Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, vì nhiều lý do mà một số hộ được thụ hưởng đã sang nhượng, mua bán, cầm cố dẫn đến mất đất sản xuất. Cuộc sống của họ tiếp tục rơi vào tình trạng tái đói, tái nghèo…
Nhà chị Thị Pam, 45 tuổi, dân tộc Xtiêng ở thôn 4 (Thống Nhất) là 1 trong số 56 hộ được cấp đất sản xuất theo Quyết định 134. Do gia đình khó khăn, lại phải chữa bệnh cho con trai, chị Pam đã vay lãi 50 triệu đồng. Năm 2011, do không có khả năng trả nợ, chị đã phải để lại 1ha đất cấp theo Quyết định 134 cho chủ nợ canh tác. Hiện tại 4 nhân khẩu nhà chị Thị Pam đều không có việc làm ổn định, cái ăn hàng ngày nhờ vào việc đi mót củ mì (sắn) và mót điều khô. Trong căn nhà chỉ có vách nứa và chõng tre, chị Thị Pam chia sẻ: “Lúc đầu chỉ biết vay để lo chữa bệnh cho con, chủ nợ bảo nếu không có tiền trả nợ thì họ lấy đất sản xuất. Do không có tiền trả nợ, đành cứ để họ lấy đất thôi!”.
Theo báo cáo của UBND xã Thống Nhất, trong số 56 hộ được cấp đất sản xuất thì có 9 hộ cầm cố sang nhượng, 7 hộ đã mất đất sản xuất, cá biệt có hộ chỉ vay 13 triệu đồng nhưng phải gán đất trong thời hạn 50 năm.
Để xử lý các trường hợp trên, UBND huyện Bù Đăng đã lập đoàn công tác về xã Thống Nhất để xem xét từng trường hợp và sẽ có biện pháp tháo gỡ xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Điểu Giá - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trước hết giao cho xã Thống Nhất tạm thời quản lý giấy chứng nhận quyền sử dụng các lô đất trên; tổ chức tuyên truyền, vận động các bên thoả thuận trao đổi để trả lại đất sản xuất cho bà con. Thời hạn thoả thuận đến hết quý III/2013, nếu các hộ không thoả thuận được, huyện sẽ thu hồi đất và xem xét cấp lại cho các hộ khó khăn khác, hoặc giao cho xã tạm thời quản lý. Đối với các hộ có số tiền cầm cố nhiều không có khả năng trả nợ, UBND xã Thống Nhất có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện; các hộ có số tiền cầm cố ít, cần xem xét tạo điều kiện để các hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả nợ, lấy lại đất.
Phạm Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.