Hải Dương: Làm thế nào để phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái?
"Kho báu" 35.000 tấn đang náu dưới sông, Hải Dương bàn cách khai thác bền vững
Thi Ngọc
Thứ sáu, ngày 03/12/2021 10:39 AM (GMT+7)
Ngày 2/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT Hải Dương đồng tổ chức chương trình diễn đàn trực tuyến với chủ đề: “Phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái”.
Diễn đàn được tổ chức với sự chủ trì của các ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản; ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã tỉnh Hải Dương; các vị đại biểu tham dự là đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối và các đại diện các HTX, hộ sản xuất cá lồng bè tham gia trên nền tảng Zoom.
Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao kiến thức, trao đổi thảo luận với các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp về chủ trương chính sách và giải pháp khoa học công nghệ thiết bị kỹ thuật trong phát triển nuôi cá lồng bè, từ đó địa phương có hướng đi bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái.
Đồng thời, hội nghị đề cập đến hướng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp và người dân để liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho cá lồng bè.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo giá trị khác biệt, một trong những hướng đi đó là phát triển nuôi cá lồng trên sông.
Ông Vũ Việt Anh khẳng định, Hải Dương là địa phương có truyền thống nuôi cá nước ngọt nhiều năm với quy mô lớn, đồng thời có hệ thống sông ngòi dày đặc, chất lượng nước, địa hình bãi sông rất phù hợp để phát triển cá lồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 7.040 lồng chủ yếu tập trung tại sông Thái Bình và sông Kinh Thầy với sản lượng khoảng 35.000 tấn mỗi năm.
Với việc ứng dụng công nghệ cao, nhiều cơ sở được lắp đặt hệ thống chăm sóc theo dõi tự động, trích xuất QR code, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều năm nay, cá lồng Hải Dương đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người nuôi và các địa phương.
"Tuy nhiên, ngành nuôi cá lồng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là kỹ thuật nuôi, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, phát triển cá lồng gây tác động lên môi trường sinh thái. Việc nuôi cá lồng bè còn mang tính tự phát, chưa có sự liên kết, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh ảnh hưởng đến thu nhập người sản xuất chưa phát huy được tối đa", ông Vũ Việt Anh chia sẻ.
Tại Hội nghị, các chủ hộ nuôi cá lồng cũng mạnh dạn đưa ra các vấn đề còn vướng mắc như một số bệnh thường gặp trong qua trình nuôi cá, vấn đề giá thức ăn chăn nuôi, thị trường tiêu thụ cá lồng, lãi suất ngân hàng, môi trường nước…trong đó đặc biệt là môi trường nước.
Ông Nguyễn Trung Tự, chủ hộ nuôi cá lồng tại xã Nam Tân, Nam Sách (Hải Dương) nhấn mạnh, tất cả người dân cần giữ gìn, bảo vệ nguồn nước. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ mình.
"Bảo vệ môi trường nước là một trong những mục tiêu trọng yếu trên sông. Ngành thủy sản nên có một tiêu chí cụ thể giám sát chặt chẽ việc duy trì và mở rộng quy mô nuôi cá lồng. Các hộ nuôi cá phải đủ điều kiện mới được tham gia…", ông Tự trình bày.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX sản xuất & kinh doanh thủy sản Xuyên Việt cho rằng, thực trạng cá lồng bè tại Hải Dương đang phát triển ồ ạt, cần phải thận trọng với tác động của môi trường và lường được thị trường tiêu thụ để tránh tình trạng sản xuất dư thừa.
Để phát triển bền vững, các hộ nên có các hợp đồng kinh tế trong việc thu mua con giống, thức ăn để đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn, hợp đồng kinh tế trong việc bao tiêu đầu ra để sản xuất những thứ thị trường cần…
Theo ông Việt, các chủ hộ phải nắm vững kiến thức về nuôi cá lồng bè, phải nắm được các bệnh của từng loại cá vào từng thời điểm để có phương pháp nâng cao chất lượng thể trạng con giống, vật nuôi như cho cá uống thêm Vitamin C, dùng i ốt tắm cho cá…
Về các loại bệnh theo mùa và bệnh phát sinh của các loại cá, các chủ hộ nuôi cá lồng tại các điểm cầu đưa ra khá nhiều loại bệnh như cá nheo Mỹ bị bệnh sưng hầu trong thời gian gần đây, bệnh lồi mắt ở cá rô phi, diêu hồng thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7, bệnh xuất huyết da cá…
Tất cả các câu hỏi của các chủ hộ cá lồng đã được ông Kim Văn Vạn, Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam giải thích nguyên nhân, cách xử lý, khắc phục.
Bế mạc Hội nghị, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản ghi nhận, đây là diễn đàn rất ý nghĩa vì kết nối được nhiều người dân với các lãnh đạo và các doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ cá lồng nói chung và nông sản nói riêng.
Đặc biệt, giúp người dân có thể trao đổi với các chuyên gia kỹ thuật, cập nhật nhanh các kiến thức cũng như cách khắc phục để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao.
Đồng thời các cấp lãnh đạo cũng nắm bắt được tình hình hoạt động sản xuất của người dân để có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp…
"Tổng cục sẽ kiến nghị, đề xuất, chỉ đạo địa phương thống kê danh mục các cơ sở, lựa chọn một số vùng nuôi trọng điểm để tập trung đầu tư hạ tầng nhằm tạo ra vùng sản xuất. Tổng cục Thủy sản cũng sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và các địa phương kiểm tra hiện trạng đàn cá bố mẹ của các Trung tâm giống thủy sản tỉnh và giống thủy sản của tư nhân để xây dựng kế hoạch bổ sung nâng cấp chất lượng đàn cá bố mẹ chuẩn bị cho sản xuất những năm tiếp theo.
Tổng cục Thủy sản sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai sản xuất giống vụ đông xuân, kế hoạch chống rét cho cá bố mẹ và cá giống, kiểm tra chất lượng thủy sản lưu hành trong địa phương, giống thủy sản nhập khẩu qua đường tiểu ngạch…", ông Khôi nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.