Khó khăn tứ bề, Phân bón Bình Điền vẫn kỳ vọng có đột phá mới

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 07/06/2019 14:51 PM (GMT+7)
Dù mới chỉ đạt 40% kế hoạch các chỉ tiêu kinh doanh đề ra sau 5 tháng đầu năm, nhưng Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) vẫn được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đánh giá cao. Trong tình hình khó khăn chung của ngành phân bón, Bình Điền vẫn là 1 trong 5 doanh nghiệp trực thuộc Vinachem có kết quả kinh doanh vượt trội, mang lại lợi nhuận tốt cho cổ đông và đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Bình luận 0

Đó là khẳng định của ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tại Hội nghị Đại biểu người lao động của Công ty CP Phân bón Bình Điền, diễn ra sáng nay 7/6, tại Long An.

img

Đại diện Vinachem tặng bằng khen và cờ thi đua cho lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền (Ảnh: Quốc Hải)

Khó khăn tứ bề, vẫn chăm lo tốt cho người lao động

Báo cáo tại Hội nghị Đại biểu người lao động, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, năm 2018 là một năm đầy khó khăn thách thức với ngành sản xuất phân bón khi thời tiết diễn biến phức tạp, giá các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu… sụt giảm mạnh nên nông dân cũng cắt giảm đầu tư phân bón. Tuy nhiên, khó khăn nhất là trên cả nước có đến hơn 800 DN sản xuất kinh doanh phân bón nên tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, các chính sách thuế vẫn tiếp tục có lợi cho việc nhập khẩu phân bón nên phân bón ngoại tràn vào Việt Nam nhiều, ảnh hưởng đến các DN sản xuất phân bón NPK, trong đó có Bình Điền.

Theo ông Đông, dù quy định của pháp luật về quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón cũng đã có những tín hiệu tích cực, nhưng các sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng giả hàng nhái vẫn xuất hiện tràn lan và chưa được xử lý nghiêm, tiếp tục làm rối loạn thị trường trong nước.

"Thế mạnh của Bình Điền so với nhiều DN sản xuất NPK khác là xuất khẩu mạnh sang thị trường Campuchia, Lào, nhưng năm 2018 vừa qua cũng gặp khó khăn bởi các sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Thái Lan sang các thị trường này, cùng với chính sách bảo hộ cho các DN của nước sở tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của công ty”, ông Đông chia sẻ.

Bởi những khó khăn này, kết quả kinh doanh năm 2018 của Bình Điền vẫn chưa đạt như kỳ vọng ở một số chỉ tiêu. Cụ thể, sản lượng đạt 672.114 tấn, đạt 97,4% kế hoạch; Sản lượng tiêu thụ 667.069 tấn, đạt 96,7% kế hoạch; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.500,5 tỷ đồng, đạt 102,4% kế hoạch. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 312,4 tỷ đồng, chỉ đạt 73,5% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế thực hiện riêng công ty mẹ đạt 210,1 tỷ đồng, đạt 71,2% kế hoạch.

“Dù tình hình kinh doanh khó khăn nhưng Bình Điền vẫn đảm bảo lợi ích cổ đông khi chia cổ tức 25%, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đảm bảo mức thu nhập bình quân 11 triệu đồng/tháng cho người lao động. Các thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và công ty luôn thực hiện đủ, nên cán bộ, công nhân viên cảm thấy yên tâm, gắn bó và cống hiến hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Đông tự hào nói.

img

Đông đảo công nhân viên Công ty Phân bón Bình Điền dự hội nghị (Ảnh: Quốc Hải)

Đánh giá về kết quả hoạt động của Bình Điền trong năm 2018 vừa qua, ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - đơn vị chủ quản của BFC, cho hay, năm 2018 là năm khó khăn của nhiều doanh nghiệp nói chung, của ngành phân bón nói riêng, tuy nhiên Bình Điền vẫn là 1 trong 5 doanh nghiệp trực thuộc Vinachem có kết quả kinh doanh tốt nhất, mang lại lợi ích cho cổ đông và công ty mẹ, đảm bảo chăm lo tốt cho người lao động.

“Tôi cũng rất phấn khởi vì dù năm 2019 tiếp tục được đánh giá là năm khó khăn cho ngành phân bón nói chung nhưng sau 5 tháng đầu năm 2019, Bình Điền đã hoàn thành được 40% chỉ tiêu kế hoạch năm, cao hơn so với mức bình quân chỉ 35% kế hoạch mà nhiều DN khác thuộc Vinachem đạt được sau 5 tháng đầu năm 2019”, ông Chuyên chia sẻ.

Còn ông Phạm Đức Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thì đánh giá: “Vài năm gần đây, tình hình phân bón giả, kém chất lượng diễn biến khá phức tạp nhưng phải thừa nhận phân bón Bình Điền đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp địa phương khi cung ứng nguồn phân bón NPK đạt chất lượng, tham gia tư vấn cho nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, ổn định và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, đồng thời cũng đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh hàng chục tỷ đồng (năm 2018 là 41,56 tỷ đồng)”.

Kỳ vọng có đột phá mới ở sản phẩm NPK

Năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm cực kỳ khó khăn cho ngành phân bón nói chung, với Bình Điền nói riêng. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp giảm nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 với những con số cụ thể: Sản lượng sản xuất 643.000 tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 643.000 tấn; tổng doanh thu hợp nhất 6.280 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 290 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 190 tỷ đồng.

Dù vậy, lãnh đạo Bình Điền vẫn cam kết đảm bảo thu nhậ bình quân cho người lao động với mức lương 11 triệu đồng/tháng, cùng các thỏa thuận thỏa ước lao động tập thể với các chế độ về ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, thăm hỏi, hiếu hỉ…

“Năm 2019, chúng tôi phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu như giảm chi phí sản xuất bình quân 0,15%/tấn sản phẩm so với bình quân của năm 2018. Giảm chi phí quản lý khoảng 2% so với năm 2018, để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, đáp ứng kỳ vọng của tập đoàn mẹ cũng như sự tin tưởng của cổ đông, người lao động thời gian qua”, ông Đông khẳng định.

Chia sẻ với những khó khăn của Ban giám đốc, tập thể cán bộ, công nhân viên công ty cho biết, sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và quản lý, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí” trong năm 2019.

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó trưởng phòng Marketing, cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với phòng nghiên cứu và hội đồng khoa học để phát triển dòng sản phẩm phân bón đầu trâu chứa vi lượng thông minh cho cây ăn trái, dự kiến có thể đưa ra thị trường trong quý 3/2019. Đây sẽ là sản phẩm đột phá của NPK Bình Điền cho dòng cây ăn trái khu vực phía Nam”.

Cụ thể, theo ông Danh: “Đây là loại phân NPK được sản xuất theo phương pháp đặc biệt dưới áp suất và nhiệt độ cao, nên các vi lượng và P được tạo thành một dạng polymer không tan trong nước nhưng tan trong axit yếu. Nhờ vậy khi rễ cây thực hiện quá trình trao đổi ion, liền tiết ra axit yếu thì đồng thời hòa tan được chất polymer chứa vi lượng này, nên cây có thể hút được vi lượng cần thiết, không gây thất thoát như các loại NPK thông thường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem