Nam Định: Cá lồng to lắm rồi mà bán không nổi, nông dân mặt rầu rĩ như "bánh đa gặp nước"

T. Nam - L. Hồng Thứ năm, ngày 16/09/2021 18:46 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều người nuôi cá lồng ở xã Mỹ Tân (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”, đứng ngồi không yên khi đàn cá lăng, diêu hồng, chép nuôi to lắm rồi mà bán không được, phải nằm im lìm dưới các lồng nuôi.
Bình luận 0

Tận dụng nguồn mặt nước sông Hồng chảy qua địa phương, những năm qua, nhiều hộ dân ở xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân đã bỏ công sức, đầu tư tiền bạc để phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Nhiều hộ dân có của ăn của để, giàu lên trông thấy nhờ gắn bó với mô hình này.

Nam Định: Cá lồng tắc đầu ra, người nuôi mặt méo xệch như "bánh đa gặp nước" - Ảnh 1.

Ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cá không tiêu thụ được, hàng ngày anh Chu Văn Bảo (xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) cắt bớt thức ăn của cá. Chỉ cho đàn cá ăn dè dặt, không đủ no.

Thế nhưng, đại dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ chăn nuôi cá lồng ở xã Mỹ Tân. Cá nuôi ra không tiêu thụ được khiến nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh bí bách.

Gia đình anh Chu Văn Bảo (xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân) là một trong những hộ đang nuôi cá lồng với quy mô lớn nhất ở xã Mỹ Tân. Anh sở hữu 20 lồng nuôi cá lăng và cá diêu hồng.

Những năm khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, mọi việc diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, anh Bảo không phải lo lắng, bận tâm đầu ra cho cá. 

Cá đến độ tuổi xuất bán, anh Bảo chỉ cần vài cuộc giao dịch trên điện thoại là các thương lái kéo đến thu mua tấp nập, đến nỗi xe tải đậu chật kín cả sân. 

Sản lượng cá thương phẩm lên đến hàng chục tấn nhưng chỉ bán khoảng 1 tuần là tiêu thụ hết.

Từ đầu tháng 4/2021 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đầu ra cá thương phẩm của gia đình anh Bảo bị bế tắc, tiêu thụ nhỏ giọt. Hiện tại, gia đình anh đang tồn đọng khoảng 60 tấn cá các loại.

Nhiều tháng qua, vợ chồng anh "mất ăn, mất ngủ", thất thần như người mất hồn, ai nấy buồn rười rượi, mặt ỉu xìu, méo xệch như "bánh đa gặp nước". "Chăm bẵm đàn cá hàng năm trời, vất vả không ngại nắng mưa, nhưng đến lúc cá được bán thì không tiêu thụ được, mọi người trong gia đình buồn lắm", anh Bảo thở dài.

Theo anh Bảo, không những đầu ra bị bế tắc mà giá bán cá thương phẩm cũng bị giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Nam Định: Cá lồng tắc đầu ra, người nuôi mặt méo xệch như "bánh đa gặp nước" - Ảnh 2.

Hàng chục tấn cá diêu hồng thương phẩm của gia đình anh Chu Văn Bảo (xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) đang "bí" đầu ra.

Nếu như mọi năm cá lăng loại 5 - 6kg/con bán với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm thì hiện tại hạ xuống còn 60.000 - 70.000 đồng/kg; cá diêu hồng loại 1 - 1,5kg/con trước bán với giá 70.000 - 75.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Đưa PV Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm quan khu bè nuôi cá lồng được làm kiên cố, chắc chắn trên sông Hồng, anh Bảo buồn rầu cho hay, từ cuối năm ngoái đến nay giá cám thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang, chỉ trong thời gian ngắn mà giá cám tăng 8 - 9 lần, khiến hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản đuối sức.

Theo tính toán, hiện mỗi bao cám loại 25kg có giá khoảng 400.000 đồng, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Với sản lượng cá thương phẩm đang tồn đọng lên đến khoảng 60 tấn như hiện nay, nếu cho ăn đúng quy trình, điều độ thì mỗi ngày gia đình anh Bảo sử dụng hết 40 bao cám, trị giá gần 16 triệu đồng.

"Do giá cám tăng cao, giá thành sản phẩm lao dốc, đầu ra eo hẹp… nên gia đình tôi buộc phải cắt giảm nguồn thức ăn của cá, cho đàn cá ăn dè dặt với số lượng 15 bao cám/ngày", anh Bảo nói.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình chị Vũ Thị Mai (xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân) cũng đang tồn đọng khoảng 5 tấn cá thương phẩm gồm cá lăng, cá chép. Trong đó, chủ lực vẫn là cá lăng.

Clip: Gia đình chị Vũ Thị Mai (xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) cũng rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười" khi đang tồn đọng khoảng 5 tấn cá thương phẩm gồm cá lăng, cá chép.

Chị Mai bảo, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch nên đầu ra bị "đứt gãy". Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành đang cấm các phương tiện từ địa phương khác lưu thông vào địa bàn, do đó nhiều chuyến hàng buộc phải hủy đơn.

Khó khăn trong việc lưu thông, chị Mai chuyển dần sang hình thức bán hàng online trên mạng xã hội Facebook, sẵn sàng ship hàng tận nơi cho những khách hàng (hộ gia đình) mua đơn lẻ ở gần nhưng nhu cầu ăn cá loại to (loại 6kg/con) của khách hàng rất ít nên việc chào hàng trên mạng xã hội cũng không mấy khả thi.

Cũng giống như gia đình anh Bảo, để cố gắng cầm cự với số cá đang bị tồn đọng, chị Mai cũng phải cắt giảm nguồn thức ăn của cá nhằm tránh thiệt hại kinh tế gia đình. "Nếu tình trạng cá ăn đói kéo dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, cá bị sút cân…", chị Mai nói.

Chị Mai trăn trở, thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi không giảm xuống và giá cá không tăng lên thì chắc chắc người nuôi không có lãi.

Bản thân chị Mai cũng không biết gia đình có "cầm cự", trụ vững qua đợt dịch Covid-19 này không, khi mà nguồn vốn đầu tư ngày càng cạn kiệt…

Ông Mai Đăng Nhân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định chia sẻ: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán các sản phẩm thủy sản (tôm, cá…) xuống thấp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem