉ có một điều những “anh Chí thời nay” không nghĩ đến. Đó chính là: khi “rạch mặt ăn vạ” thì kẻ đầu tiên đau đớn và chảy máu chẳng phải ai khác mà chính là bản thân mình. Khi họ không biết chăm lo, tôn trọng chính mình - thì ai có thể làm điều đó?
Theo HHT
Vui lòng nhập nội dung bình luận.