|
Kiểm tra chất lượng cà phê.Thành Đạt |
Theo dự đoán của nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế về khả năng giảm giá của đồng Euro có thể còn kéo dài, thậm chí có thể cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn biến theo hình chữ W (xuống đáy 2 lần).
Giá hàng hóa xuất khẩu của VN sang khu vực đồng Euro (và các nước ở châu Âu nói chung) sẽ bị giảm giá. Thực tế kim ngạch xuất khẩu vào khu vực EU 4 tháng qua đạt 3,1 tỷ USD, chỉ tăng 4,2%, chỉ bằng một phần ba tốc độ tăng chung (12,6%) và thấp xa so với tốc độ tăng vào các thị trường khác, như: Mỹ (tăng 22,3%), ASEAN (21,8%), Nhật Bản (23,6%), Trung Quốc (38,4%)...
Tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU cũng giảm xuống chỉ còn 12%, trong khi cùng kỳ là 13% và năm 2008 là 17,4%.
Để hạn chế tác động của khó khăn mới này, một mặt, cần tranh thủ đẩy mạnh việc nhập khẩu, nhất là nhập khẩu thiết bị, kỹ thuật- công nghệ, để tranh thủ ở khu vực này giá xuống thấp và có công nghệ nguồn.
Mặt khác, cần tìm kiếm thị trường mới, trong đó có những thị trường tuy kim ngạch còn ít nhưng lại có tiềm năng lớn về hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng (như châu Phi, Trung Đông…).
Tuy nhiên, do hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của VN thường mang thương hiệu của các nước khác, nhất là của các thương hiệu xuất khẩu vào EU, nên việc chuyển thị trường vừa khó khăn, vừa không được lợi hơn (vẫn như xuất khẩu vào EU).
Vì vậy, cùng với việc nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh là phải ưu tiên hơn cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia VN để không bị bán dưới giá của sản phẩm cùng loại của các nước khác. Ngân hàng Nhà nước cần có sự hỗ trợ trong việc điều hành tỷ giá, bởi lâu nay chủ yếu quan tâm đến tỷ giá VND/USD, còn tỷ giá VND/Euro chủ yếu vẫn điều chỉnh theo tỷ giá VND/USD.
Đây cũng là điều cần quan tâm, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi việc lên giá, xuống giá sẽ không chỉ diễn ra đối với Euro, đối với Yên Nhật…, tránh những cú sốc khi thị trường tài chính - tiền tệ có những biến động lớn.
Minh Huệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.